Đổi mạng, giữ số: Ai mừng ai lo?

nbbnbmn
nbbnbmn
Trả lời 13 năm trước

Từ những năm 2005-2006, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) xây dựng quy định về chuyển mạng giữ nguyên số di động (khách hàng có thể lựa chọn bất kỳ nhà mạng di động nào mà họ muốn hưởng ưu đãi dịch vụ, trong khi vẫn giữ được số di động hiện có của mình) và quý II/2010 đưa ra lấy ý kiến doanh nghiệp. Nếu mọi chuyện xuôn sẻ, trong năm 2011 hoặc 2012 thì sẽ thực hiện.

Từ hiện tượng “nhờn thuốc”?

Sau rất nhiều quy định như một người được sở hữu tối đa 3 SIM, cắt số điện thoại sau một thời gian không sử dụng, yêu cầu phải khai báo thông tin khi mua SIM,… của Bộ TT-TT nhằm ngăn chặn việc sử dụng quá nhiều mạng, đầu số, quá nhiều lượng SIM được tung ra thị trường nhưng lần lượt rơi vào tình trạng “nhờn thuốc”. Trên thực tế, tại bất kỳ nơi bán thẻ điện thoại nào, người dùng có thể mua được SIM của mọi nhà cung cấp tại Việt Nam mà không cần đăng ký thông tin, thậm chí – phần lớn các SIM đó đã được đăng ký sẵn thông tin và người dùng có thể sử dụng ngay và khi hết tiền rồi… vứt. Và cùng với quy định “cắt SIM” cũng không hiệu quả thì đến nay, đã có tới hơn 20 đầu số di động được cung cấp ra thị trường, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của doanh nghiệp, trong khi ấy, lượng thuê bao ảo lại quá nhiều.

Chuyển mạng giữ số có lợi ích gì?

Việc cho phép chuyển đổi qua lại giữa các nhà mạng mà vẫn giữ số sẽ giúp người dùng được đối xử nghiêm túc hơn. Tâm lý người dùng lâu năm không thể bỏ số được vì bao nhiêu liên lạc, đối tác, bạn bè đều nằm trong số di động ấy mặc dù mạng chủ đang có quá nhiều bất cập.

Không chỉ vậy, nhiều người quan niệm rằng, thời bây giờ, số điện thoại thậm chí còn quan trọng hơn số chứng minh nhân dân hay địa chỉ liên lạc và… tên tuổi của chính mình. Vài tháng trước, một anh bạn đã thử mua một SIM mới của một mạng mới và đồng loạt gửi tin nhắn cho mọi người trong danh bạ của mình nhằm thông báo đã chuyển qua số mới nhưng, sau đó, không có ai chịu gọi vào số mới mà cứ nhăm nhe gọi vào số cũ của anh.

Mạng lớn lo, mạng nhỏ mừng

Trong bối cảnh thị trường di động hiện nay, một số mạng di động lớn của Việt Nam cho rằng biện pháp này sẽ khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn và không có lợi cho khách hàng.

Một đại diện của VinaPhone chia sẻ, thời điểm hiện tại chưa phải là lúc để áp dụng chính sách này khi dịch vụ di động của Việt Nam “còn nhiều vấn đề”. Vì vậy cần có lộ trình vài năm để các mạng di động Việt Nam giải quyết vấn đề này.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng Giám đốc Viettel nhận định, hiện tại Việt Nam đang tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng và đang trong giai đoạn phát triển thuê bao mới. Vì vậy, đây chưa phải là thời điểm triển khai chính sách chuyển mạng giữ nguyên số. Nếu chính sách này thực hiện sớm quá sẽ đẩy doanh nghiệp đưa ra các chính sách ngắn hạn nhằm hạn chế sự di chuyển thuê bao của mình sang mạng khác nên không đầu tư nguồn lực cho chính sách dài hạn. Có thể thiệt hại đầu tiên do “cơn bão” này sẽ tác động tới các mạng di động trước, sau đó sẽ ảnh hưởng đến khách hàng.

Trái với luồng ý kiến lo lắng rằng chính sách trên sẽ gây ảnh hưởng đến thị trường thì đại diện các mạng nhỏ lại hoàn toàn ủng hộ chính sách. Họ cho rằng đây là cơ hội để lành mạnh hóa thị trường.

Bà Elizabete Fong, Tổng điều hành của mạng Vietnamobile tin rằng, chính sách này sẽ giúp thị trường tăng trưởng tốt hơn nhiều, và đặc biệt là các nhà mạng sẽ đầu tư nhiều hơn vào việc làm cho dịch vụ của mình tốt hơn.

Người dùng hân hoan

Trên các diễn đàn công nghệ, trước tin về việc Bộ TT-TT sẽ cho phép chuyển mạng giữ nguyên số di động, rất nhiều người đã bày tỏ quan điểm ủng hộ một cách triệt để. Theo Trường, thành viên trang quantrimang.com, thì anh và các bạn bè từ lâu đã muốn đổi sang mạng di động khác với mạng đang dùng bởi những hạn chế trong cung cách phục vụ lẫn chất lượng cung cấp nhưng không thể thực hiện được. Nếu như chính sách trên của Bộ được thực hiện thì người tiêu dùng sẽ không còn bị động gắn kết với một nhà cung cấp như hiện nay nữa. Những kiểu khuyến mãi đánh đố, tính cước nhầm lẫn cho người dùng sẽ không bao giờ xuất hiện trừ khi mạng đó muốn đóng cửa. (bổ sung ý…)

Khó đôi đường

Về lý thuyết, khi chính sách được áp dụng, thuê bao từ các mạng di động lớn sẽ ùn ùn đổ sang mạng di động nhỏ vì các mạng lớn hiện tại bị người dùng lên tiếng chê bai nhiều nhất. Điều này đồng nghĩa với việc các mạng nhỏ sẽ phải đối mặt với tình trạng thuê bao tăng lên cao đột biến, chắc chắn nếu cơ sở hạ tầng không tốt sẽ không đảm bảo được và và khi ấy uy tín kinh doanh cũng sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng.

Một cán bộ cấp cao của Bộ TT-TT cho hay, ở một vài nước, khi bắt đầu chính sách này thì có một lượng lớn thuê bao của các mạng lớn đổ về các mạng nhỏ, nhưng sau đó thì các thuê bao mạng nhỏ lại ồ ạt đổ về mạng lớn. Như vậy, vấn đề cốt lõi là mạng nhỏ có đủ tiềm lực để giữ chân khách hàng bằng cơ sở hạ tầng cũng như chất lượng dịch vụ và chăm sóc khách hàng khi thuê bao mạng lớn chuyển sang hay không.

Bên cạnh đó, để “ngăn ngừa” tình trạng người dùng ào ào “bỏ chạy” khỏi mạng của mình, chắc chắc các nhà mạng sẽ không thể “ngồi yên”. Theo quy định của các quốc gia khác trên thế giới, khi một người dùng muốn “bỏ mạng” thì phải đóng một khoản tiền nhất định cho mạng mình muốn bỏ và thường khá cao, ở Úc trung bình là 110 ngàn đồng/số, ở Nhật tùy mạng và có mạng lên tới 488 ngàn đồng/số, Đài Loan từ 280 ngàn đồng – 837 ngàn đồng/lần. Tuy thế, theo quy định quốc tế thì chính nhà mạng được người dùng chuyển đến sẽ phải đóng khoản phí này cho người tiêu dùng. Với tình hình thực tế của các nhà mạng tại Việt Nam thì điều này sẽ khó xảy ra.