Phố mùa đông
Trả lời 15 năm trước
Môn ngữ văn là một trong những môn học chính và quan trọng trong trường phổ thông. Trong thời điểm này, các em HS lớp 12 chuẩn bị cho những kì thi cam go (thi tốt nghiệp và ĐH, CĐ) sắp tới. Với kinh nghiệm nhiều năm đứng trên bục giảng, tôi xin chỉ ra những sai sót mà các em thường mắc phải khi làm bài thi môn văn.
[b]1. Những lỗi thông thường[/b]
- Lỗi về chính tả: thông thường, khi thực hiện bài làm văn, các em HS vẫn còn mắc phải những lỗi về chính tả. Chẳng hạn, “nỗi niềm” ghi là “nổi niềm” hoặc “lãng mạn” thì các em ghi là “lãng mạng”… Nguyên nhân của những sai phạm trên trước hết là do thói quen phát âm tiếng địa phương không chuẩn, nên khi viết các em cũng viết từ ngữ giống như khi nói. Hơn nữa, việc sai sót này thường rơi vào những HS không có thói quen đọc sách, báo; ít tiếp cận với những văn bản dài, nhiều chữ nên khả năng sử dụng ngôn ngữ cũng như vốn ngôn ngữ bị hạn chế.
- Lỗi về diễn đạt: bao gồm cả lỗi dùng từ và lỗi viết câu.
Trong quá trình làm văn, các em thường viết những câu văn lủng củng hoặc dài dòng, tối nghĩa; những câu không chắt lọc từ ngữ; sử dụng những từ chỉ dùng trong ngôn ngữ sinh hoạt… và cách sắp xếp các câu trong đoạn cũng lộn xộn, không logic… Những lỗi về diễn đạt mà các em mắc phải nhìn chung là do không nắm vững cấu trúc ngữ pháp. Cụ thể là không phân định rõ thành phần câu, viết câu thiếu thành phần và do thói quen nghĩ thế nào viết ra như thế ấy. Ví dụ khi giới thiệu tác phẩm Người lái đò sông Đà của tác giả Nguyễn Tuân, có HS viết như sau: “Tác phẩm Người lái đò sông Đà tác giả Nguyễn Tuân đã viết về thành quả của chuyến đi thực tế gian khổ đến vùng Tây Bắc xa xôi hẻo lánh thì thiệt là hay…”. Phải sửa lại là “Tác phẩm Người lái đò sông Đà chính là thành quả của tác giả Nguyễn Tuân trong chuyến đi thực tế gian khổ đến vùng Tây Bắc xa xôi. Đây là một tác phẩm hay…”. Nguyên nhân sâu xa của những lỗi về diễn đạt, như đã nói ở trên, là do các em ít tiếp cận với sách, báo nên vốn ngôn ngữ nghèo nàn, không có khả năng viết những câu văn phức hợp, nhiều ý. Hơn nữa, các em thường ngại viết văn. Trong lớp, các em thường phải ghi lại nhiều nội dung bài học nhưng khi giáo viên yêu cầu viết, đặc biệt là luyện tập viết văn, thì các em, một là thoái thác không làm hoặc nếu bị ép buộc cũng chỉ làm chiếu lệ, thiếu sự cố gắng, đầu tư. Hai đến ba bài kiểm tra làm văn với điểm hệ số 2 trong một học kì đối với các em là sự bắt buộc, không thể không làm. Hiếm có HS cho đó là cơ hội để trải nghiệm, để thực hành viết văn. Tất cả những điều trên chính là những hạn chế lớn khiến các em cảm thấy khó khăn, thậm chí là cực hình khi phải thực hiện bài làm văn.
[b]2. Những lỗi nghiêm trọng[/b]
Khi làm văn, bên cạnh những lỗi thường gặp HS cũng dễ mắc những lỗi có thể coi là nghiêm trọng dẫn đến xa đề, lạc đề mà tệ hại hơn là “hỏng” cả bài văn. Đó là những lỗi về:
- Không xác định đúng yêu cầu của đề: khi đọc văn bản văn học là HS tiếp nhận những nội dung kiến thức về tác phẩm. Nhưng khi làm văn, mỗi em là một chủ thể sáng tạo. Chính bản thân mỗi em phải trình bày những cảm nhận của mình một cách chủ quan. Và mỗi tác phẩm văn học thường có nhiều dạng đề với những yêu cầu phong phú, phức tạp. Vì thế, khi tiếp cận một đề làm văn, việc đầu tiên HS phải làm là đọc thật kỹ để xác định cho đúng yêu cầu của đề. Tuy nhiên, do vội vàng, bộp chộp hoặc chưa nắm rõ kỹ năng làm văn nên một bộ phận HS dễ rơi vào lỗi không xác định đúng yêu cầu của đề. Việc không xác định đúng yêu cầu của đề cũng sẽ dẫn đến việc các em HS này thường không nêu giới hạn yêu cầu đề khi viết mở bài. Ví dụ: đề bài yêu cầu phân tích hình tượng con sông Đà trong tác phẩm Người lái đò sông Đà thì chỉ là phân tích một khía cạnh của tác phẩm. nhưng khi viết mở bài các em lại không nêu rõ là phân tích một khía cạnh mà giới thiệu cả tác phẩm. Làm như thế đã là không đúng về hình thức. Nghiêm trọng hơn là các em dễ lan man, lạc đề vì có thể rơi vào phân tích luôn cả tác phẩm.
Khi giới thiệu tác phẩm Người lái đò sông Đà của tác giả Nguyễn Tuân, có HS viết như sau: “Tác phẩm Người lái đò sông Đà tác giả Nguyễn Tuân đã viết về thành quả của chuyến đi thực tế gian khổ đến vùng Tây Bắc xa xôi hẻo lánh thì thiệt là hay…”. Phải sửa lại là tác phẩm Người lái đò sông Đà chính là thành quả của tác giả Nguyễn Tuân trong chuyến đi thực tế gian khổ đến vùng Tây Bắc xa xôi. Đây là một tác phẩm hay…”.
- Không lập dàn ý: khi một người muốn xây một căn nhà, việc đầu tiên người ấy cần làm là suy nghĩ về bản vẽ thiết kế căn nhà. Bản thiết kế đó chính là hình ảnh căn nhà mà người ấy mong muốn có được trong tương lai. Cũng từ bản thiết kế đó mà người kỹ sư xây dựng sẽ cung cấp cho chủ nhân căn nhà biết được những dự trù cơ bản về nguyên vật liệu, thời hạn thi công… HS khi làm bài làm văn cũng như người chủ muốn xây căn nhà kia. Tuy nhiên, HS vừa là kiến trúc sư thiết kế cấu trúc vừa là kỹ sư hoạch định, tính toán nguyên vật liệu, thời gian đồng thời cũng là thợ xây nhà. Hãy tưởng tượng hậu quả sẽ như thế nào nếu HS làm văn mà không lập dàn ý, không xác định rõ bố cục bài làm! Điều đó cũng đồng nghĩa với việc người thợ xây nhà mà không có bản vẽ thiết kế. Anh ta sẽ lúng túng, thậm chí không làm được vì không biết mình phải làm gì. Biết là quan trọng như thế nhưng phần lớn HS vẫn không tuân thủ thực hiện bước lập dàn ý khi làm văn. Kết quả là dễ rơi vào những lỗi như thiếu ý, lặp ý, bố cục không rõ ràng, đề yêu cầu một đằng lại làm một nẻo…
Khi tiếp cận một đề văn, việc đầu tiên HS phải làm là đọc thật kỹ để xác định cho đúng yêu cầu của đề. Tuy nhiên, do vội vàng, bộp chộp hoặc chưa nắm rõ kỹ năng làm văn nên một bộ phận HS dễ rơi vào lỗi không xác định đúng yêu cầu của đề.
- Biện pháp khắc phục: tất cả những lỗi nêu trên sẽ không khó khắc phục nếu HS biết chăm chút đầu tư cho môn ngữ văn. Vì thế, tôi muốn nhắn nhủ các em rằng “văn học là nhân học” - học văn là học làm người. Quan trọng hơn, nếu xét về mặt công việc thì lĩnh vực nào cũng yêu cầu chúng ta phải biết tư duy, suy luận, trình bày điều gì cũng phải rành mạch, khúc chiết; nói năng giao tiếp phải rõ ràng, chừng mực và thể hiện tính văn hóa… Cho nên, để không vướng vào những lỗi khi làm văn, trước hết mỗi HS phải yêu thích môn văn. Và nếu không thì cũng đầu tư đúng mực bởi đó là một môn học quan trọng. Nếu các em chịu khó đọc, suy nghĩ, nắm vững những kiến thức cơ bản về tác phẩm thì sẽ làm tốt bài thi môn văn. Hơn nữa, phải luôn nhớ đọc kỹ đề bài và lập cho được dàn ý. Đồng thời cũng phải không ngừng luyện tập kỹ năng viết văn, làm văn.
[right]Cẩm Hương (GV Trường THPT Nguyễn Trãi)[/right]