Điều trị mề đay như thế nào ?

Tôi hay bị dị ứng khi uống thuốc tây, khi căng thẳng hay thời tiết quá nóng bức. Tôi được hướng dẫn đến Khoa Ký sinh trùng, trường Đại học Y dược để xét nghiệm máu nhưng không tìm ra ký sinh trùng.

Tôi cũng đã đến Bệnh viện Da liễu để xét nghiệm và uống thuốc nhưng tình hình không cải thiện. Biểu hiện của tôi là da nổi mẩn đỏ, hơi ngứa, khi nổi thì da có cảm giác nóng bức khó chịu. Xin tư vấn giúp tôi phải làm gì để hết các triệu chứng khó chịu trên? (minhtruc123)

djshg
djshg
Trả lời 13 năm trước

Theo mô tả của bạn, “da nổi mẩn đỏ, hơi ngứa, khi nổi thì da có cảm giác nóng bức khó chịu… hay bị khi căng thẳng hoặc thời tiết quá nóng bức” là biểu hiện thường gặp nhất của bệnh mề đay.

Mề đay là một bệnh dị ứng với biểu hiện gồm các mảng da đỏ phù nề, có hình dạng và kích thước thay đổi, có thể nổi ở bất kỳ vùng da nào trên cơ thể. Mỗi tổn thương ở da có thời gian tồn tại kéo dài từ 8 – 12 giờ…

Có 2 dạng mề đay

1. Mề đay cấp tính: Đợt bệnh kéo dài ít hơn 6 tuần. Nguyên nhân thường là do dị ứng với thuốc hoặc thức ăn (tôm cua, đậu, trứng, dâu, cà chua, chocolate, cá, trái cây họ chanh), bị nhiễm trùng (ký sinh trùng đường ruột, nhiễm nấm, viêm xoang, sâu răng).

2. Mề đay mãn tính: Đợt bệnh kéo dài nhiều hơn 6 tuần. Nguyên nhân chưa rõ nhưng có liên quan đến nhiều yếu tố thúc đẩy bệnh như thuốc, thực phẩm, phụ gia, phấn hoa, mạt bụi nhà, lông vật nuôi, nhiễm ký sinh trùng (ghẻ, giun). Thời gian trung bình của một đợt mề đay mạn tính là 6 tháng. Trong đó 50% trường hợp sẽ hết bệnh sau 1 năm, 20% trường hợp hết bệnh sau nhiều năm.

Các thuốc uống chủ yếu để điều trị những tổn thương da. Việc phòng ngừa chủ yếu bằng cách:

• Tránh ăn các thức ăn có chứa phụ gia, phẩm màu, đậu, đồ lên men (tương, chao, mắm…), đồ biển, trứng…

• Vệ sinh môi trường sống, không nuôi chó, mèo hoặc trồng hoa, cây tươi, hút sạch bụi, diệt gián và côn trùng trong nhà.

• Dùng nước ấm, không dùng nước lạnh hoặc nóng để tắm, cố gắng giữ môi trường trong phòng ở không quá nóng, tránh nắng, mặc quần áo thoáng mát.

• Chọn các sản phẩm tắm êm dịu da tức không chứa chất xà bông hay chất tẩy rửa.

• Tránh để hơi quạt hoặc máy lạnh thổi trực tiếp vào người.

• Sổ giun định kỳ.

Các thuốc uống điều trị bao gồm nhóm thuốc kháng histamin H1 gây buồn ngủ nhưng có hiệu quả cao (chlorpheniramin, hydroxyzine, cyproheptadine..) hoặc nhóm thuốc kháng histamin H1 không gây buồn ngủ (cetirizine, fexofenadine, loratadine …); kháng histamin H2; Cromolyn, Ketotifen; Corticosteroids.

Có thể dùng theo thứ tự tăng dần:

• Từng loại kháng sinh histamin H1 riêng rẽ,

• Phối hợp hai loại kháng histamin H1 khác nhau,

• Có thể thêm kháng histamine H2, hoặc Cromolyn, Ketotifen,

• Khi tổn thương nặng gây phù nhiều ở môi, mắt, khó thở thì có thể dùng Corticosteroids.

Thời gian điều trị từ 1 – 3 tháng. Nếu bệnh không giảm sau 1 tháng thì nên đến khám tại các cơ sở chuyên khoa da liễu có uy tín để được thực hiện một số xét nghiệm tầm soát tìm các yếu tố thúc đẩy bệnh.

thanhtam
thanhtam
Trả lời 13 năm trước

Cần làm gì khi nổi mề đay?

Những hiện tượng ban đầu chính là có những vùng da sẩn đỏ, ngứa và khó chịu. Mề đay là một phản ứng viêm của da, có cơ chế phức tạp, trong đó có sự can thiệp của chất trung gian hóa học chính là histamin. Tuy là một bệnh da phổ biến, rất dễ nhận biết nhưng lại khó phát hiện nguyên nhân dù đã làm đầy đủ các xét nghiệm. Có nhiều yếu tố gây bệnh (bên trong, bên ngoài cơ thể, cơ địa) và trên một bệnh nhân, nhiều khi không chỉ có một mà gồm nhiều yếu tố cùng kết hợp.

Diễn biến bệnh

Cấp tính: xảy ra đột ngột và biến mất nhanh sau vài giờ hoặc vài ngày, hay gặp ở người trẻ và nguyên nhân thường gặp là do thức ăn hoặc thuốc.

Mãn tính: kéo dài trên 6 tuần, đa số là tự phát (vô căn), trường hợp này phải dựa vào những nghiên cứu thật công phu, tỉ mỉ mới có thể tìm được nguyên nhân. Thuốc chống dị ứng chỉ giải quyết được triệu chứng tạm thời. Muốn điều trị hiệu quả thì cái chính là phải tìm cho ra nguyên nhân, đôi khi không mấy dễ dàng.

Các dạng mề đay

Mề đay thông thường: bệnh bắt đầu đột ngột, rầm rộ ở bất kỳ vùng da nào trên cơ thể với những sẩn phù có màu hồng, đặc biệt rất ngứa và có thể hợp lại thành mảng có giới hạn rõ lan rộng khắp người. Sau vài phút hay vài giờ thì lặn mất, không để lại dấu vết. Phát ban có thể lặn ở chỗ này và nổi ở chỗ khác.

Phù mạch (còn gọi là phù Quincke): nổi ban đột ngột làm sưng to cả một vùng (mí mắt, môi, bộ phận sinh dục ngoài, niêm mạc...), cho cảm giác căng nhiều hơn ngứa, có thể kèm theo nổi mề đay. Nếu phù ở lưỡi, thanh quản, hầu sẽ gây suy hô hấp, phải xử trí cấp cứu.

Da vẽ nổi: còn gọi là mề đay giả. Nếu dùng một vật đầu tù xát nhẹ lên da, vài phút sau, trên mặt da sẽ nổi gồ lên một vệt màu hồng. Có thể đi kèm nổi mề đay.

Ngoài ra mề đay còn có những dạng khác như: sẩn nhỏ, sẩn - mụn nước hay xuất huyết.

Mề đay hay phù Quincke có thể đi kèm với những triệu chứng toàn thân như: sốt, đau khớp, rối loạn tiêu hóa, nhức đầu và nặng nhất là trụy tim mạch (sốc phản vệ) cần phải xử trí cấp cứu.

Điều trị bệnh mề đay

- Tốt nhất là loại bỏ yếu tố gây bệnh nếu biết.

- Tránh một số thức ăn, một số thuốc có thể gây dị ứng. Tránh các chất kích thích như: gia vị, rượu, trà, cà phê...

Trong cơn cấp:

- Ăn nhẹ, giảm muối.

- Trường hợp gây ngứa, khó chịu nhiều, có thể dùng giấm thanh pha trong nước ấm (1 phần giấm 2 phần nước) để thoa hay tắm.

- Tránh dùng thuốc mỡ kháng histamin (phenergan) thoa vì dễ gây viêm da dị ứng. Mỡ corticoides ít hiệu quả, có thể gây một số tác dụng phụ (nhất là khi thoa trên diện tích quá lớn).

Thuốc corticoides (uống hay tiêm) chỉ nên dùng trong điều trị mề đay cấp, nặng, kèm phù thanh quản. Một số trường hợp nổi mề đay do viêm mạch, mề đay do chèn ép không đáp ứng với các thuốc kháng histamin thông thường, không nên dùng để điều trị mề đay mạn tính tự phát.

Đối với mề đay mãn tính: vì thường có liên quan tới các bệnh lý bên trong nên bệnh nhân cần đến bác sĩ chuyên khoa khám, làm thêm các xét nghiệm cần thiết để tìm đúng nguyên nhân và có cách điều trị thích hợp.