Kien Thu
Trả lời 9 năm trước
Trước dư luận về một số nội dung liên quan đến việc thương hiệu nào sẽ trở thành thương hiệu vàng miếng quốc gia và việc xử lý các loại vàng miếng bị cong, vênh, chiều ngày 4/7/2012, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.
Theo Phó Thống đốc Lê Minh Hưng, kể từ ngày Nghị định 24 của Chính phủ có hiệu lực thi hành, tất cả các giấy phép sản xuất vàng miếng đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép trước đây, kể cả giấy phép đã cấp cho SJC hết hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, thương hiệu vàng miếng SJC là thương hiệu có bề dày về uy tín, chất lượng và đã được thị trường chấp nhận.
Bên cạnh đó, SJC cũng chiếm một thị phần chủ yếu trên thị trường vàng miếng ở nước ta. Vì vậy, để tiết kiệm các chi phí cho Nhà nước, cho xã hội cũng như để tránh những xáo trộn trong hoạt động và sản xuất, kinh doanh vàng miếng, Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo Chính phủ và thống nhất với UBND TPHCM quyết định lựa chọn thương hiệu vàng miếng SJC là thương hiệu vàng miếng của Nhà nước.
"Kể từ ngày này, chính bản thân công ty SJC cũng không được phép tiến hành các hoạt động sản xuất vàng miếng. Công ty SJC vẫn tiếp tục thực hiện các hoạt động kinh doanh bình thường, ngoại trừ việc sản xuất vàng miếng. Vì hiện nay, hoạt động sản xuất vàng miếng là do Nhà nước độc quyền tổ chức và thực hiện", Thống đốc khẳng định.
Phó Thống đốc cho biết thêm, khi Nhà nước đã lựa chọn vàng miếng SJC là thương hiệu vàng miếng của Nhà nước thì tất cả các loại vàng miếng SJC hợp pháp, hợp lệ nhưng trong quá trình lưu thông có những biểu hiện không đảm bảo đủ tiêu chuẩn, ví dụ như bị móp méo, cong vênh, biến dạng thì Ngân hàng Nhà nước, với tư cách là cơ quan được giao nhiệm vụ độc quyền sản xuất vàng miếng sẽ tiến hành các hoạt động cho phép việc gia công lại các loại vàng miếng trên để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các tổ chức, cá nhân đang nắm giữ các loại vàng miếng thương hiệu SJC không đủ tiêu chuẩn lưu thông.