Phòng và chữa bệnh bạo lực học sinh như thế nào?

tun cua di
tun cua di
Trả lời 13 năm trước

Trong thời gian gần đây việc học sinh đánh nhau, bạo lực học đường nổi cộm lên gây không ít bức xúc và xôn xao dư luận, đặc biệt hơn trong đó chủ yếu là sự tham gia của các nữ học sinh.

Với các nữ sinh này có thể xem như là các “nữ võ sĩ” với những “trận chiến” đồng đội không cân sức không khác gì “phim chưởng hongkong” là những hình ảnh phản cảm nhất trên các trang báo.

Xưa nay truyền thống của người Á đông là phụ nữ thì phải “Công, Dung, Ngôn, Hạnh” nhưng đối với các học sinh này thì dường như đó là điều quá “cổ hủ” và quá “xa xưa”.

Vấn đề mà được đặt ra ở đây là hệ thống giáo dục của chúng ta bao gồm: Gia đình, Nhà trường, Xã hội nên phải làm gì trước những sự việc được coi là phi đạo đức như thế này. Cái bệnh bạo lực nó cũng giống như bệnh tật khác trên cơ thể con người vậy, để hạn chế tối đa sự nguy hiểm thì phải “phòng bệnh” thật tốt, đến khi phòng không được nếu bệnh xẩy ra thì phải “chữa bệnh” một cách tốt nhất và hiệu quả nhất.

Nhưng “phòng bệnh” và “chữa bệnh” như thế nào là hiệu quả? Đó là câu hỏi mà ai trong chúng ta cần phải giải quyết?

Chắc chắn rằng muốn “phòng bệnh” tốt thì phải tìm ra nguyên nhân và tìm “vacxin” phù hợp cho nó. Vậy “vacxin” của bệnh bạo lực nằm ở đâu? Đó là:

Gia đình: Bố, Mẹ đã hướng con cái đến giá trị nhân văn? Giá trị đạo đức hay chưa? Những chuẩn mực như: “Cha từ, Con hiếu, Anh lành, Em để, Chồng có nghĩa, Vợ vâng lời, Trưởng có ân, Ấu ngoan ngoãn” dường như đã quá xa xôi trong cách giáo dục con cái hiện nay. Gia đình đã có những biện pháp răn đe con cái đúng mực hay chưa? Hay là “Cha dạy con bằng bạo lực, thì con dạy người khác cũng bằng bạo lực” “Phim hành động của Mỹ thì xem nhiều hơn phim truyền thống Việt Nam ... Gia đình đã làm gì để con cái biết đạo đức là như thế nào? Thế nào là hay? Thế nào là xấu? …Nói tóm lại gia đình là cái nôi đầu tiên hình thành nhân cách con người và nhân cách của con người ảnh hưởng lớn từ cách giáo dục của gia đình.

Nhà trường: Vấn đề được đặt ra ở đây là nhân cách và tư cách Thầy Cô giáo đã “chuẩn mực” hay chưa? Các môn học như văn học hay đạo đức được giảng dạy như thế nào? Đã tạo ra được đam mê cho học sinh hay chưa? Học sinh đã hiểu hết giá trị của môn học hay chưa? Vấn đề ở đây là “học thuộc chưa hẳn đã quan trọng, quan trọng là học và hiểu như thế nào mới là quan trọng” bên cạnh đó là nội quy kỷ luật nhà trường được thực hiện như thế nào? Đã nghiêm minh hay chưa?

Xã hội: Quy chuẩn xã hội đang thay đổi bất cứ nơi đâu và bất cứ lúc nào, trắng đen lẫn lộn, thật giả ngang bằng, chuyện tham ô, tham nhũng được đưa tin thường xuyên trên các mặt báo, nhiều người hèn và người thật thà bị chèn ép thua thiệt, văn hóa phẩm đồ trụy thì tung hoành, như vậy hỏi làm sao thế hệ trẻ tiếp xúc với những thông tin này sao mà không suy thoái đạo đức? Thật là đáng buồn!

Còn “chữa bệnh” như thế nào? Người xưa vẫn có câu “thuốc đắng thì giã tật” “kỷ luật là sức mạnh” nên chăng:

Nhà trường nên có cách quản lý học sinh cứng rắn hơn, là học sinh không chỉ vi phạm trong cổng trường mới được nhà trường chịu trách nhiệm và xử lý mà phải có trách nhiệm trong toàn bộ thời gian mà học sinh đang đi học trong ngôi trường đó về vấn đề đạo đức, phải có các thang kỷ luật được quy định rõ ràng, như thế nào thì khiển trách? Như thế nào thì nộp phạt? Như thế nào thì đuổi học? Sau đó công khai cho phụ huynh và học sinh biết để mà tránh.

Các cơ quan chức năng? Nên chăng các cơ quan như công an, khu phố, cần mạnh mẽ trong vấn đề trấn át, xử phạt và giáo dục hoàn lương, đối với những học sinh này cần cứng rắn để làm gương cho người khác…

Đối với gia đình sau khi con có lỗi thì phải có động thái như thế nào? Thay vì tư tưởng “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” lại theo tư tưởng “con dại cái mang” rồi lo chạy vạy, lo lót cho qua chuyện, cần phải hiểu rằng đối với “bọn trẻ” nếu không nghiêm thì nó đã làm được một lần thì rất có thể sẽ tái diễn lần hai.

Có lẽ rằng tôi không phải là một chuyên gia tâm lý, càng không phải là một nhà nghiên cứu xã hội, nên tôi chỉ có thể đặt ra những câu hỏi này, nhưng tôi không phải là người trả lời, câu trả lời xin để cho các nhà quản lý, và các ban ngành liên quan. Mong rằng xã hội chúng ta ngày một phát triển, không chỉ có công bằng và dân chủ mà còn có văn minh và lịch sự nữa, vì thế mà trường học nào cũng lấy câu khẩu hiệu răn học sinh là “Tiên học lễ - Hậu học văn”