Nhân lực CNTT sẽ nhiều như 'nấm sau mưa' ?

nbbnbmn
nbbnbmn
Trả lời 13 năm trước

Hàng loạt các biện pháp, đề xuất đã được bàn thảo và đi đến thống nhất thực hiện để Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT ngay từ việc phải có một nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành trong thời gian tới…

Nhân lực CNTT sẽ nhiều như 'nấm sau mưa' ?
Ảnh minh họa.

Sẽ có Hiệp hội đào tạo CNTT quốc gia

Ý tưởng thành lập hiệp hội đào tạo CNTT quốc gia đã được lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ sở đào tạo ủng hộ cao tại hội nghị với các cơ sở đào tạo CNTT về việc triển khai đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT cuối tuần vừa rồi.

Việc thành lập Hiệp hội đào tạo CNTT được đánh giá sẽ tăng cường sự liên kết và hợp tác giữa các trường, các khoa đào tạo nhân lực CNTT trên cả nước để cải thiện chất lượng nguồn nhân lực. Đây cũng là đầu mối tập hợp các kiến nghị liên quan đến việc cải thiện chất lượng đào tạo nhân lực CNTT của các trường để gửi tới chính phủ cũng như các cơ quan quản lý liên quan.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp đã khẳng định, Bộ sẽ đứng ra làm đầu mối quản lý về đào tạo nhân lực CNTT. Bộ cũng sẽ có những triển khai cụ thể để làm sao có được chính sách, cơ chế tháo gỡ khó khăn cho vấn đề đào tạo nhân lực CNTT.

Đặc biệt, sẽ sớm tổng hợp các ý kiến góp ý để kiến nghị lên chính phủ trong việc trao quyền tự chủ lớn hơn cho các trường; có chính sách tài chính hỗ trợ người dạy và người học về CNTT; thay đổi tuyển sinh đầu vào từ toán, lý và hóa sang toán, lý và Anh văn; tăng cường xã hội hóa đào tạo CNTT và sử dụng giáo trình của nước ngoài...

Tính toán của Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, trong vòng 5 năm tới, các doanh nghiệp CNTT trong nước có nhu cầu tuyển dụng trên 400 ngàn nhân lực có trình độ chuyên môn về CNTT, điện tử và viễn thông, trong đó có 217.000 người trình độ cao đẳng và đại học, và gần 200 ngàn người trình độ trung cấp.

Còn tính đến cuối năm 2009, cả nước có hơn 226.000 người làm việc trong các công ty phần mềm, phần cứng và viễn thông, trong đó phần cứng có 121.000 người, phần mềm có 64.000 người và nội dung số là 41.000 người.

Thúc đẩy chất lượng đào tạo bằng… đặt hàng

Thực tế hiện nay cho thấy, nếu doanh nghiệp tự thành lập riêng một trường đại học thì có thể phải đến năm 2016 mới bắt đầu đào tạo, tới năm 2020 mới có được khóa sinh viên đầu tiên tốt nghiệp ra trường. Thế nhưng, việc “khát” nhân lực thì đang ngày càng nhiều hơn ở các doanh nghiệp CNTT Việt.

Để tìm một hướng đi để các doanh nghiệp có được nguồn nhân lực CNTT, thực hiện thành công Đề án Nước mạnh trong thời gian sắp tới, theo ông Lê Trường Tùng – Hiệu trưởng trường Đại học FPT, điều quan trọng nhất là phải gắn kết được giữa nhu cầu thực tế của doanh nghiệp với công tác đào tạo của các trường.

Theo ông Tùng, thời gian vừa qua, tại Việt Nam đã có sự gắn kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, Tập đoàn với nhà trường để đào tạo nguồn nhân lực CNTT. Bản thân Tập đoàn FPT đã lập ra trường Đại học FPT cách đây 5 năm, rồi Tập đoàn CMC, Viettel đầu tư vào trường Đại học quốc tế Bắc Hà, gần đây nhất là Tổng công ty VTC đầu tư vào trường Đại học Văn Hiến tại TP.HCM…

Đây chính là một mô hình cần được phát huy nhân rộng trong thời gian sắp tới để các doanh nghiệp có thể tham gia một cách trực tiếp vào công tác đào tạo, để sau khi sinh viên ra trường họ có thể đáp ứng được công việc ngay tại các doanh nghiệp” - ông Tùng nói.

Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả mô hình này, hiện giờ, cũng cần phải có những biện pháp tháo gỡ về cơ chế, bởi theo quy định của Nhà nước hiện nay, việc thành lập mới một trường đại học cho riêng doanh nghiệp mất khá nhiều thời gian để lo thủ tục, hạ tầng, cơ sở, lên tới 5 năm chứ không ít.

Và nếu với tiến độ đó, ngay từ bây giờ bắt tay vào triển khai, cũng phải tới năm 2016 mô hình này mới chính thức được đi vào quy củ. Trung bình khoá học ít nhất là 4 năm cho trình độ cử nhân thì phải tới năm 2020 mới có được khóa sinh viên đầu tiên tốt nghiệp ra trường. Như vậy, cũng vừa thời gian đề án nước mạnh phải hoàn thành.Việc đóng góp trực tiếp nguồn nhân lực cho Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT sẽ không kịp” - ông Tùng phân tích.

Ông Lê Trường Tùng bày tỏ quan điểm, nên chăng có một mô hình có thể nâng cao trình độ nhân lực CNTT có thể thực hiện nhanh hơn để các doanh nghiệp có thể áp dụng được ngay đó là hợp tác trực tiếp với các doanh nghiệp. Doanh nghiệp nếu cần nhân lực liên quan đến lĩnh vực nào thì sẽ đặt hàng trực tiếp cơ sở đào tạo để mở một khoa đào tạo với các môn học, yêu cầu đặc thù, đáp ứng được các tiêu chí mà doanh nghiệp này kỳ vọng về nguồn nhân lực sẽ tuyển dụng.

Như vậy, việc thực hiện mô hình kết hợp doanh nghiệp với cơ sở đào tạo sẽ nhịp nhàng và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, để làm được việc này, rất cần đến sự hỗ trợ của chính phía cơ quan quản lý nhà nước về nhiều mặt như chính sách, cơ chế và có thể làm cả cầu nối cho doanh nghiệp và trường đào tạo.