Ai cũng muốn chiếc điện thoại của mình có đủ mức năng lượng cho việc nghe gọi và các nhu cầu khác ít nhất là trong một ngày. Tuy nhiên đôi khi vì lý do nào đó điều này lại trở nên không khả thi – kể cả khi bạn đang sở hữu những mẫu điển thoại “đỉnh” nhất trên thị trường. Dưới đây là một số bước cần kiểm tra khi “cục cưng” của bạn gặp vấn đề về thời lượng sử dụng pin.
1. Những kết nối không dây chạy ngầm
Lý do đầu tiên bạn có thể nghĩ tới khi pin đột nhiên hết veo nhanh chóng là các kết nối tín hiệu. GPS, 3G, Wi-Fi là những thủ phạm đầu bảng có thể khiến nguồn năng lượng của điện thoại nhanh chóng cạn kiệt. Điều này có thể dễ dàng được chứng minh khi bạn bật GPS và cho điện thoại dò vệ tinh trong khoảng 5-10 phút. Mức pin sụt đi có thể khiến bạn ngạc nhiên đấy!
Nhìn chung, bạn nên tuân theo nguyên tắc bất thành văn là tắt bớt những giao tiếp không dùng tới và chỉ bật khi cần dùng. Tuy nhiên cũng cần lưu tâm rằng một số dòng điện thoại mới có khả năng quản lý khá tốt kết nối Wi-Fi và 3G khiến cho việc tắt chúng khi không dùng là không cần thiết. Bạn nên thử nghiệm bật hai kết nối này trong thời gian dài và so sánh pin với khi không bật để có quyết định bật/tắt đúng đắn nhất.
2. Đa nhiệm – tốt nhưng phiền toái
Chức năng đa nhiệm gần như đã thành một tiêu chuẩn của các hệ điều hành điện thoại tiên tiến. iOS, Android hiện đều có hỗ trợ tốt đa nhiệm trong khi Windows Phone 7 cũng có bản cập nhật cho phép các ứng dụng chạy song song. Ngay cả ở những dòng máy không có đa nhiệm, nhiều ứng dụng vẫn có các dịch vụ chạy nền để đảm bảo chức năng vận hành. Chỉ cần một trong số các dịch vụ này lỗi có thể khiến bộ xử lý của điện thoại luôn trong trạng thái xử lý nặng hoặc tệ hơn là ngăn cản điện thoại chuyển vào chế độ nghỉ (Standby) và dĩ nhiên hệ quả là pin của bạn nhanh chóng cạn kiệt. Nếu bạn cảm thấy chiếc máy của mình liên tục ấm ấm, hãy tắt bớt các ứng dụng đang chạy. Trong trường hợp điều này không cải thiện tình hình, hãy nghĩ tới giải pháp gỡ bớt các phần mềm có dịch vụ chạy nền (như các công cụ chat, hỗ trợ mạng xã hội…) hoặc tốt nhất là… cài lại hệ điều hành “sạch” để loại bỏ trục trặc.
3. Lỗi hệ điều hành hoặc ứng dụng tinh chỉnh bất hợp lý
Những dòng điện thoại mới thường có firmware (phần mềm) khá phức tạp. Chính vì thế những trục trặc là điều khó tránh khỏi. Thực tế cho thấy có những phiên bản phần mềm khiến cho máy “đốt pin” nhanh hơn đáng kể. Để hạn chế điều này, bạn nên đọc kĩ các tài liệu đi kèm của mỗi phiên bản cũng như xem xét nhận xét từ các nguồn khác nhau (trang tin, diễn đàn công nghệ, báo chí…) để nhanh chóng nhận biết vấn đề nảy sinh. Nếu bản firmware mình đang dùng thuộc “danh sách đen” (không phải là bản chính thức), hãy xem xét nâng cấp lên bản mới càng sớm càng tốt hoặc hạ thấp xuống những phiên bản trước đó. Việc chấp nhận bỏ đi những tính năng mới đôi khi là cần thiết nếu thời lượng sử dụng pin là điều quan trọng với bạn. Ngoài ra, hãy để ý một số các tùy chọn có thể liên quan tới thời lượng pin như độ sáng màn hình nền, tùy chọn rung của máy, các thiết lập mạng, thời gian tự khóa… một số phiên bản firmware có thể có mức xác lập riêng khiến pin nhanh hết hơn. Bạn cũng có thể xem xét bỏ bớt các hiệu ứng hình ảnh nền để tiết kiệm pin.
Có những phiên bản hệ điều hành cũng làm điện thoại “ngốn pin” đáng kể, nên cập nhật lên hoặc giảm xuống phiên bản thấphơn.
4. Game và phim ảnh
Mặc dù không hẳn là lỗi nhưng các trò chơi điện tử 3D và phim HD đời mới trên điện thoại di động có thể nhanh chóng khiến máy của bạn hết pin. Hầu hết các nhà sản xuất đều có công bố thời gian chơi game hoặc trình chiếu phim mà sản phẩm của họ có khả năng thực hiện. Bạn hãy ghi nhớ những con số này và căn chỉnh việc sử dụng của mình sao cho hợp lý. Một chiếc điện thoại có thể nghe gọi vài ngày hoặc chờ tới hàng chục ngày nhưng sẽ đòi hỏi phải được sạc chỉ sau vài tiếng chơi game liên tục cũng là chuyện thường thấy.
Chơi game, xem phim là nguyên nhân lớn dẫn đến mau hết pin.
5. Xác lập nhầm chế độ quản lý năng lượng
Tương tự như máy tính, điện thoại đời mới cũng thường có nhiều kiểu quản lý năng lượng và các tính năng. Những nhóm tùy chọn “tiết kiệm năng lượng” thường có độ sáng màn hình thấp, nhạc chuông nhỏ, bỏ chế độ rung, tắt bớt kết nối… Nhiều dòng máy thường có phím tắt cho phép chuyển nhanh các chế độ này. Chỉ một vài thao tác nhầm của chủ nhân là có thể khiến pin máy hết nhanh hơn bình thường đấy.
6. Ép xung
Trò chơi ép xung dường như không còn là đặc quyền của dân chơi máy tính. Trong giai đoạn gần đây, những thủ thuật và công cụ ép xung đã liên tục xuất hiện trên các dòng điện thoại thông dụng từ Symbian, iOS, Android cho tới cả các mẫu “không thông minh” khác… Dù thủ thuật này có thể khiến bạn thỏa mãn đôi chút về tốc độ nhưng thời lượng sử dụng pin sẽ tụt đi đáng kể (đôi khi chỉ còn 1/3 hoặc thậm chí là ½ so với mức chuẩn). Nếu bạn đam mê tốc độ, việc thử ép xung sẽ có thể giúp bạn vui chốc lát nhưng lời khuyên là hãy để chiếc điện thoại di động hoàn thành tốt nhiệm vụ trong vai trò… là một công cụ liên lạc chứ không phải là một món đồ chơi.
7. Ở khu vực sóng yếu
Mặc định hầu hết các loại điện thoại sẽ tìm kiếm sóng di động để đảm bảo liên lạc cho người dùng. Vì lý do này, nếu bạn đang ở những nơi sóng yếu (vùng cao, khu vực đô thị nhiều nhà cao tầng, tầng hầm, thang máy…), những chiếc điện thoại sẽ tốn nhiều năng lượng hơn cho việc duy trì sóng hoặc tìm kiếm các mạng khả dụng. Nếu bạn cần ở lại những khu vực như thế trong thời gian dài, hãy xem xét tắt máy khi không cần dùng và chỉ bật lại khi đã ra nơi có sóng ổn định hơn để tiết kiệm tối đa pin. Việc này sẽ rất hữu ích đặc biệt nếu bạn đang ở những nơi xa xôi và ổ cắm sạc là thứ hiếm hoi khó tìm thấy. Dĩ nhiên, việc mang theo pin phụ cũng là điều nên làm trong trường hợp này.
Ở nơi có sóng yếu, điện thoại sẽ mau hết pin hơn.
8. Pin báo sai
Mặc dù lý do này có thể nực cười nhưng không phải là điều chưa từng xảy ra. Một ví dụ điển hình là phiên bản iOS 3.1.2 của iPhone 3GS báo pin không được chuẩn khiến cho Apple ngay sau đó phải ra mắt phiên bản cập nhật 3.1.3 để khắc phục chi tiết này. Nếu máy của bạn báo pin hết, hãy đừng quá hoảng hốt mà tiếp tục thử sử dụng cho tới khi tắt hẳn. Nếu khoảng thời gian này quá dài, nhiều khả năng vấn đề chỉ đơn giản là mức pin không được báo chính xác mà thôi. Trong trường hợp này, bạn có thể yên tâm sử dụng máy và chờ đợi một bản firmware cập nhật mới từ nhà sản xuất.
9. Pin đã bị chai hoặc nóng
Dĩ nhiên, pin của điện thoại sẽ vẫn bị chai theo năm tháng. Tuy nhiên công nghệ mới cho phép pin duy trì được thời lượng sử dụng khá tốt ít nhất là 3-5 năm (hoặc lâu hơn nữa) với cường độ sử dụng trung bình. Tốc độ chai phụ thuộc nhiều vào thói quen sạc/xả của người dùng, nhiệt độ môi trường… Nếu máy của bạn đã dùng nhiều năm, việc thời gian sử dụng pin ngắn dần tới mức cần thay thế là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên đây không phải là việc một sớm một chiều. Do đó nếu trong vài ngày hoặc thậm chí vài tháng, thời lượng pin liên tục sụt giảm đáng kể, hãy nhanh chóng xem xét các yếu tố khác được nhắc đến trong bài viết hoặc liên hệ với nơi bán để được bảo hành. Ngoài ra, hãy luôn đảm bảo bạn sử dụng đúng loại pin và bộ sạc mà nhà sản xuất chỉ định để hạn chế tối đa các rủi ro.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới pin nhanh hết ( Nếu như mức sử dụng của bạn vẫn như thường lệ)
- Chưa tắt hết ứng dụng
- Cài đặt nhiều trường trình
- Cài đặt theme mới (theme có nhiều ứng dụng có hỗ chợ hình anh nhiều mầu sắc sẽ rất tốn pin)
- Nguyên nhân cuối cùng bạn hãy kiểm tra lại cục pin....có thể nó đã đến ngày lão hóa rồi đó..