1. Hướng dẫn undervolting dành cho laptop (giảm điện thế sử dụng)
NỘI DUNG CHI TIẾT
Với một người biết ít nhiều về máy tính thì thường đã từng nghe nói đến Overclock (ép sung) nhưng có lẽ chưa có mấy ai nghe đến undervolting. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn mọi người về vấn đề undervolting, cách làm cực kỳ đơn giản không cần biết quá nhiều về máy tính, nhưng hiệu quả mang lại thì không tồi tí nào $-) . Thông tin bài viết được lấy từ bài viết của flipfire trên Notebookreview forum.
Undervolting là gì?
Undervolting là một cách thức làm giảm điện thế sử dụng của CPU bằng cách sử dụng software. Đây là một hình thức hiệu quả nhất để giảm nhiệt độ của laptop, so với các cách như dùng keo tỏa nhiệt, dùng quạt... và đặc biệt đây là một giải pháp hoàn toàn miễn phí. Hiệu quả đạt được trung bình sẽ vào khoảng tầm 10°C.
Undervolting sẽ không hề làm giảm đi tốc độ của máy tính. Chỉ có overclock hoặc underclock mới làm thay đổi tốc độ của máy tính. Hầu hết những người không hiểu về undervolting đều nghĩ rằng làm giảm điện thế để CPU mát hơn thì nó sẽ chạy yếu hơn, nhưng thực tế thì họ hoàn toàn nhầm.
Bạn tự hỏi tại sao nếu như vậy thì Intel/AMD không làm luôn với tất cả các máy tính mà giờ mình phải mất công để làm?
Điều đầu tiên chúng ta phải biết là: Không phải cái CPU nào cũng có chất lượng giống cái nào. Điều này cũng hoàn toàn dễ hiểu, cũng giống như 2 người mua cùng 1 món đồ nào đó nhưng có cái dùng rất tốt, còn có cái lại hỏng lên hỏng xuống. CPU cũng giống như vậy, mỗi một CPU sẽ có một mức điện thế nhỏ nhất để hoạt động khác nhau. Hiển nhiên Intel không thể ngồi test từng cái CPU một để thử xem với cái CPU nào thì chạy ở điện thế nào là thấp nhất. Vì vậy họ sẽ chọn một mức điện thế vừa đủ cao để tất cả các CPU đều hoạt động ổn định. Chính vì vậy mà mức điện thế chọn bởi Intel/AMD thường khá cao, bởi vậy chúng ta có thể giảm điện thế xuống một mức vừa phải.
Cũng chính vì lý do vừa giải thích ở trên nên có người có thể sẽ giảm điện thế được nhiều hơn người khác, cho dù họ có cùng một loại CPU giống hệt nhau. Vì vậy cũng giống như overclock, undervolting is not an exact science. Tuy nhiên không giống như overclock, undervolting không hề làm hỏng CPU, cũng như làm ảnh hưởng đến chế độ bảo hành của laptop.
Hiệu quả mang lại của undervolting
- CPU chạy mát hơn (từ 5-20°C khi CPU chạy hết công suất)
- Laptop dùng pin sẽ chạy được lâu hơn
- Quạt laptop sẽ hoạt động ít hơn và ít ồn hơn do CPU mát hơn
Nguy hiểm của undervolting
Cho đến hiện tại, chưa thấy có nguy hiểm nào được nói đến khi undervolting. Chỉ có 1 lỗi duy nhất chúng ta hay gặp là khi chúng ta để điện thế thấp quá, khi đó chúng ta sẽ hay gặp lỗi BSOD (Blue Screen Of Death hay còn gọi là màn hình xanh rất nổi tiếng của Windows )). Chính vì vậy mà chúng ta phải thực hiện các dưới này, để chắc chắn rằng chúng ta không để điện thế xuống thấp quá. Nếu ai đó đang làm việc dở thì nên save lại công việc, hoặc để lúc khác. Mình không trách nhiệm trong trường hợp bị mất dữ liệu ).
Sau khi bạn đã hiểu sơ qua được vấn đề của undervolting thì chúng ta có thể bắt tay vào công việc.
Công việc sẽ bao gồm các bước sau đây:
*
*
Đo nhiệt độ của CPU trước khi bắt dầu
Đầu tiên chúng ta sẽ đo nhiệt độ của CPU trước khi thực hiện việc undervolting, để sau này có thể dễ dàng so sánh với kết quả sau khi undervolting. Có rất nhiều chương trình dùng để đo nhiệt độ của CPU, nhưng mà nếu bạn không biết nhiều thì có thể dùng 1 chương trình miễn phí là HWMonitor: Download link
i)Nhớ chọn đúng loại 32 hoặc 64bit. Nếu bạn không rõ máy tính mình đang dùng hệ điều hành gì thì có thể chọn luôn loại 32bit. Bạn không cần phải cài chương trình vào máy, chỉ việc giải nén file zip download về ra 1 file .exe, rồi chạy.
ii) Download chương trình Orthos CPU Loader tại đây: Download link. Chương trình này dùng để cho CPU của bạn hoạt động hết công suất. Bạn chỉ việc giải nén ra và chạy.
iii) Bạn chọn loại test: Blend - stress CPU and RAM. Ấn start để bắt đầu, và để cho nó chạy khoảng tầm 10', trong lúc đó nhớ để ý màn hình của HWMonitor, sau 10' thì nhiệt độ Max của CPU của bạn sẽ phải vào trong khoảng từ 70-90°C.
iv) Sau khi chạy test được 10', bạn stop lại và nhớ ghi lại nhiệt độ cao nhất để sau này có thể so sánh.
Trong ví dụ trong hình vẽ là CPU Core 2 Duo T7500, với nhiệt độ cao nhất đo được là 79°C.
Resigzed Image Click this bar to view the full image.
*
Cài đặt RMClock và điều chỉnh
RMClock là một software dùng để undervolting. Bạn có thể download tại đây: Download link
i) Bạn download chương trình RMClock và install vào máy tính.
ii) Nếu bạn dùng XP hoặc Vista 32bit thì bạn bỏ qua bước này. Với những người dùng Vista x64 thì bạn phải download thêm 1 cái driver này về: Download link. Sau đó giải nén ra file RTCore64.sys và copy vào thư mục cài RMClock (C:Program Files (x86)RMClock), đè lên file có sẵn.
iii) Chạy RMClock
iv) Bạn chọn mục "Advanced CPU Settings". Bạn chọn phần Mobile và đánh dấu vào phần "Apply these settings at startup". Sau đó ấn vào Apply. Nếu chương trình yêu cầu bạn khởi động lại chương trình thì hãy làm theo. Sau khi chương trình khởi động lại, hãy vào mục "CPU info" để xem nó có xác định đúng loại CPU của bạn không? Nếu bạn còn không biết máy mình dùng CPU gì thì cũng chẳng quan trọng ).
*
Chỉnh các thông số undervolting
i) Bạn vào mục "Profiles", sau đó chọn cái "Performance on Demand":
- Đánh dấu vào "Use P-State Transitions" trong cả 2 phần AC Power và Battery.
- Đánh dấu vào tất cả các ô 0, 1, 2, 3... nằm ở dưới (nhớ kéo thanh trượt xuống dưới để đánh dấu hết).
- Ấn vào nút Apply sau khi làm xong.
Resigzed Image Click this bar to view the full image.
Bây giờ chúng ta lại quay lại phần "Profiles"
ii) Trong phần Current, chọn "Performance on Demand" cho cả AC Power và Battery.
Hãy để ý chắc chắn các tất cả các ô Normal đều được đánh dấu (trong hình vẽ có 6 ô normal, nhưng mà trong trường hợp của bạn có thể có nhiều hoặc ít hơn, vì vậy đừng lo gì cả, cứ đánh dấu hết). Nêu có ô SuperLFM hay IDA thì không đánh dấu vào 2 cái đó.
iii) Bỏ đánh dấu phần "Auto Adjust intermediate-states VID". Sau đó ấn vào nút Defaults, giờ các thông số đã được thay đổi theo thông số sản xuất của CPU. Bạn hãy ấn vào nút Apply.
Resigzed Image Click this bar to view the full image.
*
Bắt đầu undervolting
Trong hình vẽ phía trên bạn thấy có 2 phần FID và VID. FID là Multipliers. Hơi khó để giải thích Multipliers là gì, nhưng nó được dùng với công nghệ Intel SpeedStep Technology, dùng để tránh cho CPU luôn chạy ở mức tối đa tại mọi thời điểm, thay vào đó tốc độ của CPU có thể thay đổi tùy từng lúc.
Vì vậy khi Multipliers càng cao thì tốc độ của CPU càng nhanh (những ai biết về overclock thì dễ hiểu cái này hơn, bạn không hiểu cũng không quan trọng lắm. Có thể hiểu nôm na Multipliers là yếu tố quyết định tốc độ CPU tại 1 thời điểm bất kỳ. Trong ví dụ trong hình vẽ là CPU Core 2 Duo T7500 2,2Ghz, tức bằng 200Mhz x 11 (Max multipliers). Nhưng trong trường hợp bạn không dùng gì đến máy tính, thì multiplier sẽ ở mức thấp nhất là 6, tức CPU chỉ chạy ở 200Mhz x 6 = 1,2Ghz.
Multiplier càng cao, CPU chạy càng nhanh, nên sẽ càng cần nhiều điện hơn. VID chính là điện thế tương ứng với từng mức multipliers. Như ta có thể thấy, VID tăng dần theo Multipliers. Trong ví dụ chúng ta thấy là khi CPU của T7500 chạy hết công suất, nó sẽ dùng điện thế tương ứng là 1,275V.
i) Để bắt đầu, chúng ta tìm cách giảm điện thế của mức multipliers cao nhất, tức là trường hợp 11 như trong hình vẽ. Hầu hết mọi người đều có thể bắt đầu bằng việc giảm xuống 0,100V để bắt đầu test (Trong trường hợp của ví dụ sẽ giảm xuống còn 1,175V), sau đó chúng ta sẽ giảm dần sau. Nếu mà mức điện thế ban đầu đã khá thấp (<1,1V), thì có lẽ chỉ nên giảm đi 0,075V.
ii) Ấn vào nút Apply sau khi đã chọn xong điện thế thấp hơn tương ứng, rồi chúng ta sẽ dùng cái test dưới đây để thử xem với mức điện thế này máy có hoạt động ổn định không. Nếu vẫn ổn định thì chúng ta có thể giảm xuống thấp hơn tí nữa, rồi lại test, cho đến khi nào tìm thấy mức nhỏ nhất mà vẫn ổn định là OK.
*
Testing độ ổn định (Hãy đảm bảo rằng bạn không làm gì quan trọng trong lúc test)
i) Bật lại chương trình Orthos và HWMoniter lên.
ii) Trong RMClock, vào phần CPU Info để quan sát. Chúng ta có thể quan sát được Multipliers tại thời điểm test và điện thế tương ứng.
iii) Trong Orthos, chọn loại test là "Small FFTs - stress cpu"
iv) Ấn Start để bắt đầu Test, hãy để cho máy chạy khoảng 45mins hoặc nhiều hơn nữa:
- Nếu máy tính không bị xảy ra vấn đề gì cho đến khi test kết thúc thì có nghĩa là CPU ổn định ở mức điện thế này, bạn có thể tiếp tục giảm đi nữa. Bạn có thể giảm khoảng 0.025V mỗi lần cho đến khi nào bạn gặp lỗi BSOD hoặc chương trình hiện thông báo lỗi.
- Nếu bạn bị BSOD thì có nghĩa điện thế của bạn quá thấp, thì sau khi khởi động lại bạn hãy chọn lại mức điện thế thấp nhất mà ổn định.
Sau khi bạn tìm được mức thấp nhất, nếu bạn muốn thì có thể chạy test khoảng 3 tiếng, để chắc chắn là không có vấn đề gì xảy ra. Hầu hết mọi người đều giảm được ít nhất 0.150V, nhưng điều này cũng rất hên xui.
Resigzed Image Click this bar to view the full image.
*
Kết quả
Tác giả của bài viết giảm được từ 1,275V xuống còn 1,100V, vì vậy nhiệt độ max cũng giảm được từ 79°C xuống còn 67°C, nghĩa là giảm được 12°C, mà hoàn toàn không mất tí tiền nào cả, chỉ một ít công sức và thời gian.
Sau khi bạn chắc chắn đã chọn được mức điện thế thích hợp, vào lại mục Profiles trong RMClock, chọn cho phần Startup là "Performance on Demand" rồi ấn Apply.
Rồi sau đó vào phần Settings rồi đánh dấu "Start Minimized in Windows Tray" và "Run at windows startup", sau đó chọn Apply.
Vậy là bạn đã hoàn thành phần Undervolting dành cho mức Multipliers cao nhất. Nếu bạn để ý thì có khi điện thế của mức cao nhất có khi còn thấp hơn các loại multipliers nhỏ hơn, tức là bạn hiển nhiên có thể giảm điện thế cho các mức đó xuống. Chúng ta có thể làm lại những cái test như đã làm, nhưng như vậy khá tốn thời gian, nên bạn có thể chọn phần "Auto-adjust Intermediate States" trước khi chỉnh lại mức điện thế cho cái Multipliers cao nhất, khi đó nó sẽ tự động chọn điện thế cho các mức thấp hơn, và trong 99% trường hợp thì máy chạy vẫn ổn định.
PS: Một số máy có Multiplier cao nhất không tròn (ví dụ T9300 với Multipliers = 12,5) thì do RMClock không nhận biết được, nó sẽ cho mức multipliers cao nhất là 12, tức CPU sẽ bị downclocking từ 2,5Ghz xuống còn 2,4Ghz.
Bản thân mình đã thử cái này với máy Sony Z31WN/B với CPU Core 2 Duo P9600 thì cũng giảm được khoảng tầm 10°C.