Với xu thế tiến bộ ngày nay, người học - đối tượng được hưởng dịch vụ đào tạo - cần phải có tiếng nói của mình trong hoạt động đào tạo, cho nên trò được đánh giá Thầy là điều hợp đạo lý.
Hơn nữa việc tạo ra môi trường học tập dân chủ sẽ khiến cho người học thêm tự tin và có ý thức trách nhiệm hơn với bản thân mình, từ đó tạo thuận lợi cho người Thầy trong công việc giảng dạy.
Điều đó cũng giúp ích thiết thực cho Thầy không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả giảng dạy. Lợi ích thiết thực này không chỉ được chứng minh ở nước ngoài mà ở Việt Nam đã thực hiện việc trò đánh giá Thầy có kết quả tốt.
Bài viết trên đây nêu một ví dụ cụ thể của Trường Cao đẳng thực hành FPT đã thực hiện tốt việc cho trò đánh giá Thầy theo một số tiêu chí cần thiết nhằm bảo đảm quyền lợi của người học. Công việc này đã được tiến hành bình thường và được cả Thầy lẫn trò hoan nghênh, tạo điều kiện nâng cao chất lượng và hiệu quả của công việc dạy và học trong nhà trường.
Thiết nghĩ, một trường cao đẳng có quy mô không lớn, thời gian thành lập chưa lâu mà làm tốt việc này thì không có li gì những trường đại học có quy mô lớn hơn nhiều và có bề dầy truyền thống lại chưa thực hiện công việc cho trò đánh giá Thầy, một kênh thông tin cần coi trọng trong quá trình không ngừng phấn đấu nâng cao chất lượng đào tạo.
Đương nhiên, muốn thu được kết quả tốt vẫn cần có sự chuẩn bị chu đáo để bảo đảm tính khoa học trong việc xác định các tiêu chí đánh giá cũng như tính khách quan, trung thực trong xử lý thông tin đánh giá; góp phần tăng cường mối quan hệ Thầy – Trò vì mực tiêu chung là nâng cao chất lượng dạy và học.