Đánh giá chi tiết laptop Lenovo ThinkPad W510?

tun cua di
tun cua di
Trả lời 14 năm trước

Tìm kiếm một chiếc laptop hiệu quả và phù hợp với nhu cầu công việc, sớm hay muộn bạn cũng sẽ phải ngó qua các sản phẩm laptop mang thương hiệu ThinkPad của Lenovo. Là một trong những tên tuổi lớn trong thế giới laptop PC, ThinkPad luôn là tên tuổi mà bất cứ ai sành sỏi laptop cũng phải ngước nhìn. Một phần là nhờ vào sự lâu đời của thương hiệu thành lập năm 1992 này, phần khác là nhờ vào chất lượng thiết kế và độ bền tuyệt vời của nó. Dù nay ThinkPad đã không còn thuộc về huyền thoại IBM ngày xưa, nhưng Lenovo cũng đã làm rất tốt để tiếp tục duy trì danh tiếng thương hiệu này.

Được biết đến từ lâu như là một tượng đài của sự hoàn hảo và xuất sắc, ThinkPad đã được khách hàng chuyên nghiệp, các doanh nhân và người dùng cao cấp đặt niềm tin trọn vẹn trong gần 2 thập kỉ. Trong suốt 18 năm phát triển của mình, ThinkPad đã lập nhiều kỉ lục với các phát kiến vĩ đại trong thế giới laptop – bàn phím chống nước đầu tiên hay thiết kế khung trợ lực mang lại sự bền bỉ kinh ngạc.

Dòng sản phẩm W của ThinkPad là dòng có cấu hình cao nhất, đáp ứng tốt nhất cho những nhu cầu ứng dụng của bạn. ThinkPad W mới đây đã được cập nhật mới với các model W510, W701 và W701ds, thay thế cho W500 và W700 cũ. Do nhiều yêu cầu về cấu hình, độ phân giải màn hình cũng như khả năng tản nhiệt, dòng W có kích thước nhỏ nhất cũng là 15.6-inch. Sản phẩm nhắm đến chủ yếu các đối tượng người dùng cao cấp, với công việc chủ yếu liên quan đến thiết kế, dựng hình hay sáng tạo nội dung trên máy tính. Được trang bị vi xử lý Core i7 mới nhất từ Intel, card đồ họa chuyên nghiệp NVIDIA Quadro FX 880M, màn hình 15.6-inch với độ phân giải full-HD và khả năng tái tạo màu tuyệt vời, W510 là trợ thủ đắc lực cho bất kì ai cần đến một hệ thống workstation di động.

Cấu hình & phụ kiện

  • Vi xử lý: Intel Core i7 720QM 1.60GHz.
  • Bộ nhớ: 2x2GB PC3-8500 DDR3 bus 1066MHz, có thể mở rộng tối đa 16GB.
  • Ổ đĩa quang: Super Multi DVD-RW HL-DT-ST DVDRAM GT30N, sử dụng khoang Ultrabay (có thể thay thế bằng pin để tăng thời lượng sử dụng).
  • Ổ cứng: 500GB SATA-II Hitachi Travelstar 7K500, 7200RPM.
  • Card đồ họa: NVIDIA Quadro FX 880M 1024 MB VRAM, Core: 550 MHz, Memory: 790 MHz.
  • Màn hình: 15.6-inch 16:9 matte screen (không gương), 1920×1080 pixel (full-HD), LED backit.
  • Kết nối: WiFi Centrino(R) Ultimate-N 6300 AGN, Intel 82577LM Gigabit Ethernet.
  • Webcam: 2Megapixel.
  • Pin: Li-ion 9 cell 94Wh.
  • Adapter sạc: 135W.
  • Hệ điều hành: Windows 7 Professional 64-bit (kèm Lenovo Enhanced Experience).
  • Giá bán: 33.700.000 đồng (đã bao gồm VAT).

Phụ kiện đi kèm máy khá đơn giản: một pin 9 cell, adapter sạc điện, cáp nguồn và túi tài liệu hướng dẫn. Máy có kích thước (dài x rộng x cao) 373 x 245 x 40mm, trọng lượng thân máy là 2.41kg, khi đã lắp pin là 2.91kg và bao gồm cả bộ adapter sạc là 3.53kg – khá nặng nhưng hoàn toàn phù hợp và chấp nhận được với một chiếc workstation như thế này.

Kiểu dáng bên ngoài – chất lượng thiết kế

Là sản phẩm nâng cấp trong dòng Workstation, Lenovo đã khắc phục được đa số lỗi thiết kế của mình trong phiên bản W500 trước đó. Viền màn hình phân đều 2 bên, khớp nối màn hình tốt hơn và một số thay đổi trong layout bàn phím, touchpad là dễ dàng nhận thấy được. Thân máy được làm hoàn toàn từ hợp kim magiê, có độ bền và dẻo cực cao, khó nứt vỡ. Lớp phủ phía trên màn hình màu đen nhám không bám vân tay, cho cảm giác đồng nhất và chuyên nghiệp. Phía gần cạnh máy ngoài vỏ là 2 đèn báo sạc và đèn báo sleep (trạng thái “ngủ” của máy), logo ThinkPad quen thuộc bằng kim loại được dán chìm vào góc chéo máy, mang nét riêng khác hẳn với các sản phẩm khác, vốn mang logo của hãng sản xuất. Có lẽ, danh tiếng ThinkPad còn vượt trên cả Lenovo và là cách nhận diện sản phẩm hữu hiệu nhất.

Dù nặng đến 2.91kg nhưng cảm giác cầm ThinkPad W510 trên tay rất thích, rất chắc chắn và hoàn toàn phù hợp với kích thước của chiếc máy. Khi cầm máy bằng một tay cũng không có chút dấu hiệu nào của việc thân máy bị lún, màn hình cũng rất cứng cáp, chất lượng thiết kế phần khung của W510 quả là rất tuyệt.

Pin 9 cell khá lớn khiến phần sau của máy nhô ra một ít, bạn có thể sử dụng pin 6 cell để tránh tình trạng này, tuy nhiên thời lượng pin sẽ giảm đáng kể. Mặt dưới máy được chia ra 2 khu vực chính: khu vực ổ cứng và khu vực nâng cấp RAM. Kế bên là đầu kết nối với docking station (không bán kèm), và phía xa là chốt mở khoang Ultrabay, cho phép bạn tháo rời ổ DVD-RW và thay thế bằng một pin rời, nâng cao thời lượng sử dụng. Mặt dưới máy cũng có nhiều lỗ thoát nước, đây là phương pháp chống tràn khi có chất lỏng đổ lên trên bề mặt bàn phím, được ứng dụng từ lâu vào nhiều dòng ThinkPad khác nhau.

Các cổng kết nối tập trung hầu hết ở 2 bên thân máy, tuy nhiên vẫn còn 1 cổng USB nằm lọt phía sau bên cạnh pin. ThinkPad W510 cũng được đánh giá cao nhờ vào việc được trang bị khá nhiều kết nối thời thượng, chẳng hạn như DisplayPort và USB 3.0.

  • Cạnh trái: 1 DisplayPort, 1 VGA, 2 USB 3.0 SuperSpeed, 2 eSATA kết hợp USB 2.0, 1 Firewire IEEE 1394 400Mbps, công tắc bật tắt kết nối không dây.
  • Cạnh phải: Khe khóa Kengsinton, cổng Gigabit Ethernet, đầu DVD-RW nằm trong khoang Ultrabay, jack cắm headset kết hợp (cả micro và tai nghe), đầu đọc thẻ nhớ SD và khe ExpressCard.
  • Phía sau: cổng sạc nguồn, 1 USB 2.0.

Màn hình được giữ chặt khi đóng bởi 2 ngàm giữ, tuy nhiên chỉ có 1 chốt mở duy nhất, được thiết kế khá thông minh. Bạn chỉ cần kéo nhẹ chốt mở 1 lần duy nhất chứ không cần dùng tay giữ lại, sau đó đẩy nhẹ màn hình lên. Tóm lại là với kiểu thiết kế này, màn hình W510 hoàn toàn có thể mở được bằng một tay.

Màn hình – Loa

ThinkPad W510 sử dụng màn hình 15.6-inch đèn nền LED, độ phân giải đạt mức full-HD 1920×1080. Chất lượng hình ảnh trên W510 phải nói là rất tốt, màn hình được tích hợp sẵn nhiều profile màu khác nhau, thay đổi theo độ sáng màn hình để luôn đạt được màu sắc trung thực nhất.

Độ sáng màn hình đạt khá cao, ít nhất cao hơn 25% so với các màn hình thông thường (khoảng 250-270 cd/m2). Cộng với lớp phủ chống chói, bạn có thể làm việc ngoài trời với W510 một cách hoàn toàn thoải mái. Theo công bố của Lenovo, màu sắc tái tạo trên màn hình W510 đạt tới 95% khung màu chuẩn, và qua kiểm tra với thiết bị Spider3Pro, màu sắc và nhiệt độ màu của màn hình này sai biệt cực ít so với gam màu chuẩn.

Ảnh chụp thực tế thể hiện độ sáng và màu sắc rực rỡ của màn hình W510

Độ phân giải màn hình 1920×1080 giúp bạn có thêm rất nhiều không gian để làm việc với những bản vẽ lớn, hay cần không gian rộng trong các thiết kế 3 chiều. Điểm đáng tiếc duy nhất là font chữ trên màn hình 15.6-inch trở nên khá nhỏ, tuy nhiên rất mịn và sắc nét. Với một người không bị cận như tôi thì không có vấn đề gì, tuy nhiên việc lướt web mà phải phóng lớn font chữ liên tục sẽ gây chút ít khó chịu cho những ai bị cận.

Màu sắc trên W510 rất đẹp và rực rỡ, tuy nhiên góc nhìn của máy không thật sự lớn, ở các góc nhìn lớn xảy ra hiện tượng ngả màu, rõ nét nhất là màu trắng chuyển sang tím.

Phía trên màn hình là webcam 2MP, bên cạnh còn có “ThinkLight” – chiếc đèn LED nhỏ giúp bạn chiếu sáng bàn phím trong bóng tối.

Phía dưới màn hình là 2 khớp nối bằng kim loại, cảm giác mở rất nhẹ nhàng và trơn tru, góc mở màn hình thậm chí còn lớn hơn 180 độ một chút.. Bên cạnh logo Lenovo là 3 đèn tín hiệu: WiFi, Bluetooth và đèn báo ổ cứng.

Loa của ThinkPad W510 được bố trí dọc 2 bên bàn phím, âm lượng khá lớn và chất âm tương đối tốt, phá vỡ được truyền thống “tệ hại” về âm thanh trong các dòng ThinkPad trước nay. Dù sao, với một chiếc laptop workstation thì loa cũng không phải bộ phận quá quan trọng.

Bàn phím – Touchpad – Trackpoint

Bàn phím ThinkPad W510 vẫn tốt như trước nay, với chất lượng và trải nghiệm gõ phím tuyệt vời. Tuy vẫn thiết kế theo phong cách cũ, nhưng khoảng cách phím, độ nảy, hành trình phím, độ ồn khi gõ… trên bàn phím ThinkPad đều tỏ ra hoàn hảo. Layout bàn phím được Lenovo thay đổi một chút với nhiều chi tiết khá hợp lý: Phím Esc và Delete được tăng kích cỡ lên gấp đôi do sử dụng nhiều, hỗ trợ hoán đổi Ctrl và Fn đối với những ai không quen, cụm các phím PrtSc, ScrLk, Pause, Insert được tách riêng nằm bên trên dãy phím Function. Trong các bàn phím laptop PC, tôi đánh giá bàn phím ThinkPad ở thang điểm 9.5/10 – gần như không có đối thủ.

Lenovo cũng trang bị cụm phím điểu chỉnh âm lượng nằm cạnh phím ThinkVantage, và bổ sung thêm một phím cho phép tắt micro – rất hữu ích khi cần đến trong các buổi hội thảo video.

Bộ đôi Touchpad – Trackpoint (hay còn gọi là UltraNav) của W510 cũng không có nhiều thay đổi so với các thế hệ ThinkPad trước. Bề mặt touchpad có những chấm lồi, cảm giác rê tay khá tốt và không ngại mồ hôi tay khi thời tiết nóng, tuy nhiên một điểm dở là driver touchpad do Lenovo cung cấp lại không được nhạy cho lắm, tuy hỗ trợ multi-touch nhưng cảm giác khá đơ gây ức chế khi cuộn trang. Các phím bấm của trackpoint được thiết kế hợp lý hơn – 2 phím chuột trái phải to ra khá nhiều, trong khi phím scroll ở giữa thu nhỏ lại. Các phím bấm đều rất êm và nhẹ nhàng. Nói chung, nếu bạn dùng ThinkPad thì nên định hướng sử dụng TrackPoint thay cho Touchpad là vừa, hoặc có thể cài đặt driver chuẩn từ Synaptics để sử dụng touchpad thoải mái hơn.

Nhiệt độ – Thời lượng pin

Với CPU Core i7 720QM 1.60GHz (4 nhân 8 luồng xử lý) TDP 45W và card đồ họa chuyên dùng NVIDIA Quadro FX 880M, nhiệt lượng tỏa ra từ máy lúc hoạt động là khá lớn. Chúng tôi đã thực hiện đo nhiệt độ bề mặt máy trong cả 2 trường hợp máy hoàn toàn nghỉ (không thực hiên tác vụ nào), và trong trường hợp hoạt động với cường độ cao, nhiệt độ phòng lúc đo là 27°C.

Nhiệt độ idle

Nhiệt độ full load

Như các bạn thấy ở trên, nhiệt lượng tỏa ra tuy nhiều nhưng hệ thống quạt làm mát hoạt động khá hiệu quả. Các vị trí tiếp xúc với tay người dùng đều rất mát, khó có thể cảm nhận được mức nóng “kinh hoàng” bên cạnh khe thoát nhiệt. Khi máy hoạt động ở mức nhiệt độ cao nhất, tiếng quạt làm mát có thể nghe được khá rõ trong môi trường yên tĩnh, tuy nhiên sẽ không ảnh hưởng nhiều đến sự tập trung của bạn.

Thời lượng pin của W510 tỏ ra khá hợp lý với một cấu hình ngốn nhiều điện đến vậy. Công lớn thuộc về bộ pin 9 cell với dung lượng pin lên đến 94Wh, cung cấp khoảng gần 2.5 tiếng lướt web, nghe nhạc với độ sáng màn hình 75%. Bạn cũng sẽ đủ thời gian xem hết một bộ phim HD thời lượng trung bình, trong khi đó thời gian sạc pin còn lâu hơn cả thời gian xem, dù rằng adapter đi kèm W510 có công suất tới 135W.

Thử nghiệm hiệu năng

Một số thử nghiệm hiệu năng của ThinkPad W510, bao gồm điểm số tổng thể Windows Experience Index (WEI), thử nghiệm tốc độ CPU bằng Cinebench, tốc độ tính toán tổng quát Geekbench, điểm số 3DMark 06 và PCMark Vantage:

Tốc độ ổ cứng 7200RPM với HD Tune tỏ ra khá nhanh, tuy nhiên thời gian truy xuất (access time) khá cao, lên đến 18ms.

Tiếp tục thử nghiệm tốc độ đọc ghi ngẫu nhiên với mẫu dữ liệu 4K bằng CrystalDiskMark 2.2:

Thời gian hoàn thành một số tác vụ thực tế: Các ứng dụng thực tế là phép thử tiếp theo chúng tôi thực hiện. Với Excel 2007, chúng tôi cho chạy file Monter Carlo, là một bảng số liệu kế toán trong một năm của một công ty. WinRAR 3.9 có nhiệm vụ nén một file tạp chí định dạng PDF thành RAR, thời gian được tính bằng đồng hồ bấm giờ. QuickTime 7.6 chuyển file video trailer 720p Madagascar dung lượng 76MB thành file dùng cho iPhone, tương tự như WinRAR, chúng tôi dùng đồng hồ bấm giờ để đo thời gian hoàn thành.

Tuy là một chiếc workstation nhưng chúng tôi vẫn tiến hành thử nghiệm hiệu năng đồ họa bằng việc benchmark một số tựa game phổ biến. Dù sao, game vẫn là nơi thể hiện năng lực đồ họa phổ biến nhất, dù rằng có thể Quadro FX không được tối ưu cho môi trường này.

Để đánh giá hiệu năng một cách toàn diện đối với một chiếc workstation, chúng tôi đưa thêm vào một số nội dung test riêng biệt cho dòng máy này. NVIDIA Quadro FX 880M là phần đảm nhiệm đồ họa trên W510, đây là chiếc card đồ họa chuyên dụng tầm trung dành cho workstation di động. Sử dụng GPU dựa trên Geforce GT 330M, Quadro FX 880M hỗ trợ DirectX 10.2, driver và VGA BIOS được tối ưu cho các chương trình dựng hình và đồ họa chuyên nghiệp (các ứng dụng mô phỏng 3 chiều, ứng dụng CAD, modeling…) Chúng tôi sử dụng bộ test SPECviewperf ở cả 2 phiên bản 10 & 11 nhằm đánh giá hiệu năng modeling của chiếc card đồ họa này trong các phần mềm dựng hình chuyên nghiệp (3ds MAX, Maya, Lightwave, Ensight, Catia…). Tuy phiên bản các phần mềm trong gói khá cũ, nhưng với một chiếc card tầm trung như Quadro FX 880M thì kết quả thu được vẫn có khả năng làm mẫu so sánh.

Lưu ý là card đồ họa chỉ đóng góp sức lực trong công đoạn modeling (dựng hình), ngược lại, giai đoạn rendering (kết xuất) hình ảnh lại hoàn toàn do CPU đảm nhiệm. Core i7 720QM sẽ đóng vai trò lớn với phép thử render trên 3ds MAX: đo thời gian kết xuất 1 frame 1920×1080 và 60 frame 480×270.

Render 1 frame 1920x1080 với thời gian là 53 giây

Render 60 frame 480x270 với thời gian là 4 phút (240 giây)

Kết luận

Bạn sẽ thích ThinkPad W510 ngay từ cái nhìn đầu tiên, không chỉ vì phong cách thiết kế đậm chất cổ điển và chuyên nghiệp của dòng máy này, mà còn bởi các tính năng và thiết kế hết sức hợp lý và khoa học bên trong. Ở mức giá khởi điểm, W510 mang đến cho bạn một cấu hình không tệ chút nào: Core i7 720QM 1.60GHz, đồ họa NVIDIA Quadro FX 880M, 4GB RAM và ổ cứng 7200RPM đáp ứng nhu cầu truy xuất tốc độ cao.

Màn hình với bề mặt chống chói, độ phân giải cao, độ sáng tốt và khả năng hiển thị màu sắc tuyệt vời cũng là một điểm nhấn quan trọng trên ThinkPad W510 – chiếc workstation cần phải đáp ứng những yêu cầu khắt khe nhất từ người dùng chuyên nghiệp. Cổng kết nối docking station cho W510 cũng là tính năng đáng giá, giúp chiếc workstation di động này hoạt động hết công suất với đầy đủ các thiết bị và phụ kiện cần thiết khi làm việc, đồng thời người dùng cũng sẽ tiết kiệm được thời gian tháo lắp, nâng cao năng suất.

Nhìn chung, với mức giá 33.700.000 đồng, Lenovo đã tạo ra một lựa chọn khá tốt dành cho người dùng chuyên nghiệp, cần một hệ thống làm việc hiệu suất cao với mục đích chuyên biệt, đòi hỏi khắt khe và không quên yếu tố bền bỉ trong môi trường hoạt động cường độ cao. Có thể với nhiều người mức giá này khá cao, nhưng không thể gọi là đắt – mọi ưu điểm của W510 đều có giá của nó.

Ưu điểm:

  • Cấu hình mạnh, nhiều ưu điểm về thiết kế đáp ứng yêu cầu của những người dùng chuyên nghiệp.
  • Bàn phím và Trackpoint mang lại cảm giác thoải mái khi làm việc.
  • Màn hình sáng, đẹp, không chói và hiển thị màu rất tốt.
  • Chăm chút kĩ càng các chi tiết, trải nghiệm sử dụng hoàn hảo và có thiết kế hợp lý, khoa học.

Nhược điểm

  • Driver touchpad chưa tốt.
  • Trọng lượng máy khá nặng, điểm bù trừ cho sự bền bỉ và cứng cáp của thương hiệu ThinkPad W.
HUỲNH THÀNH NHỰT
HUỲNH THÀNH NHỰT
Trả lời 7 năm trước
Gamming Y410p i7-4700Q 8G 1T GT755 14" HD+ 9Tr9

W540 i7-4800Q 8G 256 K1100 15" FullHD Gia 22Tr999
W530 i7-3760QM 4G 500 Quadpro K1000 FullHD 13Tr
W520 i7-2760QM 4G 500 Quadpro 2000M FullHD 9Tr
W510 i7-740QM 4G 500 QuadproFX880 FullHD 7Tr

L540 i5-4300 4G 500G 15" gia 7Tr
L530 i5-3340 4G 250 15'' Giá 5Tr5
L420 i5-2540 4G 250 14" Giá 4Tr5

T530 i5-3340 4G 320 15" gia 5tr7
T520 i5-2540 4G 320 15" gia 5tr
T510 i5-560 4G 250 15" 4T5

T430 i5-3340 4G 320 14"webcam gia 5Tr5
T420 i5-2540 4G 250 14"webcam gia 4tr5
T420 i7-2620 4G 250 14"webcam gia 6tr

alo 0933448955 phattrienphatdat.vn