Nợ của doanh nghiệp cổ phần hóa: xử lý như thế nào?

Trả lời 16 năm trước
Tình trạng các DN đang là con nợ chưa có hướng giải quyết trong quá trình thực hiện cổ phần hóa (CPH) và cả các DN sau khi CPH vẫn còn ôm những món nợ do việc chuyển đổi không xác định rõ trách nhiệm người phải trả đang là nỗi lo cho các cơ quan quản lý, các chủ nợ - chủ yếu là các ngân hàng - và chính các DN. Việc xử lý tình trạng này vẫn đang có nhiều ý kiến chưa đồng nhất. Quy định chưa chặt chẽ? Tình trạng một số DN sau khi CPH vẫn còn dây dưa về tài chính, phát hiện còn nợ thuế từ trước khi CPH đã gây lúng túng cho các cơ quan quản lý. Vấn đề khó xử mà các cơ quan này nêu ra là những quy định việc kế thừa trách nhiệm về tài chính giữa DN nhà nước trước đây và công ty cổ phần sau này không rõ ràng. Đơn cử một ví dụ. Gần đây báo chí nêu, một công ty cổ phần mới bị cơ quan công an phát hiện việc gian lận, trốn thuế từ thời điểm DN này chưa CPH. Lúng túng trong việc xử lý, Cục Thuế Hà Tây đã có văn bản đề nghị Tổng cục Thuế hướng dẫn việc truy thu thuế và xử phạt đối với công ty cổ phần đã chuyển đổi hiện nay. Sau khi được hướng dẫn là công ty cổ phần chủ động sử dụng toàn bộ tài sản, tiền vốn đã CPH để tổ chức sản xuất, kinh doanh, kế thừa mọi quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của công ty nhà nước trước khi CPH và có các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật, Cục Thuế Hà Tây đã căn cứ theo quy định này, cùng một số hướng dẫn liên quan, để bổ sung cơ sở xác định số thuế truy thu và xử phạt vi phạm hành chính nhưng việc thực hiện vẫn gặp nhiều khó khăn. Theo các chuyên gia ngân hàng nhà nước, vấn đề này dù đã được hướng dẫn trong Nghị định 109/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 về công ty cổ phần mới đây, nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để. Trong quá trình CPH một số DN nhà nước, là đối tượng đang có các khoản nợ ngân hàng, nhưng vì lý do nào đó, những khoản nợ này không được bàn giao cho công ty cổ phần tại thời điểm CPH. Vì vậy, khi ngân hàng thực hiện thu hồi nợ gặp khó khăn vì không xác định được đối tượng cụ thể phải chịu trách nhiệm về pháp lý. Cụ thể theo các chuyên gia này, Điều 16, Nghị định 109, chỉ quy định về việc xử lý các khoản nợ đến hạn mà không đề cập đến việc xử lý các khoản nợ phải trả chưa đến hạn của DN nhà nước được CPH. Đồng thời nghị định này cũng không đưa ra các quy định về trình tự, thủ tục, quy trình trong việc xác định, đối chiếu, bàn giao các khoản nợ từ DN nhà nước được CPH sang công ty cổ phần, không có các quy định về cơ chế tham gia của các chủ nợ vào quá trình xác định, bàn giao nợ, cũng như trách nhiệm của các bên liên quan để bảo đảm tính chính xác trong việc bàn giao các khoản nợ. Các chuyên gia này cũng nêu ý kiến, tuy Điều 10, Nghị định 109, có bổ sung thêm quy định các nghĩa vụ và trách nhiệm của DN CPH được xác định bổ sung sau khi đã quyết toán, bàn giao cho công ty cổ phần không thuộc trách nhiệm của công ty cổ phần, nhưng lại không có bất cứ quy định nào xác định cơ quan, tổ chức sẽ phải chịu trách nhiệm về khoản nợ không được bàn giao này. Như vậy, quy định này có thể giúp các công ty cổ phần tránh được các rắc rối liên quan đến tranh chấp về nghĩa vụ trả nợ các khoản nợ không được bàn giao, nhưng lại gây khó cho ngân hàng vì không xác định ai sẽ phải chịu trách nhiệm trả nợ cho mình. Tuy nhiên, một số chuyên gia tài chính khác lại cho rằng, vấn đề đặt ra là DN khi chuyển đổi phải được xử lý sạch về tài chính, các khoản nợ để lành mạnh hóa về tài chính trước khi CPH, nên những quy định đó là phù hợp. Không thể để tình trạng đã CPH xong mà DN vẫn ôm những khoản nợ vô chủ từ trước khi CPH như một tiền lệ. Những khoản nợ chưa đến hạn đương nhiên là DN sau CPH phải tiếp nhận và có trách nhiệm phải trả. Xử lý tận gốc qua mua bán nợ Việc xử lý nợ của DN, nhiều chuyên gia đồng tình là cần phải xử lý tận gốc từ trước khi CPH. Tuy nhiên xử lý triệt để như thế nào thì lại là một bài toán khó đặt ra. Theo các chuyên gia giải pháp xử lý nợ - đặc biệt là những món nợ xấu của các DN trước khi chuyển đổi thông qua hệ thống các công ty mua bán nợ là giải pháp rất cần được quan tâm. Hiện tại chủ yếu các NHTM là chủ nợ lớn nhất những món nợ xấu, khó đòi của các DN nhà nước. Chính vì vậy nếu xử lý được khoản nợ này sẽ vừa giải quyết được khó khăn cho hệ thống ngân hàng vừa xử lý được nợ xấu, làm lành mạnh tài chính, đẩy nhanh tiến trình CPH các DN nhà nước. Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của DN – DATC là một DN nhà nước với hoạt động được quy định trong Quyết định số 109/2003/QĐ-TTg ngày 5/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể là các hoạt động về tiếp nhận và xử lý các khoản nợ và tài sản tồn đọng không tính vào giá trị DN nhà nước khi thực hiện sắp xếp, đổi mới và CPH DN nhà nước; mua bán và xử lý các khoản nợ của DN theo phương thức chỉ định của Thủ tướng Chính phủ và phương thức thỏa thuận theo "cơ chế thị trường", "thuận mua vừa bán" nhằm mục tiêu lành mạnh hóa tình hình tài chính của các DN trong quá trình hội nhập và phát triển. Nghị định 109 về CPH mới đây quy định DN CPH có trách nhiệm bàn giao các khoản công nợ không có khả năng thu hồi đã loại ra khỏi giá trị DN CPH cho các cơ quan liên quan. Và theo nghị định này, DATC được tiếp nhận nợ và tài sản tồn đọng đối với các DN trong đó có cả các NHTM. Hiện nay DATC đã tiến hành mua bán nợ, cơ cấu lại tài chính trước khi CPH hàng chục DN nhà nước. Trong giai đoạn này có thể nói, DATC đang có rất nhiều việc phải làm vì hiện tại vẫn có hàng ngàn DN nhà nước cần được CPH nhưng vấn đề làm sạch về tài chính, xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng luôn là rào cản lớn nhất. Trên thực tế từ bờ vực phá sản, sau khi DATC tham gia mua bán nợ và chuyển đổi thành công ty cổ phần, đã không ít công ty tổ chức đấu giá phát hành cổ phiếu và bắt đầu hoạt động ổn định, hiệu quả... Trở lại vấn đề nợ của các NHTM, theo tính toán, hiện hệ thống NHTM quốc doanh có hàng ngàn tỷ đồng nợ xấu hạch toán ngoại bảng. Theo một số chuyên gia ngân hàng, nợ đã hạch toán ngoại bảng của NHTM nhà nước cần được coi là nợ khó đòi và thuộc đối tượng phải bàn giao sang DATC. Bởi, đây phần nhiều là những khoản nợ không có khả năng thu hồi, đã được ngân hàng xử lý bằng nguồn dự phòng và nguồn vốn do Nhà nước cấp. Mặt khác, các khoản nợ này đã nằm ngoài bảng cân đối kế toán nên không ảnh hưởng tới tổng giá trị tài sản hiện tại của ngân hàng, không làm giảm số vốn Nhà nước hiện có tại ngân hàng. Nếu tính các khoản nợ này vào giá trị DN thì việc định giá sẽ phức tạp, mất thời gian, chi phí, ảnh hưởng tới tiến độ CPH của chính các NHTM. Trong các khoản nợ hạch toán ngoại bảng của ngân hàng có nhiều khoản nợ khó đòi của DN nhà nước thuộc diện chuyển đổi CPH nhưng chưa thực hiện được do tình hình tài chính yếu kém không trả được nợ. Như vậy, quy định về việc xử lý nợ của các DN làm lành mạnh tài chính trước khi chuyển đổi, trong đó có các ngân hàng thông qua công ty mua bán nợ đã có. Tuy nhiên cần làm rõ hơn quy định việc nợ hạch toán ngoại bảng của các NHTM nhà nước phải bàn giao sang DATC nhằm xử lý nợ được một cách cơ bản, góp phần đẩy nhanh tiến trình CPH, chuyển đổi sở hữu DN nhà nước. Chắc chắn khi các khoản nợ này được bàn giao theo những cơ chế rõ ràng, DATC sẽ xử lý thuận lợi, hiệu quả, hạn chế thất thoát cho Nhà nước. Việc xử lý khoản nợ này của các NHTM quốc doanh sẽ mang lại lợi ích kép cơ bản trong tiến trình CPH cho chính các ngân hàng và các DN nhà nước, bởi nhiều DN nhà nước mắc về tài chính khó chuyển đổi được sở hữu đều hầu hết là con nợ khó đòi của các NHTM quốc doanh. Kinh nghiệm phát triển cho thấy, việc xử lý nợ cần có một lộ trình trong một thời gian nhất định việc tổ chức mua bán nợ của Chính phủ đã đưa đến thành công cho cả cộng đồng DN ở nhiều quốc gia. Trong bối cảnh nợ tồn đọng của các DN nhà nước, các NHTM nhà nước của Việt Nam còn cao, tài chính DN nhà nước chưa lành mạnh do nợ xấu rất cần có cơ chế xử lý nợ một cách hoàn thiện, tổng thể từ Chính phủ. Việc xử lý tổng thể nợ của các DN nhà nước đặc biệt là đối với các NHTM quốc doanh sẽ cơ bản giải quyết được tận gốc những tồn tại về tài chính của các DN nhà nước, từ đó góp phần thúc đẩy nhanh tiến trình CPH... chuyển đổi sở hữu DN.