3 công nghệ nổi bật nhất trên TV năm 2017

Thị trường TV trong năm vừa qua vô cùng sôi động và đa dạng với nhiều model mới được ra mắt, gây ấn tượng mạnh mẽ cho người tiêu dùng với những công nghệ hiện đại, tân tiến. Nổi bật nhất trong số đó là 3 công nghệ dưới đây.

OLED trở thành xu thế chung

Được khởi nguồn từ ông lớn LG, TV OLED đã nhanh chóng trở thành “đất dụng võ” của nhiều nhà sản xuất khác trong năm 2017. Phiên bản cao cấp nhất từ thương hiệu Hàn Quốc này là Signature W7 bản gắn tường với thiết kế xuất sắc, màn hình rộng 65 inch và siêu mỏng chỉ 2,57 mm.

Bravia A1 của Sony cũng được yêu thích bởi thiết kế độc đáo, màn hình bắt mắt như một khung tranh kính, màn hình đồng thời là loa, giá đỡ phía sau chứa các linh kiện và loa siêu trầm.

Hòa chung cuộc đua OLED, Panasonic cũng cho ra mắt EZ1000 series, mỏng và thời trang, chất lượng hiển thị tốt hơn rất nhiều so với Plasma một thời “làm mưa làm gió” thị trường thế giới.

Mặc dù giá thành còn khá cao, nhưng với ưu điểm về độ mỏng và khả năng hiển thị, OLED TV vẫn nhận được sự săn đón của người tiêu dùng, đồng thời trở thành xu thế chung của các nhà sản xuất. Chỉ còn Samsung là ông lớn duy nhất không tham gia vào cuộc đua này mà vẫn trung thành với công nghệ LCD.

Đưa thiết kế TV thành nghệ thuật

Thiết kế giới hạn của TV truyền thống đã được phá vỡ bởi thiết kế nghệ thuật tinh tế vượt bậc. Sản phẩm của LG, Samsung, Sony hay Panasonic đều vô cùng mảnh mai với khung viền gần như biến mất. Đại diện tiêu biểu là LG W7 với kiểu dáng siêu mỏng, siêu nhẹ, với giá đỡ từ tính hỗ trợ việc gắn lên tường.

Xu hướng phổ biến của năm nay là các linh kiện TV được tách riêng với màn hình hiển thị. Toàn bộ bo mạch điều khiển, cổng kết nối đều được khéo léo tách ra và “giấu” đi, tích hợp vào loa thanh (như LG W7) hoặc đưa vào chân đế phía sau (như sản phẩm của Sony).

Samsung là thương hiệu thành công bậc nhất năm qua về thiết kế cho TV. Các cổng kết nối của dòng QLED được tách khỏi TV và đưa vào một hộp riêng, nhận và gửi dữ liệu với TV thông qua sợi quang gần như vô hình. Cách làm này cũng được LG áp dụng với bộ điều khiển.

Dòng The Frame cũng được Samsung đẩy mạnh đầu tư, mang hơi thở của một tác phẩm nghệ thuật với thiết kế cách điệu khung viền, đẹp mắt đến mức người xem không thể nhận ra đó là màn hình TV, mà nhầm tưởng là một khung tranh treo tường đắt tiền.

HDR tiếp tục được đầu tư 

Công nghệ hình ảnh HDR nổi lên từ năm 2016 và tiếp tục được nhấn mạnh trên các dòng TV trong năm nay. Ấn tượng nhất là QLED TV với độ sáng tối đa lên tới 1,500 - 2,000 nit, gấp đôi các model 2016. Dòng OLED TV với đại diện là LG W7 được cải thiện độ sáng lên 1,000 nit.

Hình ảnh trên TV HDR mang đến cho người dùng trải nghiệm mới mẻ về chất lượng hình ảnh nhờ độ sáng được mở rộng mà không làm “cháy” chi tiết, khả năng hiển thị tương phản đầy đủ hơn; đồng thời màu sắc cũng sống động, chân thực hơn.

Các dòng TV tầm trung cũng được các nhà sản xuất trang bị công nghệ này, được bán với mức giá hợp lý, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của đại đa số khách hàng.

Trên đây là 3 công nghệ nổi bật trên các sản phẩm TV trong năm 2017. Dự đoán những công nghệ này sẽ còn được hoàn thiện và cải tiến hơn nữa trong năm tới, đáp ứng tốt hơn kỳ vọng của người tiêu dùng.

Chưa có câu trả lời nào