Cầm thực tế Lenovo K900 đẹp hơn nhiều so với những hình ảnh giới thiệu của hãng, vỏ kim loại với các chi tiết hoàn thiện sắc sảo. Cùng cấu hình khá mạnh thì K900 còn có kích thước rất to, màn hình tuy cùng là 5.5-inch như Galaxy Note II nhưng nó lại dài hơn do cách cạnh làm khá lớn. Ngoài chất liệu, kích thước thì K900 còn gây ấn tượng với độ mỏng đạt 6.9mm, một con số khá thấp so với các máy màn hình lớn khác. Hiện tại thì K900 cũng là chiếc máy duy nhất sử dụng BXL Intel Atom Z2580 hai nhân Clover Trail+, xung nhịp 2GHz cho các kết quả benchmark ấn tượng, có thể nói là cao nhất tại thời điểm này. Nhiều người đã cầm thử chiếc K900 của mình và đều phải công nhận là nó đẹp, điểm trừ duy nhất có lẽ là kích thước quá lớn khiên việc sử dụng gặp nhiều bất tiện, đặc biệt là bạn cần phải luôn dùng 2 tay để thao tác được tốt hơn.
Cảm giác cầm Lenovo K900 trên tay rất khác biệt, có lẽ do vỏ thép cao cấp và thiết kế mỏng của nó. Phía trước máy là màn hình lớn 5.5-inch độ phân giải FullHD, màn hình này sử dụng tấm nền IPS cho chất lượng hiển thị rất khá, màu sắc cân bằng và góc nhìn rộng. Điểm trừ của Lenovo đó là họ sử dụng giao diện trên K900 chưa thật sự hài hoà với máy và không làm nổi bật lên được chất kim loại của nó. Viền trái và phải của màn hình khá lớn, tuy nhiên vì màn hình cũng rất lớn nên hai cạnh viền này nhìn không thô. Chỉ có cạnh trên và dưới của máy là không cân đối lắm, K900 có chiều cao là 157mm, cao hơn so với Note II là 151mm, ngược lại máy mỏng 6.9mm so với 9.4mm của Note II. Việc sắp đặt 3 phím cảm ứng truyền thống của Android lệch về phía màn hình chứ không nằm chính giữa cạnh dưới làm cho máy bị mất cân đối.
Lật mặt sau ra thì bạn sẽ hiểu vì sao máy lại có 2 viền trên dưới lớn như vậy, nguyên nhân chính vì để đạt được độ mỏng ấn tượng thì Lenovo đã di chuyển các chi tiết ra cạnh trên và dưới, phần chính giữa nhường chỗ cho màn hình cũng như pin của máy. Camera được làm gọn trong phần trên của máy, bên cạnh đó còn có đèn flash kép, ở dưới thì có loa ngoài cũng như các chi tiết nhỏ như giắc cắm tai nghe 3.5 mm cùng với cổng kết nối microUSB. Phần chính giữa được che bằng nắp kim loại thép với 4 vít ở góc nhìn mạnh mẽ, thực tế thì dù bạn có tháo 4 vít này ra thì cũng không mở nắp ra được, có lẽ cần có thủ thuật nào đó, hoặc cần gỡ máy ra từ màn hình. Nắp kim loại bám vân tay, có vẻ như nó có thể chống trầy trong những va chạm nhẹ, đặc biệt là phần khung viền của máy.
Thiết kế sắc sảo, chất liệu kim loại mạnh mẽ nhưng các chi tiết nhỏ lại không được đẹp cho lắm. Lenovo khoét các khe trên nắp thép để đặt khe sim, phím tăng giảm âm lượng và phím power, các khe này chưa đạt đến độ chi tiết như những chỗ khác, phần nào làm giảm đi vẻ đẹp tổng thể. Tuy nhiên, chiếc máy mình đang cầm là máy mẫu, vì thế phải đợi đến khi có bản chính thức thì mới đánh giá lại được phần này. Ngay cả phần mềm của máy hiện vẫn đang lỗi với font tiếng Việt, một số menu hiển thị bị lỗi, cần được điều chỉnh khi bán ra chính thức.
Điểm mạnh nhất của K900 đó chính là bxl Intel Atom Z2580 hai nhân siêu phân luồng, trước đây mình rất ấn tượng với một chiếc máy khác cũng chạy bxl Intel là ASUS fonepad vì nó chạy khá mát. Trong bài đánh giá chi tiết K900 mình sẽ đánh giá về mặt này kĩ hơn, bài đánh giá sẽ được thực hiện khi K900 được bán chính thức.
Thông số kỹ thuật