Sẽ không có trò chơi mới nào được phát hành ở VN trước khi Quy chế về quản lý game online được ban hành.Thực tế thế nào?
Trong cuộc họp chiều 27/7, sau khi nghe Cục quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử báo cáo công tác quản lý, đề xuất chính sách quản lý đối với dịch vụ trò chơi trực tuyến, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp yêu cầu ngưng cấp phép mới các trò chơi trực tuyến và dừng quảng cáo game online trên các phương tuyện truyền thông đại chúng.
Về lộ trình ban hành Quy chế mới về quản lý game online, thay mặt ban soạn thảo, ông Lưu Vũ Hải, Cục trưởng Cục quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, cho biết quy chế sẽ được trình Chính phủ trong tháng 8 để sớm ban hành.
Liên quan đến một số quy định cụ thể trong quy chế nói trên, Cục trưởng khẳng định với VnExpress.net đã loại bỏ yêu cầu doanh nghiệp phát hành game phải tắt máy chủ sau 23h.
Ông Hải cũng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đề xuất với Chính phủ và trình Quốc hội Luật an toàn thông tin trên Internet nhằm điều chỉnh hoạt động cung cấp nội dung trên mạng Internet. Bộ đang xây dựng đề án thành lập Cục an toàn thông tin, hợp tác với các tổ chức an ninh mạng quốc tế để thực thi trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin trên Internet.
Ngoài những quyết định trên, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet cắt đường truyền đại lý Internet vào giờ đóng cửa theo quy định của chính quyền địa phương. Theo nghị định 97, cơ quan quản lý quy định giờ đóng, mở cửa đại lý Internet là từ 23g đến 6g sáng.
Cũng trong ngày 27/7, Sở Thông tin Truyền thông TP HCM đã gửi công văn số 925/STTTT-BCVT yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến:
1. Báo cáo chi tiết số lượng kèm theo minh họa cụ thể bằng video, hình ảnh của từng hành vi mang tính bạo lực có xuất hiện trong trò chơi trực tuyến đang cung cấp theo 3 nhóm tiêu chí với các hành vi bạo lực theo phân loại của Sở (xem tiêu chí tại đây).
2. Trên cơ sở tổng số hành vi bạo lực, mức độ bạo lực của từng hành vi và của toàn bộ trò chơi, yêu cầu doanh nghiệp đánh giá sự phù hợp của trò chơi với người chơi thuộc các nhóm lứa tuổi: nhỏ hơn 6 tuổi, từ 6 đến 11 tuổi (dưới 12 tuổi), từ 12 đến 15 tuổi (dưới 16 tuổi), từ 16 đến 18 tuổi (dưới 18 tuổi), trên 18 tuổi và không phù hợp với bất kỳ nhóm lứa tuổi nào.
Thời hạn cuối để doanh nghiệp gửi báo cáo về Sở Thông tin và Truyền thông là ngày 2/8.
Kết quả này tạm được
Kết quả này tạm được nhưng không phải không có kẽ hở. Cuối cùng thì đã xoá điều khoản "server đóng cửa" rồi. Vậy cũng tốt, hoan hô! Buộc cửa tiệm internet đóng cửa sau 23 giờ cũng hay, nhưng thực hiện không dễ! Bởi lẽ nó chỉ áp dụng được cho các ISP hữu tuyến thôi. Không thể cấm ISP vô tuyến được, bởi vì không có cơ sở phân biệt đâu là thuê bao dành cho đại lý, đâu là thuê bao cá nhân, nhất là trong trường hợp thuê bao di động chưa đăng ký chính xác như hiện nay. Điều gì sẽ xảy ra nếu đại lý internet vào mạng bằng sóng 3G của Vinaphone nhỉ? Tốc độ ở trung tâm tỉnh (hoặc thành phố) khá cao, thậm chí cao hơn ADSL, Vinaphone hiện tại đang là nhà cung cấp 3G nhanh và rẻ nhất hiện nay đó.
Game cũng có tính 2 mặt rõ ràng
Mặt phải là nó tạo ra một dịch vụ giải trí công nghệ đem lại công ăn việc làm thu nhập cho rất nhiều người, từ các quán game, nhà cung cấp dịch vụ, nhà phát triển phần mềm. Bên cạnh đó nó giúp cho máy tính đến gần với mỗi người dân, từ trung niên cho tới trẻ em. Giúp cho giới trẻ nhanh chóng sử dụng thành thạo những ứng dụng cơ bản của máy tính. Hạ tầng internet cũng phát triển nhanh nhờ có sự đóng góp không nhỏ của game. Bên cạnh đó, mặt trái thì cũng không ít, game gây tổn hại về sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần và gây lãng phí các nguồn lực xã hội. Cụ thể game gây nghiện, game bạo lực, game làm thoái hóa đạo đức xã hội, phát sinh các hành vi vi phạm pháp luật,… Các nhà quản lý hãy cân đong đo đếm để làm sao, vẫn đảm bảo hài hòa cho mặt phải phát triển và hạn chế những mặt tiêu cực. Chứ cũng không thể để mọi người lại phải truy nhập vào các hệ thống máy chủ chơi game quốc tế, khi đó thì còn khó quản lý hơn.
Bó tay
Chỉ vì game mà cắt đường truyền từ 23g - 6g. Vậy đại lý Internet chúng tôi vào mạng downloald dữ liệu bằng liềm tin à? Đặc thù của đại lý internet là sửa chữa và cài đặt lại máy chỉ có thể vào ban đêm và còn nhiều việc nữa như đọc báo tìm tài liệu, chứ đường truyền đâu chỉ để chơi game ? Còn nữa nếu tắt máy chủ game ol thì những người đi làm cả ngày đêm đến muốn thư giãn đôi chút cũng bó tay? Con tôi học lớp 3 nó cũng biết yêu cầu nhà cung cấp game khóa thời gian chơi của game thủ lại cứ sau 3 giờ là không thể đăng nhập vòa máy chủ thế là xong. Còn họ lách luật bằng cách lập nhiều nhân vật thì kệ họ đi họ ko no cho sức khỏe của họ thì thôi các bác việc gì phải nói những điều mà không hợp lý.
Quản lý Internet và game online
Nhà nước ta trong lĩnh vực quản lý đâu có thiếu nhân tài, sao lại phải đưa ra những lệnh cấm quá cực đoan như lĩnh vực quản lý game online đang nóng hiện nay và buộc các đại lý internet quản lý thông tin khách hàng, ngăn chặn các web nhạy cảm trước đây , toàn là những hình thức ngăn chặn trên ngọn ,dạng thả gà ra rồi buộc các con đuổi bắt.
Nhà nước hoàn toàn có thể kiểm soát được người truy cập internet hoặc người chơi game online theo độ tuổi thông qua chứng minh thư nhân dân , các cá nhân đủ tuổi 14 đều được cấp CMND , vậy các nhà cung cấp dịch vụ hoàn toàn có thể chọn số CMND làm ID và những người có nhu cầu chơi game hoặc truy cập internet ,chỉ cần mang CMND tới các điểm giao dịch để đang ký ID và nhận Password , nhà cung cấp sẽ dựa vào thông tin cá nhân để cho hoặc không cho phép chơi hoặc truy cập các nội dung không phù hợp với lứa tuổi của mình , nhà nước cũng có cơ sở buộc các cá nhân phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm ( Rồi đây sẽ có người nói lỡ có người ăn trộm tài khoản của người khác hoặc làm tài khoản giả mạo thì sao? Đây là vấn đề của cá nhân , mỗi người phải chịu trách nhiệm với tài khoản của mình , nếu sợ thần sợ quỷ thì đừng tham gia đăng ký , nếu vụ việc nghiêm trọng thì sẽ có cơ quan chuyên trách của nhà nước chịu trách nhiệm điều tra ) . Dưới 14 tuổi muốn truy cập ,đương nhiên phải có sự bảo lãnh của người lớn ( người có tài khoản ) và người bảo lãnh phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về hành vi của người sử dụng . Đây là ý kiến cá nhân nên không thể tránh khỏi sai sót , rất mong các bạn thông cảm và đóng góp thêm .
Gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong buổi chất vấn của kỳ họp Quốc hội, game online đang rất được quan tâm. Đa phần cho rằng nó đang trở thành một hiểm họa cho thế hệ trẻ và rất nhiều tệ nạn xã hội cũng do nghiện game online.
Vấn đề đặt ra ở đây là games online (GOL) đáng bị “kết tội” như các phát biểu đã nêu hay không ? Dưới cái nhìn của một người làm giáo dục tôi xin phép được đưa ra một số ý kiến về vấn đề này như sau:
Một kết luận chung trong các ý kiến lên án GOL cho rằng đó là yếu tố kích động bạo lực với những dẫn chứng khá rõ ràng như trên 70% trò GOL là trò chơi bạo lực, các cảnh chém giết, bắn giết... trong GOL đã kích thích tính hung hăng ở trẻ.
Tuy nhiên, hiện nay chúng ta chưa có một quy chuẩn thế nào là “mang tính bạo lực” để đánh giá mà hầu như là dựa trên cảm tính để đánh giá yếu tố này. Nếu so sánh yếu tố bạo lực trong các GOL với yếu tố bạo lực trong các phim truyện chiếu thường ngày trên các kênh truyền hình của các đài địa phương, truyền hình cáp, thì có thể thấy, mức độ bạo lực trong GOL cũng chỉ tương đương với các film này, thậm chí có khi còn nhẹ hơn.
Nếu theo dõi các bộ phim thì việc đâm chém, bắn giết lẫn nhau xuất hiện với tần số khá cao, mức độ tàn bạo cũng hết sức đáng ngại, do đó liệu có chính xác không nếu quy kết rằng GOL là yếu tố kích động bạo lực ở giới trẻ.
Chưa hết, nếu làm một cuộc khảo sát qua các điểm bán đĩa DVD, VCD có giấy phép thì số lượng đĩa film dạng “đâm chém xã hội đen” hiện diện không ít. Vì thế, vấn đề nảy sinh là giả sử rằng nếu cấm các GOL mang tính bạo lực thì có gì đảm bảo rằng giới trẻ sẽ không bị ảnh hưởng bởi các bộ film này ?
Một câu trả lời rất ngắn gọn, rất rõ ràng mà nếu ai quan tâm nghiên cứu đến vấn nạn GOL đều thấy được vấn nạn, giới trẻ nghiện GOL, vì không có một sân chơi nào khác cho các em.
Thực tế, thử nhìn vào các khu chung cư ở trong thành phố chúng ta, lấy điển hình khu chung cư 18 tầng Miếu nổi đường Phan Xích Long quận Phú Nhuận, bình quân mỗi tầng có 40 căn hộ, trong số đó chỉ có 20 căn hộ có 2 trẻ em. Như vậy toàn khu chung cư sẽ có ít nhất 720 em, đó là một con số không nhỏ. Điều đáng nói ở đây là các trẻ này lại không có một sân chơi riêng. Thế thì các em sẽ chọn phương pháp giải trí bằng cách chơi GOL.
Bên cạnh đó, đa phần các trường học trong nội thành TP HCM đều có sân trường quá nhỏ (thậm chí có trường còn không đủ chỗ để các em tập thể dục như trường Nguyễn Du, Quận 1). Trong suốt các tháng hè, hầu như trường nào cũng đóng kín cổng, hạn chế không cho các em vào chơi trong sân trường để đảm bảo cơ sở vật chất, đường xá thì xe cộ quá đông đúc, hiểm nguy chực chờ, ngõ hẻm bị người lớn chiếm dụng làm chỗ buôn bán đủ loại, các sân bóng đá mini, sân cầu lông... thì buộc phải trả một số tiền khá lớn vượt quá khả năng tài chính các em.
Chính vì vậy, dù không cố ý, hàng ngày chính người lớn chúng ta đang đẩy các em đến gần với GOL là phương cách giải trí duy nhất phù hợp với điều kiện sống của các em. Ngoài ra, chúng ta thử nhìn nhận xem các tổ chức đoàn thể của giới trẻ đã có được những hoạt động thực sự sinh động bổ ích và hấp dẫn để lôi cuốn các em đến với mình không, hay đa phần các em đến sinh hoạt với sự miễn cưỡng, vì “điểm rèn luyện”...
Nghiện GOL ở giới trẻ, chính là sự phản ảnh hiện thực xã hội người lớn.Trong khi chúng ta đang trách móc giới trẻ về việc nghiện GOL, đốt thời gian, tiền bạc, sức lực vào thế giới ảo, thì có bao giờ chúng ta nhìn lại bản thân người lớn cũng đâu có khác gì các em, người lớn cũng ghiền nhậu, mê cá độ bóng đá, mê số đề, mê đi spa, mê shopping... cũng tiêu tốn tiền bạc vào biết bao nhiêu điều vô bổ.
Chúng ta không thể đòi hỏi ở giới trẻ một nếp sống nghiêm túc, lành mạnh khi chính bản thân thế giới người lớn không lành mạnh, nghiêm túc. Người lớn chúng ta đã không nghiêm túc ngay từ những chuyện nhỏ nhặt nhất như tuân thủ quy tắc giao thông: không lấn trái đường, chạy lên vỉa hè, xả rác bừa bãi nơi công cộng. Người lớn chúng ta không không thoát việc nghiện tivi, rất nhiều gia đình trong bữa ăn gia đình, người lớn thay vì dành thời gian để nói chuyện với con cái lại dán mắt vào các cảnh film trên tivi không ai nói với ai tiếng nào.
Chúng ta không làm chủ được bản thân mình và cũng không dạy cho trẻ kỹ năng làm chủ bản thân, để rồi khi GOL lan tràn thì thay vì tìm những phương cách để đẩy lùi nó hợp lý thì chúng ta chỉ nghĩ ra được cách duy nhất đó là “CẤM”, mà một quy luật tâm lý học mà chúng ta ai cũng biết cái gì càng cấm thì lại càng có sự hấp dẫn càng lớn
Xét cho cùng, GOL cũng chỉ là một công cụ phục vụ cho nhu cầu giải trí của con người như muôn vàn công cụ khác, bản thân GOL không hề xấu, không hề gây ra những tệ nạn xã hội. GOL chỉ trở nên xấu khi người lớn không giáo dục được cho thế hệ trẻ bản lĩnh làm chủ mình, kỹ năng nói không với những điều xấu và khi giới trẻ không còn cách giải trí nào khác để chọn lựa GOL.
Cũng như con dao sắc nhọn có thể dùng vào việc có ích như làm bếp gọt trái cây, nhưng cũng có thể trở thành công cụ giết người khi nó nằm trong tay kẻ xấu. Do đó, cần có một cách nhìn khách quan, công bằng và hợp lý về GOL để có những cách ứng phó hợp tình và hợp lý nhằm không để GOL trở thành một đại nạn của xã hội