Bệnh viện nào cho các "bác xế"?

"Bệnh viện" nào cho ô tô tốt nhất?

Trả lời 14 năm trước

Vào một ngày không đẹp trời, chú "xế cưng" của bạn bỗng dưng... lăn đùng ra "ốm". Bạn băn khoăn không biết nên đưa xế đến "bệnh viện" nào - gara tư nhân hay đại lý chính hãng.

Vài năm trở lại đây, ôtô không còn là phương tiện giao thông xa lạ trên các đường phố Việt Nam. Đi kèm theo đó, dịch vụ sửa chữa - bảo dưỡng mọc lên như nấm với giá cả, chất lượng mỗi nơi mỗi kiểu khiến khách hàng nhiều khi "chẳng biết đường nào mà lần". Hiện dịch vụ sửa chữa ôtô được chia làm hai loại: gara tư nhân và đại lý chính hãng, mỗi nơi đều có những ưu điểm và bất cập riêng; vì vậy, việc chọn một "bệnh viện" uy tín để gửi gắm "xế yêu" quả là không dễ chút nào.

"Tiền mất, tật mang"

Đang lái xe về nhà, anh Minh nghe thấy tiếng kêu bất thường phát ra từ khoang động cơ. Tiện đường, anh tạt vào một xưởng sửa xe nhỏ để xem xét. Sau một hồi loay hoay kiểm tra máy móc, nhân viên sửa chữa thông báo bộ phận lọc gió của chiếc xe bị hỏng và cần thay thế. Vốn không hiểu biết nhiều về kỹ thuật, anh phó mặc cho thợ "muốn làm gì thì làm". Hơn nữa, giá thay lọc gió "chính hãng" cộng với tiền công chưa đầy 500 nghìn nên anh cũng không phải... lăn tăn. Thế nhưng, chỉ sau vài tháng, chiếc xe không những "rít" lên những tiếng khó chịu mà dầu máy còn rỉ ra từ động cơ, đồng thời lốc máy bị vỡ. Đến lúc đó anh mới hoảng hốt đi tìm tiệm sửa uy tín và ngã ngửa vì nguyên nhân dẫn đến sự cố của xe là do sử dụng bộ phận lọc gió giả.

Trường hợp của anh Minh chỉ là một trong rất nhiều chủ nhân khốn khổ vì bị thay thế phụ tùng giả. Nhiều gara tư nhân nhỏ, do không có điều kiện đầu tư máy móc, phụ tùng hiện đại và chất lượng nên đã lấy mức giá thấp làm chiêu bài thu hút khách. Để làm được điều đó, họ chỉ còn cách là mua phụ tùng nhái với giá rẻ hơn gấp nhiều lần hoặc thuê những thợ sửa chữa ít kinh nghiệm. Vì vậy, nếu chủ xe nào không may gặp phải những "thầy phán" kiểu này thì nếu không "dính" phụ tùng giả, căn bệnh cũ cũng tái phát, gây hậu quả thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Rốt cục "một tiền gà, ba tiền thóc", tính ra tổng chi phí lại đắt hơn nhiều, đó là chưa kể đôi lúc còn gây ảnh hưởng tới tính mạng và sự an toàn của bản thân.

Ngoài ra, nắm được tâm lý "ham" rẻ của phần lớn khách hàng, một số gara còn có chiêu "kê đơn" dè dặt, nghĩa là chỉ kê ra những chi tiết hư hỏng nặng cần thay ngay để giá tiền không đội lên quá cao. Kết quả là, sửa đi rồi sửa lại, cứ vài tháng lại ra thay một thứ khiến chủ nhân rất mất thời gian mà xe thì vẫn luôn trong tình trạng "ốm yếu". Lấy ví dụ, có người chạy xe Ford Transit dàn lạnh bị xì ga. Sau khi sửa, lạnh được vài bữa lại... tịt luôn và phải sửa tiếp. Có tình trạng như vậy là vì còn những linh kiện sắp hư đang cần được thay thế.

"Chém"... đẹp

Khác với các gara tư nhân, những đại lý lớn thường mang đến cho khách hàng sự yên tâm khi sử dụng dịch vụ. Đó là bởi vì đại lý được trang bị toàn phụ tùng "xịn", máy móc hiện đại cùng với cung cách phục vụ chuyên nghiệp và đội ngũ kỹ sư lành nghề. Tuy nhiên, cái gì cũng có... giá của nó. Giá dịch vụ ở đại lý thường cao hơn hẳn, giá phụ tùng cũng đắt hơn rất nhiều. Thông thường, lái xe vào những điểm sửa chữa này, khách chỉ việc ngồi một chỗ và móc ví trả tiền sau khi thợ kỹ thuật bắt bệnh cho xe và... thay phụ tùng. Tâm lý của phần đông khách hàng cho rằng, các đại lý lớn thường có giá rõ ràng và yên tâm không bị bắt chẹt như các gara nhỏ. Tuy nhiên, không phải đại lý nào cũng nghiêm chỉnh như mong muốn và vì vậy rất nhiều "thượng đế" đã biến thành những chú "gà công nghiệp", bị chặt chém một cách không thương tiếc.

Cách đây hai năm, xe của Anh Tuấn Thành (đường Hồ Ba Mẫu) tự dưng chết máy, đề mãi vẫn không nổ. Anh gọi đội cấp cứu hãng tới nhưng lúc vừa đến nơi, tự dưng anh đề xe lại nổ máy. Đội cấp cứu đã kiểm tra và thông báo cần thay bơm xăng cũng như các chi tiết kèm theo với giá 5 triệu. Đoán chắc là họ chỉ mới "nghía" qua để kê đơn chứ chưa xem xét kỹ bên trong, anh từ chối và sau đó chọn một nơi khác để "khám" lại. Khi xe được tháo tung, thợ sửa chữa ở đây lại yêu cầu anh thay một bộ phận khác mà theo anh vẫn còn rất mới. Đắn đo mãi, cuối cùng anh quyết định không thay bất cứ "món" gì và xe vẫn chạy tốt đến tận bây giờ.

Trường hợp của anh Lâm (phố Giải Phóng) thì cực kỳ đơn giản - xe chỉ bị mòn cần gạt công tắc đèn - thế nhưng, mang đến đại lý, hãng lại yêu cầu thay cả cụm với giá rất cao.

Quả thực, để tìm được một điểm sửa xe uy tín đang là mối lo lớn đối với các chủ xe bởi thông tin họ nhận được vô cùng phong phú. Và chắc chắn một điều là, dù đến bất cứ điểm nào - gara hay đại lý - thì cũng đều là "number one" hết. Giá dịch vụ thì không chỗ nào giống chỗ nào, giá phụ tùng lại còn đáng sợ hơn. Cùng một chi tiết, đảo qua vài gara, thấy lạ vì chỗ nào cũng chính hãng, hàng "xịn" mà giá có khi chênh nhau gần một nửa. Vào chính hãng thì nhiều khi té ngửa vì... tốn quá, giá phụ tùng và công đều cao ngất trời nhưng lại được sự yên tâm. Tuy nhiên, không phải phụ tùng nào đại lý cũng có sẵn và đối với những loại xe hãng không cung cấp thì cũng chẳng biết đường nào mà lần.

Đúng là không có một quy chuẩn rõ ràng trong sửa chữa ôtô bởi điều đó còn phụ thuộc vào "bệnh" của xe, đời xe, hãng xe... ; chính vì vậy, bài học cho người sử dụng là hãy cẩn thận trước khi quyết định lựa chọn "bệnh viện" nào cho "xế".

Sau đây là một số kinh nghiệm mà chúng tôi tổng hợp được từ những người dùng xe lâu năm và có "nghề" trong ngành sửa chữa:

Trước hết, đối với những việc làm đơn giản như bảo dưỡng, thay dầu hoặc sửa chữa hệ thống làm lạnh, chủ xe không nhất thiết phải mang xe đến các đại lý lớn bởi ở đó giá dịch vụ thường cao hơn những nơi khác. Hãy tìm cho mình một gara uy tín để tiết kiệm hầu bao. Trường hợp xe của bạn vẫn còn trong thời hạn bảo hành và cần sửa chữa, hành động duy nhất lúc đó là mang tới đại lý chính hãng. Còn khi xe đã hết hạn bảo hành, chủ xe có thể chọn một xưởng sửa chữa có uy tín, kinh nghiệm cũng như có đầy đủ các thiết bị cần thiết. Khi đã có được nơi ưng ý, hãy tới đó vào các lần sau để thợ sửa có thể theo dõi sự cố cũng như hoạt động của xe một cách hệ thống. Nếu thay đổi nơi sửa quá thường xuyên, bạn sẽ gặp phải tình trạng xưởng này yêu cầu bạn thay bộ phận mà bạn đã mua ở xưởng khác. Lúc đó, chi phí sẽ đội lên rất nhiều.

Một điều quan trọng khác là tìm hiểu giá dịch vụ. Nhiều khách hàng cho rằng giá cho các dịch vụ tại đại lý là thống nhất. Tuy nhiên, những nhận định trên không chính xác. Thông thường, một số đại lý thực hiện đúng theo hướng dẫn trong sổ tay trong khi số khác lại thêm vào các dịch vụ phụ. Vì vậy, giá chênh lệch nhau khá lớn. Để không bị mất quá nhiều tiền cho những vấn đề như thế , tốt nhất bạn hãy liên hệ trước với các đại lý, hỏi về giá cả và chi tiết quá trình bảo dưỡng để không bị rơi vào thế phải trả quá nhiều tiền. Ngoài ra, để tránh bị "móc túi", theo các thợ sửa xe có kinh nghiệm thì khách hàng cũng nên tự ghi chép lại lý lịch xe, ngày tháng của những lần bảo hành, bảo dưỡng và những phụ tùng thay thế thông qua biên lai hoá đơn những lần sửa chữa trước.

Theo Autopro