“Công nghệ” làm sống pin chai gồm 3 giai đoạn. Đối với pin đã chết hẳn, người thợ phải kiểm tra xem mạch pin còn hoạt động hay không. Việc này có thể bỏ qua nếu pin vẫn dùng được vài phút. Sau đó, vỏ nhựa của nhà sản xuất được bóc tách, từng lõi pin bên trong được kiểm tra khả năng lưu/phát điện, cell nào “chết” sẽ được thay. Cuối cùng, người thợ phải cập nhật lại bộ nhớ ROM (reset ROM) bằng phần mềm chuyên dụng để pin nhận lại dung lượng của những cell đã thay. Toàn bộ công đoạn trên được tiến hành trong khoảng 20 - 30 phút nếu không gặp trục trặc đặc biệt gì khác. Giá mỗi cell pin mới khoảng 75.000 đồng, chi phí phục hồi một viên pin 6 cell đã chết hẳn khoảng 450.000 - 500.000 đồng.
Theo đánh giá của dân trong nghề, việc khôi phục pin khó nhất ở công đoạn thứ 3. Mỗi viên pin đều có bản mạch để quản lý nguồn điện từng cell. Trong máy tính cũ, những mạch này khá đơn giản và bản ROM của chúng cũng sẵn có trên Internet . Những viên pin mới có mạch điện quản lý chặt chẽ hơn, chip nhớ và chip quản lý nhiều khi tích hợp chung trên cùng IC, có loại còn có cả mạch bảo mật pin nên việc can thiệp khó khăn.
“Đa phần pin mang đến sửa là của những model cũ, nhiều nhất là máy IBM vì người dùng Việt Nam chuộng dòng máy này. Cũng có người đến sửa pin của máy tính mới vì đó là hàng xách tay, không thể mang đi bảo hành hoặc linh kiện chính hãng quá đắt”, anh Trần Duy Anh, Giám đốc công ty HTT (Hà Nội) chuyên sửa chữa laptop, nói.
Duy Anh cho biết mỗi tháng công ty anh sửa đến hơn 200 viên pin laptop các loại do khách hàng lẻ mang đến, chưa kể những đơn đặt hàng do một số doanh nghiệp buôn bán máy tính cũ đem đến. Hà Nội hiện nay có khoảng 10 điểm sửa chữa pin chuyên nghiệp. Dân chơi laptop TP HCM quá quen thuộc với tên tuổi của 2 công ty Nghĩa Thăng và Không Gian bởi thâm niên và tay nghề “phù thủy” với pin máy tính xách tay.
Nhiều người am hiểu thừa nhận rằng chất lượng của pin "hồi sinh" không thể bằng với pin chính hãng vì cũng chỉ phát điện được trên dưới 2 giờ. Tuy nhiên, giá tiền thì chỉ bằng phân nửa so với việc bỏ ra 70 - 80 USD cho viên pin xịn từ chính hãng. Những cell pin mới và linh kiện để thay được nhập khẩu từ Trung Quốc, chất lượng phụ thuộc vào trình độ và "lương tâm" của cửa hàng cộng thêm một ít ... may rủi. Dịch vụ này vốn dành cho người dùng laptop cũ nhưng một số cửa hàng bán máy tính cũng "đặt hàng" để giảm chi phí cho những lô hàng lỗi đã nhập. Người mua laptop cũ (hàng refurbished) nếu không tinh ý gặp phải loại pin "độ" lại này thì coi như gặp vận đen.
Dùng và bảo quản pin
Theo ý kiến của giới kỹ thuật, thời lượng pin bị giảm nhanh phần nhiều do người dùng chưa đúng cách. Hai nguyên nhân thường gặp nhất là cắm nguyên xạc điện khi không dùng hoặc để chế độ ngủ (Standby hoặc Hibernate) quá lâu khiến pin bị suy kiệt.
“Pin Ni-Cd cũ thì hay gặp hiện tượng chai pin, nếu cắm xạc liên tục thì nó sẽ ‘nhớ’vị trí đầy ảo nên hay suy giảm. Pin Li-Ion thế hệ mới không gặp hiện tượng trên nhưng không được để suy kiệt, nếu điện áp sụt xuống dưới mức cho phép thì sẽ hỏng luôn”, kỹ thuật viên công ty HTT nói. Kinh nghiệm cho thấy chính những máy hay được người dùng mang đi mang lại thì giữ được thời gian dùng pin lâu hơn.
Ngoài ra, trên thị trường hiện nay cũng có nhiều loại xạc (adapter) là hàng nhái trôi nổi. Bộ xạc chất lượng kém, cung cấp nguồn không ổn định, cũng gây hại cho pin, tệ hại hơn là làm hỏng mạch xạc trên máy. Việc phân biệt xạc xịn và nhái bằng mắt thường sẽ hơi khó vì vẻ bề ngoài khá giống nhau. Dân chuyên nghiệp thường dựa trên trọng lượng, độ sắc nét và khít của tem nhãn trên adapter để phân biệt.
Để thời gian dùng pin tốt, người dùng nên để pin được hoạt động, rút nguồn điện khi không dùng máy. Lập kế hoạch để “xả hết, nạp đầy” pin mỗi tuần 1 lần, tức là rút điện dùng máy tính đến khi hệ thống báo hết nguồn điện, sau đó cắm nguồn cho đến khi pin báo đầy. Những máy laptop được dùng thay cho desktop thường không cần đến pin có thể lấy ra bảo quản riêng. Tuy nhiên, trước khi tháo nên xạc đầy điện, kiểm tra và xạc lại theo chu kỳ từ 3-5 tháng.