Làm thế nào Mẹ tròn con vuông trong ngày đầy tháng?

chuyengia
chuyengia
Trả lời 16 năm trước
Ngày xưa khi còn nhỏ, tôi có nghe một bài hát, “... đêm về nghe con khóc vui triền miên”. Thú thật, khi cháu đầu lòng của vợ chồng tôi ra đời, chúng tôi còn đang đi học chuyên khoa Sản-Phụ. Ngày đêm trực gác trong bệnh viện, tối về phải cho con bú, thay tã. Tháng đầu tiên sao dài đằng đẵng. Tôi đâm chán cái ông nhạc sĩ nào đó, nghe con khóc cả đêm mà vui nỗi gì! Bé sơ sinh Tháng đầu tiên trong cuộc đời của em bé thật vô cùng quan trọng. Ngày xưa ở Việt Nam ta, em bé sau khi ra đời không được đặt tên ngay vì tỉ lệ tử vong của bé sơ sinh rất cao. Nếu sau một tháng bé vẫn còn mạnh giỏi thì có lẽ hy vọng sống sót lớn lên thành người. Ngày đầy tháng đúng là dịp ăn mừng cho cháu và bố mẹ. Trong 4 tuần đầu sau khi lọt lòng mẹ, trẻ em dễ chết yểu. Trong số trẻ không may chết trong năm đầu thì hết 2/5 sẽ chết vào tháng đầu tiên. Vì thế, nếu bé được ăn đầy tháng thì cháu đã thoát được hết hai phần ba của những rủi ro. Việc chăm sóc sức khoẻ cho em bé tháng đầu tiên vô cùng quan trọng vì những khả năng đề kháng của bé chưa được hoàn hảo và chưa hoạt động đúng mức. Bé phải phụ thuộc vào nhiều kháng thể của mẹ, theo sữa mẹ qua cơ thể bé, để chống lại sự xâm nhập của các vi trùng, siêu vi, v.v.. Chẳng hạn, Streptococcus nhóm B là một loại vi trùng thường thấy ở bộ phận sinh dục phụ nữ và không gây triệu chứng gì ở người mẹ. Tuy nhiên, chính những vi trùng đó lại gây những bệnh chết người cho bé sơ sinh như sưng phổi nặng, sưng màng óc. Tử vong cao thường xảy ra ở tuần lễ đầu tiên. Herpes là một bệnh do siêu vi trùng, gây những vết lở và mụt nước ở bộ phận sinh dục của người mẹ, có thể lây nhiễm vào hệ thần kinh của em bé và gây tử vong. Ngoài ra, còn những vi trùng khác từ người mẹ truyền qua, lại có những bệnh từ bên ngoài đến. Cháu hay bị nhiễm trùng đường tiểu, nhiễm trùng đường tiêu hóa, v.v.. Để niềm vui đầy tháng được trọn vẹn, ta hãy cẩn thận chăm sóc sức khoẻ mỏng manh của cháu. Nên chú ý đến những bất thường dù nhỏ khi chơi, lúc ăn của cháu, vì trong mấy tháng đầu thật khó ước lượng được tầm mức nặng nhẹ của căn bệnh cháu mắc. Dù nhiễm trùng nặng, cháu bé thường cũng không sốt, chỉ biếng chơi, biếng ăn, ói sữa chút đỉnh. Nếu thấy cháu có những triệu chứng, dấu chứng bất thường nào, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ nhi khoa của cháu ngay. Mẹ sau sanh Chăm sóc sức khoẻ cho người mẹ trong tháng đầu tiên sau sanh cũng rất quan trọng. Sau khi sanh, tử cung sẽ thu nhỏ lại bằng nắm tay và kinh nguyệt sẽ trở lại trong vòng 6 tuần lễ. Nên tập thể dục để giúp cho trọng lượng cơ thể và bắp thịt bụng chóng trở lại bình thường, sớm khôi phục lại khả năng co giãn vốn có, từ đó bảo vệ được tử cung, trực tràng và bàng quang. Nếu không hoạt động trong thời gian dài, sản phụ dễ bị tắc tĩnh mạch ở chân do máu kém lưu thông. Một số phụ nữ có thể bị chứng phiền muộn, “buồn vui vô cớ” sau khi sanh. Nên hỏi ý kiến bác sĩ ngay nếu có những triệu chứng bất thường. Nhiều sản phụ cho rằng “gió” là thủ phạm gây bệnh sản hậu nên luôn ở trong phòng kín, và mặc ấm. Việc che chắn quá kỹ càng như vậy chỉ tạo điều kiện cho vi trùng phát triển mà thôi. Ngày xưa vẫn có tập quán: sản phụ đầy tháng mới được gội đầu, tắm rửa. Khi sanh đẻ, một số máu loãng vẫn còn ứ đọng trong âm đạo. Thiếu tắm rửa khiến máu, mồ hôi tồn đọng, cơ thể dơ bẩn, có thể đưa đến nhiễm trùng. Nên ăn uống đầy đủ không kiêng khem, không ăn lạt quá, hay mặn quá. Sau khi sanh, sản phụ cần nguồn dinh dưỡng phong phú để tạo sữa cho con. Sau khi sanh, nếu quyết định cho con bú sữa mẹ thì nên cho con bú ngay trong vòng 24 tiếng đồng hồ đầu tiên. Trẻ bú sẽ khích thích phản xạ tiết sữa, khiến mẹ mau xuống sữa, đồng thời giúp tử cung co hồi tốt, tránh chảy máu cho mẹ sau khi sanh. Nếu được bú ngay khi ra đời, trẻ sẽ sớm có nguồn dinh dưỡng phong phú, tăng sức đề kháng với bệnh tật nhờ nguồn sữa non. Thông thường, sau khi sanh khoảng 30 phút là có thể cho trẻ bú sữa. Cuối cùng khi trẻ đầy tháng, người mẹ vẫn chưa hồi phục sức khỏe. Không nên quan hệ chăn gối sớm, nên chờ 6-8 tuần cho tử cung và âm đạo hoàn toàn bình thường trở lại.