Cùng với việc gia tăng kích cỡ màn hình, hai mẫu iPhone 6 và iPhone 6 Plus cũng được thay đổi thiết kế mềm mại và mỏng nhẹ hơn. Các yếu tố khác nhưhiệu năng, camera và dung lượng pin cũng được cải thiện và đây là thế hệ iPhone đầu tiên tích hợp NFC để thanh toán di động. Tuy nhiên, những gì mà Apple đang có trên hai mẫu iPhone mới thì Android đều có đã có từ năm ngoái hoặc thậm chí sớm hơn.
Vậy tại sao iPhone 6 và iPhone 6 Plus vẫn tiếp tục thành công, giúp Apple bán được số lượng lập kỷ lục mới, vượt hơn các đời iPhone cũ trong tuần bán đầu tiên. Hy vọng bài đánh giá iPhone 6 của chúng tôi sẽ phần nào giải đáp được băn khoăn trên đồng thời cho thấy chiếc iPhone mới này đã có những cải thiện như thế nào với thế hệ iPhone 5s.
Thiết kế
iPhone 6 là thế hệ iPhone thứ 8 của Apple và là đời iPhone thứ 4 được thay đổi hẳn về thiết kế (các đời iPhone trước đó được thay đổi lớn về thiết kế gồm iPhone 3G, iPhone 4, iPhone 5). Tuy vậy, nó không phải là thay đổi quá lớn hay quá lạ lẫm với các fan của Apple bởi vì hình thức của iPhone 6 được kế thừa nhiều từ iPod Touch thế hệ thứ 5. Các chi tiết mới trong thiết kế của iPhone 6 - các góc và cạnh máy bo tròn, thân máy mỏng – đều khá giống với iPod Touch thế hệ thứ 5.
So với iPhone 5s, iPhone 6 lớn hơn, nặng hơn một chút nhưng thân máy mỏng hơn khá nhiều (6,9 mm và 7,6mm). Thân máy mỏng kết hợp với các cạnh, góc máy bo tròn và phần kính tiếp giáp với khung nhôm nguyên khối xung quanh máy cũng được uốn cong nhẹ chứ không phải là cắt vát như trên iPhone 5/5s đã khiến cho việc cầm nắm iPhone 6 rất dễ chịu. Tuy vậy, nếu xét về độ ôm tay thì sản phẩm mới của Apple với thiết kế mặt sau phẳng chưa được như HTC One M8 sử dụng thiết kế vỏ máy vát đều về phía các cạnh.
Cạnh đáy gồm giắc âm thanh, microphone, cổng micro-USB và loa ngoài
Thân máy của iPhone 6 sử dụng 3 chất liệu với độ co ngót khác nhau gồm kính bảo vệ phía trước, dải nhựa phía sau máy và khung nhôm nguyên khối nhưng phải nói là Apple đã làm rất tốt khâu thiết kế cơ khí và lắp ráp. Các đường nét trên máy đều khớp với nhau rất hoàn thiện, không có kẽ hở nào. Các chi tiết nằm trên các cạnh máy như phím nguồn, âm lượng, giắc âm thanh và khe loa đều được cắt cơ khí rất gọn gàng, tinh xảo.
Phím nguồn và khay Nano-SIM bên cạnh phải
Tuy vậy, thiết kế của iPhone 6 có vài điểm khiến cho sản phẩm giảm đi đáng kể sự tinh tế vốn có trên các sản phẩm của Apple. Đó là kích cỡ dải nhựa phía sau máy to và nổi bật nên nhìn khá thô, camera phía sau bị lồi do thân máy quá mỏng trong khi bộ phận camera không thể thu gọn hơn và tỷ lệ viền màn hình của máy cũng chưa được tối ưu so với các máy Android, chẳng hạn như LG G2.
Camera phía sau bị lồi lên khoảng 1mm
Nhìn chung, iPhone 6 đã được thay đổi thiết kế toàn diện so với iPhone 5s. Máy có kích cỡ lớn hơn, bo tròn mềm mại và mỏng hơn các thế hệ trước. Các đặc điểm tạo nên đẳng cấp trong thiết kế của iPhone như nhôm nguyên khối và các chi tiết trên các cạnh máy được cắt gọt chau chuốt vẫn được kế thừa nhưng nét tinh tế của iPhone đã giảm đi khá nhiều khi mà Apple cố tình duy trì độ mỏng khiến cho camera phía sau bị lồi trông xấu nếu không sử dụng vỏ bảo vệ, và đặc biệt là chi tiết dải nhựa to, thô.
Màn hình
Năm ngoái, chúng tôi đã đánh giá iPhone 5s là smartphone tốt nhất trong số các smartphone cao cấp của năm 2013 nhờ khả năng hiển thị màu sắc rất chuẩn, độ sáng cao, độ tương phản tốt và góc nhìn rộng. Các ưu thế này vẫn tiếp tục được kế thừa trên iPhone 6 và thậm chí một số điểm như độ sáng tối đa và độ tương phản còn tốt hơn so với iPhone 5s.
Từ trái sang: HTC One M8 và iPhone 5s (hàng phía trên); Galaxy S5 và iPhone 6 (hàng phía dưới)
Khi so sánh với các đối thủ Android là Galaxy S5 và HTC One M8 thì iPhone 6 có ưu thế hơn về khả năng hiển thị màu sắc chuẩn và độ sáng cao hơn. Góc nhìn của iPhone 6 đuối hơn Galaxy S5 (màn hình Super AMOLED có ưu thế hơn hẳn IPS LCD về góc nhìn) một chút nhưng tốt hơn HTC One M8. Nhìn tổng thể các yếu tố thì màn hình của iPhone 6 có chất lượng nhỉnh hơn các đối thủ Android kể trên dù sự chênh lệch khi nhìn bằng mắt thường là không nhiều (xem thêm bài Đọ màn hình iPhone 6 với iPhone 5s, HTC One M8 và Galaxy S5).
Camera
Camera trên iPhone 6 không thay đổi nhiều so với iPhone 5s. Camera chính phía sau vẫn duy trì độ phân giải 8MP, thấu kính 5 lá, khẩu mở f/2.2, kích cỡ điểm ảnh 1.5 micron và đèn flash kép True Tone để chụp thiếu sáng. Tuy nhiên, Apple đã đưa vào vài thay đổi nhỏ trên camera chính của iPhone 6, trong đó bổ sung đáng chú ý nhất là cảm biến của máy hỗ trợ lấy nét tự động theo pha có tốc độ lấy nét nhanh hơn so với cơ chế nét tự động theo độ tương phản.
Bên cạnh đó, khả năng xử lý hình ảnh của camera cũng được cải tiến nhẹ, hỗ trợ quay phim chuyển động chậm ở tốc độ 240 fps, gấp đôi so với 120 fps trên iPhone 5s. Trong khi đó, camera trước vẫn duy trì độ phân giải 1.2MP nhưng khẩu mở của ống kính lớn hơn, f/2.2 so với f/2.4 trên iPhone 5s.
Về phần mềm, ứng dụng camera vẫn tuân thủ triết lý quen thuộc của Apple là sự đơn giản và dễ dùng, hướng tới người dùng phổ thông. Apple đưa vào rất ít tùy chỉnh trên ứng dụng camera, gần như mọi thứ liên quan đến chất lượng ảnh đều được áp dụng cơ chế tự động thông minh. Trên iOS 8 thì ứng dụng camera đã xuất hiện thanh bù trừ sáng (EV) trên màn hình chụp. Theo mặc định, EV luôn để ở mức 0 nhưng người dùng có thể chỉnh thanh bù trừ sáng ngay trên màn hình nên rất tiện khi chụp ảnh.
Nhìn chung, trải nghiệm camera trên iPhone 6 rất đơn giản, không mất nhiều thời gian tìm hiểu để sử dụng. Tuy vậy, những người thích can thiệp sâu hơn để tùy chỉnh ảnh chụp theo ý đồ của mình có thể sẽ không thích "kiểu tự động" của iPhone bằng các điện thoại Android hoặc Windows Phone
Còn về chất lượng, chúng tôi đã chụp thử một số ảnh của iPhone 6 so với iPhone 5s và các máy Android cao cấp như HTC One M8, Galaxy S5 và Sony Xperia Z3. Kết quả cho thấy iPhone 6 có chất lượng ảnh nhỉnh hơn chút so với iPhone 5s, nước ảnh trong hơn, nhiều chi tiết hơn và chụp thiếu sáng tốt hơn. Đặc biệt, tốc độ chụp ảnh và lấy nét trên iPhone 6 cũng cho cảm nhận nhanh hơn so với thế hệ cũ dù sự chênh lệch là không nhiều, bởi bản thân iPhone 5s đã có tốc độ chụp rất nhanh.