Tuyển sinh 2008: Thí sinh có mấy nguyện vọng?

[:-/]
vietnam
vietnam
Trả lời 16 năm trước
Mỗi thí sinh sẽ tăng được cơ hội trúng tuyển của mình thông qua các nguyện vọng (NV) mà thí sinh đăng ký. Tuyển sinh theo phương án 3 chung bắt đầu được áp dụng từ năm 2002 với ý nghĩa các ngành, các trường cùng khối sẽ thi chung trong một đợt, dùng chung một đề thi cho từng khối thi, từ đó có một điểm lợi lớn cho thí sinh là các trường đại học (ĐH), và năm nay là cả cao đẳng (CĐ), có thể dùng chung kết quả thi để xét tuyển. Điều chỉnh qua từng năm Trong năm thi chung đầu tiên, đúng là mỗi thí sinh có 3 NV. Ba NV này được gọi là các NV "cứng", vì cả 3 NV được ghi đầy đủ trên hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) của mỗi thí sinh. Sau khi các trường xét tuyển thí sinh trúng tuyển theo NV1, những thí sinh nào không trúng tuyển sẽ được chuyển danh sách đến trường mà thí sinh đăng ký NV2, nếu tiếp tục không trúng tuyển thì trường NV2 sẽ chuyển tiếp cho trường NV3. Theo cách này, thí sinh sẽ ngồi yên một chỗ chờ các trường "di chuyển" hồ sơ dữ liệu cho nhau. Nhưng thực tế cho thấy cách làm này không ổn về mặt kỹ thuật nên việc xét tuyển NV2, NV3 rất khó khăn và không hiệu quả. Đến kỳ tuyển sinh 2003, việc đăng ký các NV được thực hiện theo phương án "2 cứng 1 mềm", nghĩa là trên hồ sơ ĐKDT chỉ còn ghi được 2 NV, còn NV3 sẽ do thí sinh "tự lo" nếu NV1 và NV2 đều không xét trúng tuyển được. Tuy nhiên, xem ra cách bắt các trường ĐH và thí sinh cùng "di chuyển" cũng chưa ổn, nên từ năm 2004 mỗi thí sinh chỉ còn được ghi một NV trên hồ sơ ĐKDT (đây là NV1). Theo phương án "1 cứng 2 mềm" như vậy thì chỉ còn thí sinh phải "di chuyển" sau khi có các thông báo xét tuyển. Tình hình thực tế từ năm 2004 xem ra khá ổn, tạo được độ linh động và có lợi cho thí sinh nên vẫn được tiếp tục áp dụng cho kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ 2008. Năm 2008 thủ tục thế nào? Nhiều thí sinh rất mơ hồ về việc xét tuyển các NV. Hệ quả là hằng năm vẫn có không ít các thí sinh có điểm thi khá cao nhưng lại không trúng tuyển được vào trường nào. Do vậy, việc nhắc lại ý nghĩa và cách thức đăng ký các NV là điều hết sức cần thiết. Trong kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ 2008, mỗi thí sinh chỉ có thể ghi một NV của mình (và đó là NV1) vào mục 2 của hồ sơ ĐKDT, nếu trường mà thí sinh muốn theo học có tổ chức thi. Thí sinh cần lưu ý là mục 3 của hồ sơ ĐKDT không phải là nơi ghi NV2 (nhiều thí sinh thường nghĩ lầm như vậy). Riêng thí sinh có NV1 học tại các trường ĐH, CĐ không tổ chức thi tuyển sinh hoặc hệ CĐ của trường ĐH, phải khai hồ sơ như sau: - Mục 2: Ghi tên trường, ký hiệu trường và khối thi của trường mà thí sinh "dự thi nhờ" (không ghi mã ngành). - Mục 3: Ghi tên trường, ký hiệu trường, khối thi và mã ngành của trường không tổ chức thi hoặc của hệ CĐ của trường ĐH mà thí sinh có nguyện vọng học (NV1). Sau khi có kết quả thi, mỗi thí sinh có thể rơi vào một trong ba tình huống sau: - Tình huống thứ nhất, tốt đẹp nhất, đó là thí sinh trúng tuyển theo NV1. Những thí sinh này sẽ nhận được một giấy báo trúng tuyển và không thể tham gia xét tuyển NV2, NV3 được (vì không có giấy chứng nhận kết quả thi, tức là giấy báo điểm). Như vậy những thí sinh này chỉ còn phải chuẩn bị các hồ sơ cần thiết để chờ ngày đến trường làm thủ tục nhập học. - Tình huống thứ hai, bi đát hơn, đó là thí sinh không trúng tuyển NV1, đã thế, điểm thi lại còn thấp hơn điểm sàn CĐ được quy định hằng năm cho từng khối thi. Trong trường hợp này, thí sinh được cấp một giấy chứng nhận kết quả thi, nhưng cũng không thể tham gia xét tuyển NV2, NV3 vào các trường ĐH-CĐ được mà chỉ có thể đăng ký xét tuyển (nếu có thông báo) vào những trường không bị ràng buộc bởi điểm sàn, ví dụ như một số các trường trung cấp chuyên nghiệp, một số trường nghề... - Tình huống thứ ba, thí sinh không trúng tuyển theo NV1, nhưng điểm thi còn cao hơn điểm sàn CĐ đã được quy định cho khối thi. Trong trường hợp này, mỗi thí sinh nhận được hai giấy chứng nhận kết quả thi khác nhau có đóng dấu đỏ, một giấy ghi số 1 và một giấy ghi số 2. Phía sau các giấy chứng nhận kết quả thi này có những mục để thí sinh ghi chi tiết đăng ký xét tuyển NV2 và NV3. Giấy chứng nhận kết quả thi số 1 được dùng đăng ký xét tuyển NV2 và phải được gửi theo đường bưu điện từ ngày 25.8.2008 đến hết ngày 10.9.2008. Kết quả xét tuyển NV2 sẽ được công bố trước ngày 15.9.2008. Giấy chứng nhận kết quả thi số 2 được dùng để đăng ký xét tuyển NV3, được gửi theo đường bưu điện trong khoảng thời gian từ 15.9 đến 30.9.2008. Kết quả xét tuyển NV3 sẽ được công bố trước ngày 5.10.2008. Như vậy có thể tóm tắt các điều kiện để được xét tuyển NV2, NV3 như sau: - Thứ nhất: thí sinh phải rớt NV1 (chắc chắn không ai muốn điều này) - Thứ hai: chỉ được đăng ký xét tuyển NV2, NV3 khi điểm thi trên điểm sàn ĐH-CĐ vào những ngành, những trường có cùng khối thi với NV1, - Thứ ba: những ngành (trường) mà thí sinh đăng ký xét tuyển NV2, NV3 phải có thông báo xét tuyển NV2, NV3. Phải nhấn mạnh điều này vì có nhiều ngành điểm chuẩn khá cao và sẽ không xét tuyển NV2, NV3. Những ngành, trường có thông báo xét tuyển NV2, NV3 thường là những trường không tự tổ chức tuyển sinh, hoặc có tổ chức tuyển sinh nhưng tuyển không đủ chỉ tiêu. Chuyện xét tuyển các NV những năm qua Từ nhiều năm qua, tỷ lệ thí sinh trúng tuyển theo các NV1, NV2 và NV3 tương đối ổn định và không thay đổi. Tính bình quân trên quy mô cả nước, số thí sinh trúng tuyển theo NV1 hằng năm thường chiếm khoảng 60 - 80% tổng số thí sinh trúng tuyển, còn lại là trúng tuyển theo NV2 (khoảng 25 - 30%) và NV3 (khoảng 5 - 10%). Cụ thể, trong năm 2007 vừa qua, số thí sinh trúng tuyển theo NV1 chiếm 63,5%, NV2 chiếm 31% và theo NV3 chiếm 5,5% chỉ tiêu. Những con số này có ý nghĩa hết sức quan trọng mà mỗi thí sinh phải nhận thức được, đó là cơ may trúng tuyển theo NV2, NV3 thấp dần đi rất nhiều. Ngoài một số ngành, một số trường đã dành toàn bộ chỉ tiêu cho NV1 do điểm chuẩn đã quá cao, như trên ta đã thấy số chỉ tiêu dành cho NV2, NV3 chỉ chiếm khoảng 20 - 30%. Hơn nữa, chỉ có các thí sinh trên điểm sàn quy định mới được tham gia xét tuyển NV2, NV3 nên sự cạnh tranh càng gay gắt hơn. Chưa kể một chi tiết khác là một số thí sinh đã trúng tuyển NV1 ở một đợt thi này lại tiếp tục tham gia xét tuyển NV2, NV3 khi có điều kiện ở một đợt thi khác, gây nên cơn sốt ảo, nhất là ở NV3. Chúng tôi muốn vẽ nên một bức tranh tổng quát như thế với mong muốn thí sinh hiểu rằng: trúng tuyển theo NV1 là quyết tâm mà thí sinh phải tự mình nêu được ngay từ đầu để từ đó cân nhắc suy nghĩ thật kỹ trước khi chọn ngành để thi và ghi vào hồ sơ ĐKDT ĐH-CĐ 2008. Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa (Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, thành viên Ban chỉ đạo thi - tuyển sinh ĐH - CĐ 2008)