Dùng thuốc kháng sinh nên tiêm hay nên uống ?

dùng thuốc kháng sinh nên tiêm hay nên uống ?
tun cua di
tun cua di
Trả lời 15 năm trước
Cùng với sự bùng nổ của khoa học kỹ thuật và theo nhu cầu ngày càng tăng trong việc điều trị các bệnh nhiễm khuẩn, người bệnh và thầy thuốc đứng trước hàng ngàn loại thuốc kháng sinh khác nhau, mỗi loại thuốc lại có nhiều dạng bào chế khác nhau để tiêm, để uống. Vậy làm thế nào để sử dụng đúng đắn, có hiệu quả mà không tốn kém và không gây hại? Trong thực tế hiện nay, chúng ta thấy cùng một tên thuốc có thể có hàng chục loại thuốc của các hãng khác nhau, lại có loại uống, loại tiêm bắp hoặc loại truyền tĩnh mạch, loại viên, bột hoặc siro để uống. Nhiều người thường nghĩ rằng tiêm tốt hơn uống nên thường đòi hỏi dùng thuốc tiêm dù biết có nhiều bất lợi hơn uống. Họ cho rằng tiêm sẽ nhanh lành bệnh hơn uống. Vậy thực ra cách dùng các loại thuốc này như thế nào? Nên tiêm hay nên uống? Thế nào là thuốc tốt? Một thuốc tốt là thuốc nhanh chóng có được nồng độ đủ để phát huy tác dụng nhanh chóng sau khi sử dụng, có thời gian tồn tại trong máu càng lâu càng tốt, để khỏi phải dùng nhiều lần trong ngày. Ngoài ra thuốc tốt là loại thuốc không gây nhiều tác dụng phụ nguy hiểm, dễ sử dụng, mùi vị dễ chịu khi uống hoặc ít đau khi tiêm và giá thành hợp lý. Những đặc điểm cần thiết của một loại thuốc kháng sinh Về dược lực học (hay tính kháng khuẩn của kháng sinh). Một loại thuốc kháng sinh dù dưới dạng bào chế nào cũng có dược tính hoặc tác dụng (hay tác dụng diệt khuẩn mong muốn) như nhau. Các dạng bào chế khác nhau là để thầy thuốc lựa chọn cho phù hợp với từng mức độ bệnh, tình trạng bệnh nhân và dễ dàng sử dụng, thuận lợi cho bệnh nhân và nhất là cho người cao tuổi và trẻ em. Về dược động học (hay thời gian phát huy tác dụng và hết tác dụng của thuốc). Khi đưa bất cứ một thứ thuốc nào vào trong cơ thể, thuốc cũng cần có một thời gian nhất định để có nồng độ cao trong máu đủ để phát huy tác dụng và sẽ bị cơ thể loại bỏ bằng các cách khác nhau ra khỏi cơ thể. Các thuốc dùng qua đường tiêm sẽ nhanh chóng có nồng độ cao trong máu và trong vùng bị bệnh, nghĩa là sẽ sớm phát huy tác dụng. Nhưng thuốc tiêm cũng nhanh chóng bị đào thải ra khỏi cơ thể. Ví dụ như tiêm ampicilin qua đường tĩnh mạch, sau 2-3 phút sẽ có nồng độ tối đa trong máu và thuốc sẽ bị loại trừ ra khỏi cơ thể sau 5 giờ nên phải tiêm ít nhất 4 lần mới chống được vi khuẩn sinh sôi nảy nở trong máu. Còn nếu tiêm bắp sẽ mất 45-60 phút để có nồng độ tối đa cần thiết và sẽ bị đào thải khỏi cơ thể sau 7-8 giờ, như vậy đòi hỏi phải tiêm bắp ít nhất 3 lần mỗi ngày mới đủ tác dụng. Ngược lại, nếu uống phải mất 2 tiếng sau mới đạt nồng độ tối đa cần thiết nhưng thuốc chỉ bị đào thải phần lớn sau khoảng 10 giờ và người bệnh chỉ cần uống 2 lần mỗi ngày cũng có thể đủ tác dụng cần thiết Khi nào nên tiêm và khi nào nên dùng đường uống Cho tới nay, nhiều người kể cả một số thầy thuốc thường cho rằng tiêm thuốc sẽ có tác dụng nhanh và mạnh hơn nên bệnh chóng khỏi. Thực ra không phải như vậy. Trong thực tế chỉ phải dùng đường tiêm bắt buộc trong một số trường hợp sau: - Bệnh nhân nôn trớ thường xuyên không thể đưa thuốc vào đường tiêu hóa được. - Bệnh nhân nhiễm khuẩn quá nặng (nhiễm khuẩn máu có choáng chẳng hạn), có rối loạn hấp thu tại đường tiêu hóa. - Cần khống chế ngay tình trạng nhiễm khuẩn tiến triển nhanh như trong nhiễm khuẩn máu do não mô cầu (đây là tình trạng rất nặng và tiến triển chớp nhoáng nhưng cũng may mắn là rất hiếm gặp). Ngoài ra trong đại đa số tình trạng khác, kháng sinh đều có thể dùng đường uống với liều lượng thích hợp sẽ có tác dụng chữa bệnh y hệt đường tiêm. Dùng đường uống còn tránh được đau đớn cho bệnh nhân nhất là trẻ em, ít có tác dụng phụ và tai biến hơn tiêm, dễ dùng và giá thành hợp lý. Hy vọng rằng qua bài này, chúng tôi có thể trả lời được câu hỏi mà nhiều người vẫn luôn quan tâm về việc dùng thuốc và các bạn có thể biết sử dụng thuốc một cách yên tâm và thuận tiện hơn cho bản thân hay người nhà bị bệnh. __________________