Sự chữa trị hôi miệng tùy vào nguyên nhân ta tìm ra.
Nếu kẻ thù gây hôi miệng của ta nằm ngay trong miệng, và thường là vậy (đến 90% các trường hợp), thì vệ sinh răng miệng là cách chữa chính. Chúng ta nên đánh răng ít nhất 2 lần mỗi ngày, đồng thời làm sạch các kẽ răng bằng cách "floss" răng với giây floss ít nhất ngày 1 lần (và nhớ floss kỹ cả mặt sau của các răng hàm trong cùng). Nên đánh răng đúng kỹ thuật, để bàn chải chạm chân răng, chỗ răng và lợi giao nhau. Chúng ta cũng chú ý tới các cầu răng, nơi thức ăn hay nhét vào. Có hàm giả gỡ ra được, nên thường xuyên gỡ ra chùi rửa.
Cạo lưỡi với dụng cụ làm sạch lưỡi (plastic tongue cleaner) trước khi đi ngủ ban đêm và vào buổi sáng thức dậy giúp chứng hôi miệng giảm nhiều. Dùng các thuốc xúc miệng có tính sát trùng (antibacterial mouthwash) để xúc sâu trong cổ họng, nhất là trước lúc đi ngủ cũng tốt.
Bạn nhớ đi thăm nha sĩ mỗi năm hai lần để chà rửa răng, đồng thời để nha sĩ thăm khám xem răng lợi có chỗ nào hư hỏng cần chữa.
Ăn một thực phẩm ít thịt, nhiều rau trái, khiến người nhẹ nhõm, khiến miệng bớt hôi. Hành, tỏi, pastrami (thịt bò ướp) dễ làm hôi miệng, chớ nên dùng nhiều.
Nếu có thể, ta bỏ bớt những thuốc dùng khiến miệng khô. Nhai kẹo cao-su, loại không có đường (sugar-free gum), khoảng 5 phút lúc miệng khô và sau khi ăn (nhất là khi thưởng thức món chứa nhiều chất đạm như thịt), là cách rất tốt giúp nước miếng tiết ra nhiều, rửa sạch miệng. Uống nước cho đủ cũng làm bớt khô miệng. Thuốc lá khiến miệng hôi, ta chả nên tiếc, bỏ quách; rượu, cà phê bớt đi.
Cái miệng không có không được, thơm lúc còn thơ, nặng mùi dần khi tuổi đời chồng chất. Có người hơi thở nặng mùi không biết, nhiều người chẳng sao nhưng lúc nào cũng bị ám ảnh hơi thở mình có mùi. Với người hôi miệng thiệt, rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây hôi miệng, nhưng trong đa số các trường hợp, kẻ thù nằm ngay tại miệng. Vệ sinh răng miệng làm đầu, nếu vẫn không bớt hôi miệng, bạn nên đi khám bác sĩ, và kể bệnh tỉ mỉ, chi tiết.