Các tên gọi của thủ đô Hà Nội?

Có ai nhớ chi tiết cụ thể các tên gọi của thủ đô Hà Nội không?Giúp mình với.Mình cảm ơn nhiều.
Trả lời 14 năm trước
Hà Nội đã trải qua nhiều tên gọi khác nhau trong lịch sử. Trong thời kỳ cai trị của người Trung Quốc nó từng có tên là huyện Tống Bình, xuất hiện trong sử sách từ những năm 454-456 thời Nam Bắc triều của Trung Quốc. Năm 545, Lý Bí đánh thắng quân nhà Lương lập nên nước Vạn Xuân độc lập. Ông tự xưng Lý Nam Đế, định đô ở miền cửa sông Tô Lịch Hà Nội. Ông cho lập điện Vạn Thọ là nơi họp bàn việc nước. Lý Nam Đế cũng cho dựng một ngôi chùa lớn ở phường Yên Hoa (Yên Phụ) tên là Khai Quốc, tiền thân của chùa Chùa Trấn Quốc ngày nay. Về sau Hà Nội được đổi tên gọi là Đại La (nguyên là tên của vòng thành ngoài cùng bao bọc lấy vòng thành nhỏ hơn ở trong). Sách Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục có viết: "Thành này do Trương Bá Nghi đắp từ năm Đại Lịch thứ 2 (767) đời Đường; năm Trinh Nguyên thứ 7 (791), Triệu Xương đắp thêm; năm Nguyên Hòa thứ 3 (808), Trương Chu lại sửa đắp lại; năm Trường Khánh thứ 4 (824), Lý Nguyên Gia dời phủ trị tới bên sông Tô Lịch, đắp một cái thành nhỏ, gọi là La Thành; năm Hàm Thông thứ 7 (866), Cao Biền đắp ngoại thành bao quanh "kim thành", cũng gọi tên là La Thành." Long Đỗ (rốn rồng) cũng là một tên gọi của Hà Nội, nhưng không phải tên gọi chính thức, tên gọi này xuất hiện từ thời Cao Biền. Truyền thuyết kể rằng, vào năm 866, khi Cao Biền mới đắp thành Đại La, thấy thần nhân hiện lên tự xưng là thần Long Đỗ. Do đó trong sử sách thường gọi Thăng Long là đất Long Đỗ. Thời kỳ đô hộ Phương Bắc nhà Tuỳ (581-618), nhà Đường (618-907), trị sở ở vùng Long Biên (Bắc Ninh ngày nay), tới đời Tuỳ chúng mới chuyển đến Tống Bình, tức Hà Nội. Thành cũng còn có tên là Đại La. Đại La, hay Đại La thành, nguyên là tên vòng thành ngoài cùng bao bọc lấy Kinh Đô. Theo kiến trúc xưa, Kinh Đô thường có "Tam trùng thành quách": trong cùng là Tử Cấm thành (tức bức thành màu đỏ tía) nơi vua và hoàng tộc ở, giữa là Kinh thành và ngoài cùng là Đại La thành. Năm 866 Cao Biền bồi đắp thêm Đại La thành rộng hơn và vững chãi hơn trước. Từ đó, thành này được gọi là thành Đại La. Thí dụ trong Chiếu dời đô của vua Lý Thái Tổ viết năm 1010 có viết: "... Huống chi thành Đại La, đô cũ của Cao Vương (tức Cao Biền) ở giữa khu vực trời đất..." (Toàn thư, Tập I, H, 1993, tr 241). Khi Việt Nam giành được độc lập, Hà Nội lúc đó trở thành thủ đô của Đại Việt từ thế kỷ thứ 11, với tên gọi Thăng Long (có nghĩa là "rồng bay lên"), sau khi Lý Công Uẩn ra chiếu dời đô năm 1010. Thăng Long là thủ đô cho đến năm 1397, khi thủ đô được di chuyển về Thanh Hóa (tức Tây Đô). Thăng Long khi đó có tên gọi là Đông Đô. Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết: "Mùa hạ tháng 4 năm Đinh Sửu (1397) lấy Phó tướng Lê Hán Thương (tức Hồ Hán Thương - TM) coi phủ đô hộ là Đông Đô" (Toàn thư Sđd – tr.192). Trong bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục, sử thần nhà Nguyễn chú thích: "Đông Đô tức Thăng Long, lúc ấy gọi Thanh Hoá là Tây Đô, Thăng Long là Đông Đô" (Cương mục - Tập 2, H 1998, tr 700). Năm 1408, nước Đại Ngu của cha con họ Hồ bị quân đội của nhà Minh xâm chiếm và Đông Đô bị người Minh đổi tên thành Đông Quan. Năm 1428, sau khi quân đội của Lê Lợi giải phóng đất nước thì Đông Quan được đổi tên thành Đông Kinh - tên gọi này người châu Âu phiên âm thành Tonkin. Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết sự ra đời của cái tên này như sau: "Mùa hạ, tháng 4 năm Đinh Mùi (1427), Vua (tức Lê Lợi - TM) từ điện tranh ở Bồ Đề, vào đóng ở thành Đông Kinh, đại xá đổi niên hiệu là Thuận Thiên, dựng quốc hiệu là Đại Việt đóng đô ở Đông Kinh. Ngày 15 vua lên ngôi ở Đông Kinh, tức là thành Thăng Long. Vì Thanh Hóa có Tây Đô, cho nên gọi thành Thăng Long là Đông Kinh" (Toàn thư - Sđd. Tập 2, tr 293). Thời Tây Sơn, vì kinh đô đóng ở Phú Xuân thành còn có tên là Bắc Thành. Năm 1802, khi nhà Nguyễn chuyển kinh đô về Huế, nó lại được đổi tên thành Thăng Long, nhưng lần này chữ "Long" biểu hiện cho sự thịnh vượng, chứ không phải là rồng, với lý do rằng rồng là tượng trưng cho nhà vua, nay vua không ở đây thì không được dùng chữ "Long" là "rồng" (Trần Huy Liệu (chủ biên), Lịch sử thủ đô Hà Nội, H. 1960, tr 81). Sau đó vua Gia Long còn hạ lệnh phá bỏ hoàng thành cũ, vì vua không đóng đô ở Thăng Long, mà hoàng thành Thăng Long lại rộng quá. Năm 1831 vua Minh Mạng lập ra tỉnh Hà Nội: tỉnh nằm trong (nội) hai con sông (hà) là sông Hồng và sông Đáy. Khi Việt Nam tiếp xúc với phương Tây, tên Hán-Việt của Hà Nội Đông Kinh, được viết thành Tonkin và được người châu Âu dùng phổ biến. Năm 1873, người Pháp bắt đầu tiến đánh Hà Nội và 10 năm sau thì chiếm toàn bộ. Từ năm 1887, Hà Nội trở thành thủ phủ của Đông Dương thuộc Pháp. Năm 1940, thành phố bị phát xít Nhật xâm chiếm và đến năm 1945 Hà Nội được giải phóng và là nơi đặt các cơ quan của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ 1946 đến 1954, Hà Nội là chiến địa ác liệt giữa Việt Minh và quân đội Pháp. Sau khi được giải phóng vào ngày 10 tháng 10 năm 1954, Hà Nội trở thành thủ đô của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong Chiến tranh Việt Nam, các công trình giao thông của Hà Nội như cầu và đường tàu bị bom đạn phá hủy, tuy nhiên ngay lập tức được sửa chữa. Trong thời gian này Hà Nội được xưng tụng là "Thủ đô của phẩm giá con người". Hà Nội trở thành thủ đô của toàn Việt Nam sau ngày Bắc Nam thống nhất 2 tháng 7 năm 1976. Hà Nội còn có nhiều các tên gọi không chính thức khác, chủ yếu xuất hiện trong văn thơ và dân gian: Trường An hay Tràng An (lấy theo tên gọi của kinh đô của Trung Quốc thời kỳ nhà Hán và nhà Đường); Phượng Thành hay Phụng Thành (trong bài phú của Nguyễn Giản Thanh); Long Thành, Long Biên, Kẻ Chợ (trong dân gian); Thượng Kinh, Kinh Kỳ, Hà Thành, Hoàng Diệu, ngay sau Cách mạng tháng Tám - 1945, đôi khi trong các báo chí của Việt Nam sử dụng tên này để chỉ Hà Nội.
Phân phối mực in , linh kiện máy in
Phân phối mực in , linh kiện máy in
Trả lời 14 năm trước
Những tên gọi của Hà Nội qua các thời kỳ lịch sử? - Thăng Long - Hà Nội là kinh đô lâu đời nhất trong lịch sử Việt Nam. Mảnh đất địa linh nhân kiệt này từ trước khi trở thành kinh đô của nước Đại Việt dưới triều Lý (1010) đã là đất đặt cơ sở trấn trị của quan lại thời kỳ nhà Tuỳ (581 - 618), Đường (618 - 907) của phong kiến phương Bắc. Từ khi hình thành cho đến nay, Thăng Long - Hà Nội có nhiều tên gọi. Chúng tôi xin chia các tên gọi ấy thành hai loại: Chính quy và không chính quy, theo thứ tự thời gian như sau: TÊN CHÍNH QUY: Là những tên được chép trong sử sách do các triều đại phong kiến, nhà nước Việt Nam chính thức đặt ra: Long Đỗ: Truyền thuyết kể rằng, lúc Cao Biền nhà Đường, vào năm 866 mới đắp thành Đại La, thấy thần nhân hiện lên tự xưng là thần Long Đỗ. Do đó trong sử sách thường gọi Thăng Long là đất Long Đỗ. Thí dụ vào năm Quang Thái thứ 10 (1397) đời Trần Thuận Tông, Hồ Quý Ly có ý định cướp ngôi nhà Trần nên muốn dời kinh đô về đất An Tôn, phủ Thanh Hoá. Khu mật chủ sự Nguyễn Nhữ Thuyết dâng thư can, đại ý nói: "Ngày xưa, nhà Chu, nhà Nguỵ dời kinh đô đều gặp điều chẳng lành. Nay đất Long Đỗ có núi Tản Viên, có sông Lô Nhị (tức sông Hồng ngày nay), núi cao sông sâu, đất bằng phẳng rộng rãi". Điều đó cho thấy, Long Đỗ đã từng là tên gọi đất Hà Nội thời cổ. Tống Bình: Tống Bình là tên trị sở của bọn đô hộ phương Bắc thời Tuỳ (581-618), Đường (618 - 907). Trước đây, trị sở của chúng là ở vùng Long Biên (Bắc Ninh ngày nay). Tới đời Tuỳ chúng mới chuyển đến Tống Bình. Đại La: Đại La hay Đại La thành nguyên là tên vòng thành ngoài cùng bao bọc lấy Kinh Đô. Theo kiến trúc xưa, Kinh Đô thường có "Tam trùng thành quách": Trong cùng là Tử Cấm thành (tức bức thành màu đỏ tía) nơi vua và hoàng tộc ở, giữa là Kinh thành và ngoài cùng là Đại La thành. Năm 866 Cao Biền bồi đắp thêm Đại La thành rộng hơn và vững chãi hơn trước. Từ đó, thành này được gọi là thành Đại La. Thí dụ trong Chiếu dời đô của vua Lý Thái Tổ viết năm 1010 có viết: "... Huống chi thành Đại La, đô cũ của Cao Vương (tức Cao Biền) ở giữa khu vực trời đất..." (Toàn thư, Tập I, H, 1993, tr 241). Thăng Long (Rồng bay lên). Đây là cái tên có tính văn chương nhất, gợi cảm nhất trong số các tên của Hà Nội. Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết lý do hình thành tên gọi này như sau: "Mùa thu, tháng 7 năm Canh Tuất (1010) vua từ thành Hoa Lư, dời đô ra Kinh phủ thành Đại La, tạm đỗ thuyền dưới thành, có rồng vàng hiện lên ở thuyền ngự, nhân đó đổi tên thành gọi là thành Thăng Long" (Toàn thư, Tập I, H, tr 241). Đông Đô: Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết: "Mùa hạ tháng 4 năm Đinh Sửu (1397) lấy Phó tướng Lê Hán Thương (tức Hồ Hán Thương - TM) coi phủ đô hộ là Đông Đô" (Toàn thư Sđd - tr 192). Trong bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục, sử thần nhà Nguyễn chú thích: "Đông Đô tức Thăng Long, lúc ấy gọi Thanh Hoá là Tây Đô, Thăng Long là Đông Đô" (Cương mục - Tập 2, H 1998, tr 700). Đông Quan: Đây là tên gọi Thăng Long do quan quân nhà Minh đặt ra với hàm nghĩa kỳ thị Kinh đô của Việt Nam, chỉ được ví là "cửa quan phía Đông" của Nhà nước phong kiến Trung Hoa. Sử cũ cho biết, năm 1408, quân Minh đánh bại cha con Hồ Quý Ly đóng đô ở thành Đông Đô, đổi tên thành Đông Quan. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Tháng 12 năm Mậu Tý (1408), Giản Định đế bảo các quân "Hãy thừa thế chẻ tre, đánh cuốn chiếu thẳng một mạch như sét đánh không kịp bưng tai, tiến đánh thành Đông Quan thì chắc phá được chúng" (Toàn thư Sđd - Tập 2, tr224). Đông Kinh: Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết sự ra đời của cái tên này như sau: "Mùa hạ, tháng 4 năm Đinh Mùi (1427), Vua (tức Lê Lợi - TM) từ điện tranh ở Bồ Đề, vào đóng ở thành Đông Kinh, đại xá đổi niên hiệu là Thuận Thiên, dựng quốc hiệu là Đại Việt đóng đô ở Đông Kinh. Ngày 15 vua lên ngôi ở Đông Kinh, tức là thành Thăng Long. Vì Thanh Hoá có Tây Đô, cho nên gọi thành Thăng Long là Đông Kinh" (Toàn thư - Sđd. Tập 2, tr 293). Bắc Thành: Đời Tây Sơn (Nguyễn Huệ - Quang Trung 1787 - 1802 - TM). Vì kinh đô đóng ở Phú Xuân (tức Huế - TM) nên gọi Thăng Long là Bắc thành"(Nguyễn Vinh Phúc - Trần Huy Bá - Đường phố Hà Nội - H. 1979, tr 12). Thăng Long (Thịnh vượng lên). Sách Lịch sử thủ đô Hà Nội cho biết: "Năm 1802, Gia Long quyết định đóng đô ở tại nơi cũ là Phú Xuân (tức Huế - TM), không ra Thăng Long, cử Nguyễn Văn Thành làm Tổng trấn miền Bắc và đổi kinh thành Thăng Long làm trấn thành miền Bắc. Kinh thành đã chuyến làm trấn thành thì tên Thăng Long cũng cần phải đổi. Nhưng vì tên Thăng Long đã có từ lâu đời, quen dùng trong nhân dân toàn quốc, nên Gia Long thấy không tiện bỏ đi ngay mà vẫn giữ tên Thăng Long, nhưng đổi chữ "Long" là Rồng thành chữ "Long" là Thịnh vượng, lấy cớ rằng rồng là tượng trưng cho nhà vua, nay vua không ở đây thì không được dùng chữ "Long" là "rồng" (Trần Huy Liệu (chủ biên). Lịch sử thủ đô Hà Nội, H. 1960, tr 81). Việc thay đổi nói trên xảy ra năm 1805, sau đó vua Gia Long còn hạ lệnh phá bỏ hoàng thành cũ, vì vua không đóng đô ở Thăng Long, mà hoàng thành Thăng Long lại lớn rộng quá. Hà Nội: Sách Lịch sử thủ đô Hà Nội cho biết: "Năm 1831, vua Minh Mạng đem kinh thành Thăng Long cũ hợp với mấy phủ huyện xung quanh như huyện Từ Liêm, phủ ứng Hoà, phủ Lý Nhân và phủ Thường Tín lập thành tỉnh Hà Nội, lấy khu vực kinh thành Thăng Long cũ làm tỉnh lỵ của Hà Nội". (Trần Huy Liệu (chủ biên). Lịch sử thủ đô Hà Nội. H. 1960, tr 82). TÊN KHÔNG CHÍNH QUY: Là những tên trong văn thơ, ca dao, khẩu ngữ... dùng để chỉ thành Thăng Long - Hà Nội: Trường An (Tràng An): Vốn là tên Kinh đô của hai triều đại phong kiến thịnh trị vào bậc nhất của nước Trung Quốc: Tiền Hán (206 tr CN - 8 sau CN) và Đường (618 - 907). Do đó, được các nhà nho Việt Nam xưa sử dụng như một danh từ chung chỉ kinh đô. Từ đó cũng được người bình dân sử dụng nhiều trong ca dao, tục ngữ chỉ kinh đô Thăng Long. Thí dụ: Chẳng thơm cũng thể hoa nhài Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An Rõ ràng chữ Trường An ở đây là để chỉ kinh đô Thăng Long. Phượng Thành (Phụng Thành): Vào đầu thế kỷ XVI, ông Trạng Nguyễn Giản Thanh người Bắc Ninh có bài phú Nôm rất nổi tiếng: PHƯỢNG THÀNH XUÂN SẮC PHÚ (Tả cảnh sắc mùa xuân ở thành Phượng). Nội dung của bài phú trên là tả cảnh mùa xuân của Thăng Long đời Lê. Phụng thành hay Phượng thành được dùng trong văn học Việt Nam để chỉ thành Thăng Long. Long Biên: Vốn là nơi quan lại nhà Hán, Nguỵ, Tấn, Nam Bắc triều (thế kỷ III, IV, V và VI) đóng trị sở của Giao Châu (tên nước Việt Nam thời đó). Sau đó, đôi khi cũng được dùng trong thơ văn để chỉ Thăng Long - Hà Nội. Sách Quốc triều đăng khoa lục có đoạn chép về tiểu sử Tam nguyên Trần Bích San (1838 - 1877); ghi lại bài thơ của vua Tự Đức viếng ông, có hai câu đầu như sau Long Biên tài hướng Phượng thành hồi Triệu đối do hi, vĩnh biệt thôi! :Dịch nghĩa: Nhớ người vừa tự thành Long Biên về tới Phượng Thành. Trẫm còn đang hy vọng triệu ngươi và triều bàn đối, bỗng vĩnh biệt ngay. Thành Long Biên ở đây, vua Tự Đức dùng để chỉ Hà Nội, bởi vì bấy giờ Trần Bích San đang lĩnh chức Tuần phủ Hà Nội. Năm 1877 vua Tự Đức triệu ông về kinh đô Huế để sung chức sứ thần qua nước Pháp, chưa kịp đi thì mất. Long Thành: Là tên viết tắt của Kinh thành Thăng Long. Nhà thơ thời Tây Sơn Ngô Ngọc Du, quê ở Hải Dương, từ nhỏ theo ông nội lên Thăng Long mở trường dạy học và làm thuốc. Ngô Ngọc Du là người được chứng kiến trận đại thắng quân Thanh ở Đống Đa - Ngọc Hồi của vua Quang Trung. Sau chiến thắng xuân Kỷ Dậu (1789), Ngô Ngọc Du có viết bài Long thành quang phục kỷ thực (Ghi chép việc khôi phục Long thành). Hà Thành: Là tên viết tắt của thành phố Hà Nội được dùng nhiều trong thơ ca để chỉ Hà Nội. Thí dụ như bài Hà Thành chính khí ca của Nguyễn Văn Giai, bài Hà Thành thất thủ, tổng vịnh (khuyết danh), Hà Thành hiểu vọng của Ba Giai?... Hoàng Diệu: Ngay sau Cách mạng tháng Tám - 1945, đôi khi trong các báo chí của Việt Nam sử dụng tên này để chỉ Hà Nội. Ngoài ra, trong cách nói dân gian, còn nhiều từ được dùng để chỉ Thăng Long - Hà Nội như: Kẻ Chợ (Khéo tay hay nghề đất lề Kẻ Chợ - Khôn khéo thợ thầy Kẻ Chợ), Thượng Kinh, tên này để nói đất kinh đô ở trên mọi nơi khác trong nước, dùng để chỉ kinh đô Thăng Long (Chẳng thơm cũng thể hoa nhài, Chẳng lịch cũng thể con người Thượng Kinh). Kinh Kỳ, tên này nói đất có kinh đô đóng (Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì phố Hiến). Và đôi khi chỉ dùng một từ kinh như "Ăn Bắc, mặc Kinh". Bắc đây chỉ vùng Kinh Bắc (Bắc Ninh), Kinh chỉ kinh đô Thăng Long. Loại tên "không chính quy" của Thăng Long - Hà Nội còn nhiều được sử dụng khá linh hoạt trong văn học, ca dao... kể ra đây không hết được./. Tường Minh (Tạp chí Xưa và Nay[):D(]