Khi cầm trên tay chiếc U Play màu xanh, người viết nhớ ngay đến một sản phẩm trước đó của HTC là Butterfly 2. Chiếc điện thoại này có lựa chọn màu xanh, bề mặt trông cũng bóng loáng và mặt lưng bo vát mềm mại, chỉ khác là mặt lưng bằng chất liệu nhựa không phải bằng kính như U Play. Tất nhiên, chất lượng xử lý bề mặt của U Play tốt hơn nhiều, nhìn mịn và "khôn" hơn so với Butterfly 2.
Đặc biệt, mặt lưng của U Play nhìn theo các hướng khác nhau thì màu sắc lại đổi khác. Tuy vậy, bề mặt bóng có hạn chế là dấu vân tay dễ lộ ra giống như bản đen bóng của iPhone 7/7 Plus, nhìn lem nhem chỉ sau ít phút sử dụng. Ngoài màu xanh, U Play còn có màu trắng, đen bóng và hồng xà cừ. Phần khung máy bằng kim loại cũng được bo tròn, ăn khớp với độ bo vát của mặt lưng. Thân máy dày 8mm, không phải là mỏng nhưng được thiết kế bo nên vẫn cho cảm giác thanh thoát. Toàn bộ sản phẩm chỉ có một chi tiết hơi gợn tay là phần ghép nối giữa mặt lưng khung kim loại.
Máy được tặng kèm tai nghe USonic kết nối qua cổng USB Type-C. Việc từ bỏ giắc âm thanh được coi là xu hướng ngày càng nhiều smartphone áp dụng, cho phép các nhà sản xuất chế tạo điện thoại mỏng hơn hoặc cải thiện khả năng chống nước. Nhưng hơi lạ là U Play không có cả hai điểm này. Trên chiếc U Play, HTC cũng đã đưa các phím điều hướng lên viền thay vì đặt trong màn hình như nhiều sản phẩm trước đó của hãng này.
Đây là nút dạng chạm giống như trên chiếc One A9 trước đó, chỉ cần chạm nhẹ chứ không cần ấn và rất nhạy, chạm vào là màn hình mở. Ngoài việc mở khoá điện thoại, cảm biến vân tay có thể dùng để mở khóa các ứng dụng được người dùng thiết lập mật khẩu. Nói chung, thiết kế là điểm gây ấn tượng ở U Play, tạo được sự khác lạ so với chính các sản phẩm trước đó của HTC trong khi độ hoàn thiện được làm tốt.