Liên quan đến việc một kỹ sư làm việc tại Toyota công bố bản tường trình về lỗi trong quá trình lắp ráp, liên doanh Nhật Bản đã có cuộc gặp mặt trả lời báo chí.
Theo bản tường trình ký tên ông Lê Văn Tạch, làm việc tại Toyota Việt Nam (TMV) từ tháng 3/2003, lỗi xảy ra khi lắp ráp dòng xe Innova và Fortuner gồm áp suất dầu phanh bánh sau lớn hơn tiêu chuẩn; bu-lông camber xiết ở trạng thái không tiêu chuẩn và lỗi bu-lông neo chân ghế xiết không đủ lực.
Innova là sản phẩm bán chạy nhất trên thị trường với doanh số cộng dồn trên 54.000 xe. |
Ở lỗi áp suất dầu phanh bánh sau, TMV cho biết ngày 24/11/2010, một số xe Innova J được phát hiện có mức áp suất cao hơn tiêu chuẩn của Toyota toàn cầu. Cụ thể, giá trị tiêu chuẩn nằm trong khoảng 27,8-42,3 (kgf/cm2) nhưng một số xe có áp suất cao tới 60.
Nguyên nhân do van điều hòa lực phanh theo tải trọng không ở đúng vị trí, xuất phát từ việc đồ gá (một thiết bị trong dây chuyền) được lắp đặt không khớp với tiêu chuẩn. Tăng áp suất có thể khiến phanh ăn hơn và trong một số trường hợp dẫn tới hiện tượng rê bánh sau, văng đuôi khi vào cua.
Ông Tạch cho biết hơn 60.000 xe Innova và Fortuner đã được sản xuất, cho tới khi lỗi được phát hiện.
Tuy nhiên, ông Tadashi Yoshida, giám đốc bộ phận sản xuất TMV khẳng định Fortuner không gặp lỗi này, do mỗi xe có có đồ gá khác nhau. Bộ phận gá ở Innova bị thay đổi kể từ tháng 2/2010. Vì vậy, số xe có thể bị lỗi là 200. Tất cả đều là Innova J, phiên bản dành riêng cho taxi.
Qua các phép thử nội bộ (dưới các tải trọng khác nhau, áp suất phanh khác nhau và tốc độ khi phanh từ 60-100 km/h) và kiểm tra xác suất 9 xe Innova J trên thị trường, TMV kết luận lỗi không ảnh hưởng tới độ an toàn khi vận hành. Hãng này cũng không báo cáo Cục đăng kiểm do xác định không vi phạm các tiêu chuẩn đăng kiểm Việt Nam.
"Các thử nghiệm nội bộ được chuyên gia của Toyota toàn cầu giám sát. Nhưng nếu Đăng kiểm yêu cầu tiến hành lại, chúng tôi sẵn sàng đáp ứng với sự chứng kiến của truyền thông", đại diện của TMV nói.
Trả lời câu hỏi liệu TMV có luôn phải tuân theo tiêu chuẩn toàn cầu hay không, khi mà giá trị thực tế cao hơn 70%, nhưng cuối cùng vẫn được cho là an toàn, ông Tadashi cho biết: "Trong quy trình sản xuất có tiêu chuẩn chỉ khác biệt 5% đã phải ngừng hệ thống. Nhưng một số tiêu chuẩn nếu vi phạm thì sẽ kiểm tra, đánh giá sản phẩm. Nếu không ảnh hưởng tới an toàn vẫn bán ra thị trường và kết hợp với chỉnh sửa lại hệ thống cho đúng chuẩn".
Lỗi thứ hai nằm ở việc xiết bu-lông camber của hệ thống treo trước không đúng. Theo kỹ sư Tạch, có thể dẫn tới việc xe nghiêng sang một bên, ngẩng đầu và ảnh hưởng tới chức năng giảm xóc. Xe dễ bị lật khi vào cua.
TMV thừa nhận nguyên nhân do công nhân lắp ráp đã không thực hiện đúng thao tác. Tuy nhiên, hãng xe Nhật xác định hậu quả ở mức: "tạo ra tiếng kêu nếu bu-lông bị lỏng và bạc camber có thể bị giảm độ bền".
"Chúng tôi có thể khẳng định hoàn toàn không ảnh hưởng tới an toàn của xe", giải trình của Toyota viết.
Khoảng 7.580 xe sản xuất trong thời gian từ tháng 1/2006 (thời điểm trình làng) đến tháng 10/2006 có thể gặp lỗi này.
Lỗi thứ ba có nguy cơ xảy ra với 1.050 xe sản xuất từ tháng 12/2008 đến tháng 12/2010. Tám bu-lông neo hàng ghế cuối bị giảm lực xiết do keo làm kín ở công đoạn hàn có thể lọt vào giữa hai tấm sàn xe. Kiểm tra của TMV có thấy lực xiết ở dưới mức tiêu chuẩn.
Bản tường trình của ông Tạch cho rằng 48.780 xe Innova và Fortuner được sản xuất cho tới được phát hiện.
Hậu quả của lỗi này là gây tiếng kêu tại chân ghế và TMV một lần nữa khẳng định không ảnh hưởng tới độ an toàn, sau khi kiểm tra xác suất 60 xe.
Nếu có tai nạn liên quan tới những lỗi trên, ông Tadashi cho biết: "TMV sẽ chịu trách nhiệm".
Đại diện Toyota Việt Nam cũng cho biết kỹ sư Tạch đang làm việc bình thường.