Có nên mua điện thoại Motorola atrix 4G tại thời điểm này ?

thuy linh
thuy linh
Trả lời 13 năm trước

Cùng tìm hiểu Motorola Atrix 4G để biết được vì sao chiếc điện thoại này đang là niềm mơ ước của nhiều người.

Thiết kế

Với kiểu dáng khá “tầm thường” của mình, Atrix 4G khiến người ta quên mất đây thực sự là một trong những điện thoại thông minh “khủng” nhất của Motorola hiện tại. Vẫn phong cách “cũ rích” của thế hệ smartphone cảm ứng: màn hình rộng cùng những đường cong ở góc cạnh, Motorola không hề dành cho đứa “con cưng” ý tưởng độc đáo nào về thiết kế để sản phẩm có thể nổi bật trước đám đông. Thậm chí nếu so sánh với một số dòng tầm trung của các hãng khác, Atrix còn tỏ ra thua thiệt bởi lớp vỏ bên ngoài toàn bằng nhựa bóng trông khá rẻ tiền.

Motorola Atrix 4G (giữa) cùng so dáng với Samsung Galaxy S II (trái) và LG Optimus 2X (phải)

Sự điều chỉnh tinh giản chiều dài và tăng thêm một chút cho chiều ngang của Motorola giúp Atrix 4G khá gọn gàng trong tay. Tất nhiên với số đo 117.8 x 63.5 x 11 mm, Atrix không thể nào “sexy” như Sony Ericsson XPERIA Arc hay Samsung Galaxy S II, nhưng bù lại trọng lượng khá hợp lý và cầm rất đầm tay.

Atrix 4G (giữa) không siêu mỏng như Galaxy S II (trên), và dày ngang bằng với LG Optimus 2X

Nút nguồn có là điểm đặc biệt nhất có thể tìm thấy ở Motorola Atrix 4X. Không giống như nhiều điện thoại thông minh khác, diện tích nút nguồn của Atrix khá lớn. Nhưng đây hoàn toàn không phải kiểu chơi trội của Motorola mà chính nút nguồn sẽ hoạt động như một máy quét dấu vân tay, điều bất ngờ có lẽ nhiều người không hề nghĩ đến kể từ sản phẩm này được ra mắt. Vị trí của nút nguồn kiêm bàn quét dấu vân tay nằm ở giữa trên phía đỉnh và mặt phẳng hơi chếch về phía sau nên không khó để nhận ra ngón tay trỏ sẽ thích hợp nhất để là “chìa khóa” bảo mật của thiết bị.

Nút nguồn hay nút khóa máy của Motorola Atrix 4G cũng hoạt động như một máy quét dấu vân tay bảo mật hiện đại

Dù rằng, Atrix 4G không phải là điện thoại đi tiên phong trong công nghệ bảo mật vân tay trên di động, trước đó còn có Acer M900 hay Toshiba G900, nhưng nhờ đó Atrix 4G còn “an ủi” có đặc điểm bên ngoài ít bị “đụng hàng”.

Và tất nhiên ngoài điểm đặc biệt đó ra thì Motorola Atrix hoàn toàn rập khuôn với khuôn mẫu điện thoại màn hình cảm ứng hiện nay. Khác chăng chỉ là sự thay đổi vị trí của từng bộ phận

Trên màn hình là loa đàm thoại, kế đó là bộ cảm biến ánh sáng, cảm biến khoảng cách và đối diện là camera phụ dùng cho cuộc gọi thấy hình

Dưới màn hình là bốn nút cảm ứng mặc định của Android: Menu, Home, Back, Search

Motorola dành phần bên trái cho các khe kết nối: cổng sạc/USB chuẩn microUSB và cổng microHDMI.

Bên hông phải đơn giản với nút tăng giảm âm lượng. Atrix 4G không hề có nút chụp hình chuyên dụng.

Mặt sau là thiết kế của camera, đèn flash LED kép, logo nhà mạng, logo chứng nhận giao diện Motoblur và dưới cùng là loa ngoài của Atrix 4G

Tuy có chất liệu bằng nhựa, nhưng bù lại mặt sau của Atrix 4G có lớp vân carbon phần nào giúp sản phẩm trở nên tinh tế hơn.

Thao tác mở nắp lưng phía sau của Atrix 4G có vẻ hơi phức tạp khi không tìm thấy chốt mở khóa, nên cách hữu hiệu nhất là nạy từ từ khe hở bên hông.

Dưới nắp lưng là khe thể nhớ có thể tháo nhanh, khe SIM và khoang pin

Dung lượng pin của Atrix 4G thực sự rất ấn tượng. Với 1930 mAh, có lẽ Atrix 4G là chiếc điện thoại thông minh có dung pin “khủng” nhất hiện tại. Theo những gì Motorola quảng cáo, Atrix 4G có thể đàm thoại liên tục đến 9 giờ và thời gian chờ lên đến 400 giờ ở mạng 2G (350 giờ ở mạng 3G).

Thử nghiệm sử dụng với cường độ nhiều, Atrix 4G có thể đảm bảo hoạt động trong vòng hai ngày. Một con số không mấy ấn tượng với những hệ điều hành khác, nhưng với Android và nhất là sản phẩm có màn hình rộng, vi xử lý hai nhân như Atrix 4G thì được xem là lý tưởng.

Nhìn chung Atrix 4G dù không mấy nổi bật với lớp vỏ nhựa, nhưng thiết kế khá chắc chắn, gọn nhẹ và trông cũng rất thời trang.


Màn hình


Atrix 4G được trang bị màn hình cảm ứng điện dung kích thước 4 inch, sử dụng công nghệ LCD hoàn toàn không có gì đáng nói ngoại trừ độ phân giải qHD 560x940 pixel. Có thể nói Atrix 4G là một trong những chú dế đi tiên phong được tích hợp độ phân giải mới lạ này. Chuẩn qHD ra đời nhằm cải tiến độ phân giải truyền thống WVGA 480x800 pixel, nhưng vẫn thấp hơn độ phân giải ngất ngưỡng 960x640 pixel của iPhone 4. qHD hiện đang rất được ưa chuộng trên khá nhiều mẫu điện thoại Android hàng khủng xuất hiện gần đây.

Tuy nhiên điều khá khó hiểu là dù có độ phân giải cao, nhưng dường như màn hình Atrix 4G cũng không mịn hơn bao nhiêu so với những sản phẩm độ phân giải cũ như Desire S, Galaxy S.

Riêng về độ nhạy cảm ứng, màu sắc, thì Atrix 4G hoàn toàn không thua kém sản phẩm cảm ứng nào hiện tại, thực tế đã được chứng minh qua nhiều điện thoại Android cảm ứng nổi bật của Motorola trước đây như Milestone, Milestone 2…Sử dụng công nghệ LCD cũ, nhưng đó lại chính là lợi thế giúp Atrix hiển thị màu sắc trung thực.

Khi so sánh ảnh phóng lớn màn hình hiển thị của bốn sản phẩm iPhone 4, Atrix 4G, Desire S và Galaxy S có thể thấy màu sắc trên Atrix 4G có phần nhỉnh hơn cả. Màu trắng đúng với thực tế chứ không đổi sang màu khác như ba sản phẩm còn lại. Tuy nhiên lợi thế về độ phân giải cao vẫn không giúp Atrix 4G vượt trội so với Desire S hay Galaxy S, khi các điểm ảnh vẫn hiện ra khá thô, chứ ko mịn màng như iPhone 4.

Hình ảnh phóng to màn hình hiển thị của bốn chiếc điện thoại: từ trên xuống iPhone 4, Atrix 4G, Desire S, Galaxy S

Ngoài ra, một điểm mạnh khác của màn hình Atrix 4G là độ sáng rất tuyệt vời. Gần như Atrix 4G không có đối thủ khi thử nghiệm đo độ sáng với hàng loạt điện thoại thông minh khác. Song chính điều này lại khiến Atrix trả giá với độ tương phản khá thấp.

Bảng so sánh thử nghiệm đo độ sáng, độ tương phản của Atrix 4G so với nhiều điện thoại khác.



Android 2.2.1 và Giao diện Motoblur

Atrix 4G sử dụng hệ điều hành Android 2.2.1 khi xuất xưởng. Ngoài cải tiến quản lý tài nguyên tốt hơn, hỗ trợ flash khi duyệt web, Atrix 4G còn nổi bật với giao diện độc quyền Motoblur của Motorola vốn quen thuộc trên nhiều sản phẩm trước đó.

Thực ra giao diện Motoblur không có nhiều sự thay đổi khi so với giao diện gốc của Android như các giao diện Sense của HTC hay TouchWiz của Samsung. Màn hình khóa máy và màn hình chủ vẫn khá nhàm chán, không có nhiều hiệu ứng đẹp mắt. Điểm đáng chú nhất của Motoblur là quản lý tốt, dễ sử dụng và các widget khá linh hoạt.

Màn hình chính của giao diện Motoblur trên Atrix 4G

Kiểu hiện thị thu nhỏ bảy màn hình chính tương tự Leap View trên giao diện HTC Sense

Các widget có thể thay đổi kích thước tự do

Đặc biệt widget Calendar sẽ thay đổi chi tiết hiển thị cho phù hợp với kích thước của nó
Ngoài ra nếu bạn đam mê và là thành viên thường xuyên của những mạng xã hội tiêu biểu như Facebook, Twitter hẳn bạn sẽ thích giao diện Motoblur vì chúng có những mối liên hệ chặt chẽ với các ứng dụng trên máy như danh bạ, tin nhắn, email, giúp bạn luôn kết nối mọi lúc mọi nơi rất tiện lợi

Một phần trong giao diện tin nhắn của Atrix 4G

Cuối cùng không thể không nhắc đến khả năng quản lý cuộc gọi thông minh của các dòng điện thoại Android Motorola. Thêm vào đó là công nghệ Crystal Talk danh tiếng của hãng giúp âm thanh đàm thoại trong trẻo rõ ràng hơn. Có thể nói ngoài những tính năng hiện đại tiên tiến, Atrix 4G còn làm rất tốt vai trò nghe gọi căn bản của một chiếc điện thoại di động.

Tính năng quay số thông minh (Smart Dial) trên Atrix 4G

Chất lượng âm thanh cuộc gọi của Atrix 4G được đánh giá vào loại tốt
Sức mạnh vi xử lý hai nhân NVIDIA Tegra 2

Thiết kế bên ngoài kém hấp dẫn, nhưng không thể phủ nhận cấu hình của Atrix 4G thực sự khiến nhiều đối thủ phải ao ước. Atrix 4G được trang bị bộ vi xử lý NVIDIA Tegra 2 tốc độ 1 GHz. Đây cũng chính là bộ xử lý của LG Optimus 2X, chiếc điện thoại từng làm “khuynh đảo” thị trường di động ở thời điểm ra mắt. Tuy nhiên Atrix 4G thậm chí còn được đánh giá cao hơn Optimus 2X nhờ vào dung lượng RAM lên đến 1 GB của mình ( RAM Optimus 2X chỉ 512 MB).

Hiện tại, thế hệ điện thoại trang bị vi xử lý lõi kép ngày càng xuất hiện nhiều hơn, sự cạnh tranh diễn ra vô cùng khốc liệt. Song Atrix 4G luôn có một chỗ đứng khá vững chắc trong top hàng đầu hiện nay. Điều đó được chứng minh qua nhiều cuộc thử nghiệm thực tế cũng như dùng các chương trình benchmark.

Trong các thử nghiệm đo khả năng xử lý thì Atrix 4G nhỉnh hơn cả LG Optimus 2X thậm chí Samsung Galaxy S II dùng Android 2.3 (phiên bản tốc độ 1 GHz). Cụ thể Atrix 4G đạt được 2751 điểm Quadrant, cao hơn LG Optimus 2X (2471 điểm) và Galaxy S II tốc độ 1 GHz (2410 điểm). Tương tự là chương trình Linpack hay BenchmarkPi, Atrix 4G đều thể hiện thế mạnh của mình

Số điểm Quadrant của Atrix 4G

Kiểm tra số điểm Smartbench 2011 của Atrix 4G thì sản phẩm còn qua mặt luôn cả máy tính bảng Motorola Xoom

Riêng thử nghiệm đo khả năng xử lý đồ họa thì kết quả ngược lại, Optimus 2X thắng áp đảo với trung bình trên 80 khung hình/giây, tiếp theo là Galaxy S II với khoảng 60 khung hình/giây, còn Atrix 4G tụt lại phía sau với khoảng 55 khung hình/giây. Lý giải cho sự thua sút bất ngờ này cũng rất đơn giản, dù cùng trang bị bộ vi xử lý như LG Optimus 2X, nhưng số điểm ảnh cần xử lý trên màn hình Atrix 4G nhiều hơn (độ phân giải Atrix 4G cao hơn Optimus 2X) nên dĩ nhiên kết quả dựng khung hình sẽ kém hơn. Đây chính là yếu tố quan trọng quyết định nhiều đến các kết quả đo khả năng xử lý đồ họa mà nhiều người ít chú đến.

Kết quả thử nghiệm khả năng xử lý đồ họa Neocore, trái sang phải: Atrix 4G, LG Optimus 2X, Galaxy S II

Dù sao đi nữa lý thuyết chỉ là lý thuyết, thực tế là Atrix 4G không hề gặp phải bất cứ sự cố nào trong quá trình sử dụng, dù là những ứng dụng có đồ họa cao hay duyệt web với trang có nhiều flash. Có lẽ phải một thời gian nữa các nhà sản xuất phần mềm, game mới có thể “làm khó” được những điện thoại vi xử lý lõi kép hiện tại.

Các trang web có nhiều hình ảnh hay flash không còn là vấn đề với Atrix 4G


Giải trí

Nghe nhạc
Hơi tiếc khi giao diện Motoblur dường như không thể hiện nhiều trong trình nghe nhạc. Giống như Milestone hay gần đây nhất là Defy, trình nghe nhạc trên Atrix 4G trông khá nhàm chán, và không có thay đổi đáng chú ý nào so với trình nghe nhạc mặc định của Android

Giao diện trình nghe nhạc trên Motorola Atrix 4G

Thế nhưng điều trái ngược là Atrix 4G lại cho âm thanh ngõ ra đạt chất lượng tuyệt hảo, nhất là nghe qua tai nghe. Có thể âm lương của Atrix 4G không phải là cao nhất, nhưng về độ cân bằng các dãi âm thì khó có sản phẩm nào đánh bại được. Cùng với dung lượng pin “khủng” của mình, Atrix 4G hoàn toàn có thể trở thành chiếc máy nghe nhạc cầm tay lý tưởng.

Xem phim
Hơi khác với trình nghe nhạc, giao diện thư viện phim trên Atrix 4G khá bóng bẩy và được trang bị hiệu ứng 3D mượt mà

Giao diện thư viện phim hiển thị dạng 3D

Hơn thế nữa, ở tính năng xem phim, Atrix 4G có thể làm hài lòng bất cứ người dùng khó tính nào với sự hỗ trợ tuyệt vời từ kích thước màn hình 4 inch cho đến khả năng xử lý mượt mà của chip Tegra 2 hay khả năng xem các chuẩn định dạng DivX/XviD độ phân giải lên đến 1080p.


Camera
Atrix 4G được trang bị camera độ phân giải trung bình 5 MPx cùng hai đèn flash LED trợ sáng.
Giao diện trình chụp ảnh Atrix 4G khá đơn giản, với một số tùy chọn cơ bản bên phía trái, ở giữa là khung ngắm, và bên dưới là nơi hiển thị hình ảnh vừa chụp ở dạng thu nhỏ. Sự sơ xài của tính năng chụp ảnh còn thể hiện qua việc Atrix 4G được trang bị rất ít tùy chọn, đa số đều là những tính năng cơ bản như các chế độ Auto, Portrait, Landscape, Night, không hề có những tùy chọn cao cấp hơn như chỉnh ISO, cần bằng trắng, hay tiêu cự, ổn định hình ảnh…

Giao diện chụp ảnh trên Atrix 4G

Và không ngạc nhiên khi chất lượng hình ảnh chụp của Atrix 4G cũng chỉ ở mức chấp nhận được. Hình ảnh tương đối mịn khi xem trên màn hình điện thoại, nhưng khi rửa ra ảnh thì nhiễu khá nhiều. Điều gây khó chịu nhất là khả năng cân bằng trắng của camera Atrix 4G khá kém, màu xanh luôn luôn trội hơn trong các bức ảnh được chụp bởi Atrix 4G. May mắn là độ tương phản được camea thể hiện không đến nỗi nào.

Một số ảnh chụp từ camera của Atrix 4G:




Ngoài ra cần phải nhắc đến tính năng quay video của Atrix 4G. Mặc định ở phiên bản hệ điều hành Android 2.2 thì Atrix 4G chỉ hỗ trợ tối đa chuẩn HD 720p, trong khi đó một sản phẩm khác cùng dòng xử lý Tegra 2 là Optimus 2X lại được hỗ trợ quay video lên đến 1080p. Nhiều khả năng trong tương lai sẽ có một bản cập nhật để có thể mở rộng khả năng quay video FullHD cho Atrix 4G.

Dù vậy ở chuẩn HD 720p, video quay được từ Atrix 4G cũng rất ấn tượng, các chi tiết mịn màng, khung hình ổn định, màu sắc có phần đậm đà, nhưng có lẽ điều này lại hợp với sở thích của nhiều người hơn.

Cùng xem đoạn video quay thử nghiệm từ Atrix 4G



Kết luận

Không cầu kỳ về ngoại hình, nhưng những gì mà Motorola Atrix 4G mang lại quả thật đáng giá hơn rất nhiều: một chiếc điện thoại đúng nghĩa, một văn phòng di động, một cỗ máy giải trí tuyệt vời…Và bạn còn đòi hỏi gì hơn!

Ngoài ra, nhờ dung lượng pin rất tốt của mình, Motorola Atrix 4G luôn sẵn sàng đồng hành cùng bạn ở bất cứ nơi đâu.

“Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” có lẽ là câu nói ngắn gọn và phù hợp nhất với một sản phẩm như Motorola Atrix 4G.