Sóng điện thoại có thực sự hại hay không ?

thuy linh
thuy linh
Trả lời 13 năm trước

Dĩ nhiên, việc sử dụng điện thoại di động là khó tránh được trong thời đại hiện nay. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là đang có những mối nguy hại tiềm ẩn nào của sóng di động?

Về mặt khoa học

Vào năm 2000, nhà thần kinh học Christopher Newman đã khởi kiện Motorola và Verizon với mức phạt lên tới 800 triệu USD. Lý do mà ông này đưa ra là việc sử dụng điện thoại di động đã gây ra chứng ung thư não cho mình.

Căn bệnh này đã được các bác sĩ khám và phát hiện trên cơ thể Newman từ 1998. Những thông tin mà Newman đưa ra cho thấy ông này đã sử dụng điện thoại khoảng 343 tiếng kể từ tháng 10/1992 cho tới tháng 3/1998 – tương đương khoảng 1,2 tiếng đàm thoại mỗi tuần.

Newman cho biết ông thường giữ máy với tay phải và nghe bằng tai phải – chính là nơi những khối u ung thư xuất hiện. Tuy nhiên, vụ kiện của Newman cũng chịu chung số phận với vụ kiện tượng tự do David Reynard – một công dân sống tại bang Florida (Mỹ) thực hiện trước đó – bị hủy bỏ vào năm 2002 với lý do không đủ các bằng chứng khoa học cần thiết. Sau đó 4 năm, Newman đã mất ở tuổi 47.

Kể từ sau vụ việc này, ngành công nghiệp điện thoại di động vẫn liên tục khẳng định rằng những thiết bị này là hoàn toàn an toàn. Dù vậy, hiển nhiên những mối nguy hiểm tiềm tàng là hoàn toàn có thể tồn tại. Nhiều chuyên gia cho rằng vấn đề nằm ở chỗ sóng điện thoại di động có nguồn gốc từ các bức xạ phát sinh khi những thiết bị không dây liên lạc với cột thu phát thông qua sóng radio.

Những bức xạ tần số cao này (tương tự như tia X) đã “nổi tiếng” với việc gây ung thư khi cơ thể tiếp nhận một lượng quá lớn. Dĩ nhiên, điện thoại di động phát ra bức xạ có tần số thấp hơn nhiều nhưng câu hỏi liệu điều này có gây ra những thay đổi sinh học trên cơ thể con người hay không vẫn chưa có câu trả lời cụ thể.

Mặc dù vậy, một thực tế là điện thoại thường xuyên được sử dụng với khoảng cách cực gần – dù cho người dùng đang nghe gọi hay để chúng trong túi. Chính thực trạng này đã gây ra nhiều lo ngại đối với các nhà nghiên cứu – đặc biệt là những người tin rằng năng lượng của sóng radio bị cơ thể hấp thụ và tiềm năng gây ra các ảnh hưởng xấu đối với ADN của con người. Thậm chí, họ còn cho biết rằng nếu cầm điện thoại cách xa thêm 10 mm khỏi đầu, người dùng sẽ chịu ảnh hưởng của sóng radio ít hơn 100 lần.

Nhiều nhà khoa học cũng tin rằng họ đang ngày càng gần với tới câu trả lời cho trường hợp của Newman. Mới đây, học viện quốc gia về sức khỏe của Mỹ đã đưa ra tài liệu đề cập tới vấn đề sóng di động sẽ khiến bộ não vận hành ở cường độ cao hơn từ 7 đến 50 lần tùy tình huống. Thử nghiệm dựa trên 47 người hoàn toàn khỏe mạnh đã cho thấy điều này.

Tác động tới sức khỏe?

Hiện tại, chưa có câu trả lời xác thực nào về ảnh hưởng của sóng điện thoại di động được đưa ra. Nói cách khác, không có một mối liên hệ cụ thể nào giữa tác động của sóng đối với sức khỏe của con người.

Thậm chí việc bộ não của người có đủ nhạy cảm để bị ảnh hưởng của những sóng tần số thấp từ điện thoại hay không cũng là điều khó chứng minh. Devra Davis – một nhà dịch tễ học mới đây đã ra mắt cuốn sách “Ngưng kết nối: Sự thật về bức xạ điện thoại đi động, các nhà sản xuất đã giấu giếm chúng như thế nào và bảo vệ gia đình bạn như thế nào”. Cuốn sách này dù cho rằng những nghiên cứu cho kết quả tuyệt vời vẫn đề cập tới việc cộng đồng cần có nhiều nghiên cứu chi tiết hơn. “Việc cho rằng chúng ta đã có đủ thông tin về ảnh hưởng của sóng di động là hoàn toàn sai lầm” – bà cho biết.

Một số nghiên cứu trên động vật trong vài năm trở lại đây cũng cho thấy có những thay đổi ở mức tế bào. Nhiều nghiên cứu cũ cũng được đề cập tới trong vụ kiện của Newman. Mặc dù vậy, chưa có nghiên cứu nào liên kết được cụ thể việc sử dụng điện thoại và tác động xấu đối với sức khỏe.

Những nghiên cứu dĩ nhiên đối mặt với nhiều khó khăn do các khối u ở não phát triển rất chậm – thậm chí là hàng thập kỉ mới có thể hình thành được. Bên cạnh đó, các nghiên cứu về dịch tễ cũng cho rằng những nghiên cứu dựa trên các câu trả lời trưng cầu ý kiến từ bệnh nhân thường không chính xác.

Một động thái mới đây của WHO (Tổ chức sức khỏe thế giới) đã phần nào “dọn dẹp” sự mơ hồ trong vấn đề này. Với kinh phí khoảng 24 triệu USD và khoảng thời gian 10 năm, WHO đã điều động 21 nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới nhằm nghiên cứu, theo dõi hơn 13.000 cá nhân ở 13 nước khác nhau. Đây là nghiên cứu có quy mô lớn nhất từ trước tới nay có liên quan tới tác động của sóng điện thoại di động. Việc thu thập dữ liệu cho nghiên cứu được hoàn tất vào năm 2004. Sau đó, một phần các kết quả thu được đã được phân tích và công bố vào năm 2010. Tuy nhiên hiện tại các nhà khoa học vẫn đang đánh giá dữ liệu và dự kiến sẽ còn nhiều nghiên cứu khác được đưa ra trong những năm tới. Thậm chí một số quốc gia cũng công bố các phát kiến riêng từ lượng dữ liệu này.

Mặc dù vậy, ngành công nghiệp điện thoại di động – nơi cung cấp 25% kinh phí trên tổng số 24 triệu USD với đại diện là tổ chức GSMA vẫn đứng về phía những kết quả tích cực cho thấy điện thoại là an toàn dù cho chúng chưa được khẳng định chính xác.

Một phần lý do cho những khẳng định tích cực (hay nói cách khác là sự khan hiếm những bằng chứng xác thực cho mối nguy hại) chính là bởi điện thoại di động mới chỉ được sử dụng rộng rãi kể từ thập niên 90 nên hầu hết các nghiên cứu về ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe đều rất hạn chế.

Bên cạnh đó, những nghiên cứu đối với trẻ em càng trở nên hiếm hoi. Davis là một trong những người tiến hành các phép thử như thế. Việc trẻ em sử dụng điện thoại di động quá sớm có thể bị ảnh hưởng nhiều hơn từ sóng từ trong suốt cuộc đời của chúng về sau này. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu cũng quan tâm tới các mối nguy hiểm của điện thoại đối với trẻ em bởi hệ thống thần kinh của trẻ chưa phát triển hoàn thiện. Thêm vào đó, bộ não của chúng cũng chứa nhiều chất lỏng hơn so với người lớn. Điều này khiến cho khả năng xuyên thấu của sóng trở nên mạnh hơn. Cuối cùng, lớp xương sọ của trẻ em không dày dặn được như của người lớn cũng làm suy giảm khả năng phòng vệ.

“Thực tế là phần đầu của trẻ em có mật độ xương và lượng chất lỏng rất khác so với người lớn” – Davis cho biết – “và chúng ta biết rằng một vật thể có càng nhiều chất lỏng thì sóng radio càng có thể xuyên qua dễ dàng hơn”.

Bản thân Davis và những người ủng hộ đều muốn có thêm các nghiên cứu về tác động của sóng điện thoại đối với trẻ em. Thêm vào đó, họ cũng muốn kiểm chứng các phép thử mà FCC (ủy ban viễn thông liên bang Mỹ chuyên đưa ra các kiểm chứng an toàn về thiết bị viễn thông) thực hiện có phản ánh đúng thực trạng về cơ thể của trẻ hay không – đặc biệt là phần đầu. Cơ chế kiểm tra hiện nay được tính toán dựa trên một người lớn có trọng lượng 90 kg. Thêm vào đó, nhiều nghiên cứu cũng chỉ được thực hiện dựa trên những dữ liệu quá đát và thường được tiến hành thiếu dứt khoát.

Mặc dù các nhà khoa học đều biết rằng bộ não người có thu hút sóng di động nhưng liệu điều này có gây ra những mối nguy hại đối với sức khỏe hay không vẫn còn chưa được chứng minh. Tuy nhiên, nhiều quốc gia thực tế đã đi trước một bước với các cảnh báo về việc sử dụng điện thoại như Phần Lan hay Pháp – đặc biệt là đối với trẻ em. Bên cạnh đó, nhiều bang của Mỹ như San Francisco hay Maine cũng có những tem cảnh báo riêng cho việc điện thoại di động.

Nhìn chung, hiện tại chúng ta vẫn chưa thể có câu trả lời rõ ràng về những ẩn họa mà sóng điện thoại di động có thể gây ra đối với sức khỏe. Vì thế, thực tế có nhiều người sẽ vẫn lạc quan về vấn đề này. Nhiều trong số họ cho rằng cuộc sống còn nhiều mối lo ngại hơn rất nhiều so với điện thoại di động và việc lo lắng hàng ngày sẽ chẳng giúp giải quyết điều gì vì dù sao việc sự dụng là không thể tránh khỏi.

Người dùng nên làm gì ?

Trước thực trạng như vậy, bản thân người dùng cũng nên có những động thái tự phòng vệ ngay cả trước khi câu trả lời rõ ràng được đưa ra. Dưới đây là 10 lời khuyên có thể giúp cắt giảm đáng kể những ảnh hưởng tiềm tàng từ điện thoại di động đối với sức khỏe con người:

- Chỉ sử dụng điện thoại khi cần thiết, hạn chế các cuộc gọi với thời lượng lớn. Một số nghiên cứu cho thấy những cuộc gọi 2 phút có tác động tới xung điện tự nhiên của não trong nhiều giờ sau đó.

- Trẻ em chỉ nên được sử dụng điện thoại trong các trường hợp khẩn cấp.

- Nên sử dụng tai nghe dạng Air-tube (thay vì tai nghe có dây thông thường) để giảm bức xạ. Chi tiết: http://www.cellphone-health.com/airtubeheadset.htm

- Không để điện thoại trong túi quần áo hoặc đeo ở thắt lưng trong khi sử dụng (thường thấy với những người dùng sử dụng tai nghe Bluetooth hoặc tai nghe thông thường).

- Nếu không sử dụng tai nghe rời, bạn nên chờ cuộc gọi được kết nối trước khi đưa máy lên tai để nghe.

- Không sử dụng điện thoại trong các môi trường kín, hẹp và bị bao bọc bởi vật liệu kim loại như xe hơi hay thang máy. Khi điện thoại gặp khó khăn trong việc kết nối, nó sẽ kích sóng lên mạnh hơn. Ngoài ra các “hộp kim loại” như thế sẽ có tác dụng như lồng Faraday khiến cho bức xạ phản hồi nhiều hơn.

- Không thực hiện cuộc gọi khi ở nơi sóng yếu (với lý do như trên).

- Mua các loại điện thoại với chỉ số SAR (Specific Absorption Rate) thấp. Chỉ số này có ở mọi hướng dẫn đi kèm máy và phản ánh lượng sóng radio mà máy phát ra có thể bị cơ thể người hấp thụ.

- Sử dụng các loại thực phẩm chức năng , thuốc chống oxy hóa, phân hóa tố…