Nếu iPhone của bạn hiện thông báo “No SIM” có nghĩa là nó không thể nhận dạng được thẻ SIM mà bạn đã gắn vào trong khay kể cả đã đúng cách. Bạn có thể kiểm tra lỗi bằng nhiều cách, đơn giản nhất là xem lại phần cứng bởi nó khá dễ dàng để quan sát, và từ đó tìm ra vấn đề phát sinh ở đâu. Tuy nhiên, nếu bạn đã coi kĩ, nhưng không thấy gì bất thường, thì đã tới lúc phải chuyển hướng qua vấn đề về phần mềm của thiết bị.
Tháo SIM ra khỏi thiết bị
Tìm khay đựng SIM nằm dọc trên cạnh của thiết bị, sau đó dùng kẹp giấy đã được duỗi thẳng một đâu, hay tốt hơn là dùng bộ dụng cụ chuyên dụng để lấy khay đựng SIM ra. Nên nhớ là dùng lực vừa đủ để tác động, và làm một cách từ từ nếu bạn không muốn iPhone của bạn phải ra tiệm bảo hành vì việc này.
Kiểm tra thẻ SIM, khay đựng SIM và khe bên trong iPhone
Hãy kiểm tra kĩ thẻ SIM cũng như khay đựng SIM để xem nó có bị vỡ hay biến dạng không. Thông thường thì SIM là nguyên nhân gây ra tỉ lệ lỗi cao nhất, do nhiều nguyên nhân, có thể do SIM bị bẩn ở các đầu tiếp xúc do bụi cũng như bị oxy hóa, hay bị gãy do lực nào đó tác động. Nếu bị bẩn hoặc oxy hóa, hãy dùng một miếng vải mềm và chùi sạch chúng, hạn chế dùng vải cứng vì dễ gây trầy xước, làm mất khả năng kết nối. Trong trường hợp thẻ SIM bị gãy, hãy đem chúng đến chi nhánh nhà mạng của thẻ SIM gần nhất để được hỗ trợ làm cái mới.
Trong trường hợp thẻ SIM hoàn toàn bình thường, hãy kiểm tra tiếp đến khay đựng SIM. Nếu phát hiện bất kì điều gì bất thường, đừng cố gắng sửa nó, bạn chỉ làm tình hình tệ hơn thôi. Thay vào đó, hãy ra cửa hàng chuyên về thiết bị di động, và mua một chiếc khay đựng khác cùng loại và thay vào thiết bị của mình.
Bên cạnh đó, hãy nhớ kiểm tra khe SIM bên trong iPhone của mình, có thể do một thời gian sử dụng, bụi bám vào khiến cho các đầu tiếp xúc bị bẩn và cách thông thường nhất là dùng một bình hơi để thổi không khí vào đó nhằm đẩy bụi ra ngoài, tránh dùng miệng để thổi do có thể làm nước bay vào khiến cho iPhone bị ẩm, dễ gây ra hư hại.
Có một vấn đề nghiêm trọng hơn xảy ra, là việc có nước ngấm vào trong khe chứa SIM bên trong máy. Bạn có thể dễ dàng kiểm tra vấn đề này trên iPhone 5 trở về sau bằng cách coi kĩ bên trong, bạn sẽ thấy một thanh phát hiện chất lỏng ở trong đó có màu trắng. Nếu như thanh đó chuyển sang màu đỏ, cho dù là một chấm nhỏ, có nghĩa là đã có nước vào trong khe đựng SIM, và có thể đây là nguyên nhân gây lỗi “No SIM” trên thiết bị. Hãy lau khô lại chiếc thẻ SIM trước khi đưa vào máy.
Gắn thẻ SIM vào lại máy
Nếu như bạn đã kiểm tra theo các bước ở trên mà không có vấn đề gì bất thường, hãy gắn thẻ SIM vào máy. Nên nhớ đặt thẻ đúng chiều được quy định trên khay đựng, và đẩy từ từ một cách ngay ngắn khay đựng SIM vào máy, và mở lại thiết bị. Nếu dòng chữ “No SIM” biến mất, chúc mừng bạn, bạn đã thành công. Và ngược lại, bạn nên coi tiếp các bước phía dưới đây.
Dùng một chiếc thẻ SIM khác vào máy để kiểm tra
Bạn hãy thử liên lạc với một người bạn sử dụng iPhone của mình trên Facebook, Twitter, Skype để mượn thẻ SIM đang hoạt động bình thường, và gắn chúng vào trong thiết bị của mình. Tất nhiên là nếu máy không còn hiện “No SIM” mà thay vào đó là nhà mạng của chiếc SIM đang gắn đó hiện lên, thì đã tới lúc, bạn ra nhà mạng của mình để làm lại một chiếc SIM mới.
Nếu tình trạng lỗi vấn tiếp diễn, thì chắc hẳn nguyên nhân gây ra đến từ phần mềm trong máy.
Khởi động lại thiết bị
Thông thường, đây là cách hiệu quả nhất từng được thực hiện. Bạn giữ nút nguồn cho đến khi dòng chữ “Slide to Power Off” quen thuộc xuất hiện trên màn hình, và dùng tay vuốt dọc thanh trượt theo chiều mũi tên được hiển thị. Sau đó, bạn sẽ thấy thiết bị của mình tắt dần và màn hình chỉ còn một màu đen, điều cần làm bây giờ là ngồi đợi một chút để cho các tiến trình chạy nền trong máy dừng hẳn. Kế đến, bạn cũng giữ nút nguồn tương tự như ở trên đến khi chiếc máy được bật lại. Đừng nóng vội, hãy chờ một lúc để thiết bị nhận các kết nối trong máy.
Tuy nhiên thì sau khi khởi động lại, “No SIM” vẫn còn bám dai dẳng ở trên màn hình thì có lẽ bạn cần can thiệp sâu hơn vào trong hệ thống.