Một trong những thắc mắc phổ biến nhất của người sở hữu ôtô là tại sao xe nhả khói trắng vào buổi sáng, chống bó cứng phanh ABS hoạt động như thế nào, sự khác nhau giữa chế độ "gió ngoài" và "gió trong" ở hệ thống điều hòa.
Dưới đây là những câu hỏi và trả lời của trang AOL.
Tại sao phanh kêu?
Hỏng hóc thông thường nhất với hệ thống phanh là má phanh bị mòn và rung. Nếu má phanh mòn, chúng gây ra tiếng rít và trong trường hợp quá mòn, phanh có tiếng kêu lạo xạo do va chạm giữa hai tấm kim loại. Tiếng kêu xuất hiện khi đạp chân phanh và kéo dài tới khi bỏ ra chứng tỏ má phanh bị rung.
Thông thường, bất cứ âm thanh khó chịu nào từ chiếc xe cũng khiến bạn liên tưởng tới những hỏng hóc. Tuy nhiên, chứng cứ đó chỉ chắc chắn khi diễn ra liên tục và dai dẳng. Vì vậy, khi bắt đầu nghe thấy tiếng kêu nào đó từ hệ thống phanh, bạn nên chú ý để không phải ân hận vì sự lơ đãng của mình.
Những tiếng kêu từ phanh có nguyên nhân má phanh bị rung động mạnh, do không lắp chặt vào bộ kẹp. Má phanh khi được sản xuất thường có những bộ phận chống rung như tấm đệm.
Ngoài lý do trên, tiếng rít phát ra có thể do má phanh quá cứng. Sau thời gian sử dụng, lớp mềm trên má phanh bị hóa cứng dẫn tới việc tạo ra tiếng kêu khi ma sát với đĩa phanh. Trong trường hợp này, bạn thay má phanh và nếu cần thay hoặc làm lại bề mặt đĩa, tiếng kêu sẽ hết.
Sự khác nhau giữa "gió ngoài" và "gió trong"?
Có hai nút điều hòa làm nhiều người khó hiểu là gió ngoài (hình mũi tên hở) và gió trong (mũi tên kín).khi bật chức năng "gió ngoài", hệ thống sẽ hút không khi từ bên ngoài xe, đi qua buồng lạnh để thổi vào ca-bin. Còn khi ấn nút "gió trong", điều hòa sẽ lấy gió ngay từ ca-bin rồi cho quay trở lại. Do đó, "gió trong" sẽ giúp xe nhanh mát hơn tuy không thoáng do không khí được tuần hoàn.
Còn "gió ngoài" sẽ lâu mát nhưng nhờ lấy không khí ngoài xe nên luôn mới. Tuy nhiên, khi đi qua nơi bụi bặm hoặc có mùi, không nên để chức năng gió ngoài. Một số xe hiện đại trang bị các cảm biến. Khi nhận thấy chất lượng không khí bên ngoài quá bẩn, điều hòa sẽ tự chuyển sang chế độ lấy gió trong.
Có nên làm nóng máy trước khi đi?
Với công nghệ cũ như sử dụng chế hòa khí và hệ thống đánh lửa tiêu chuẩn, sẽ rất tốt nếu bạn làm nóng máy khoảng 10 phút trước khi lăn bánh lần đầu trong ngày. Nguyên nhân bởi chế hòa khí có chu trình khởi động nguội, sử dụng một van bướm điều tiết lượng không khí đi vào. Van bướm này điều chính bằng một lò xo hợp kim nên có thể giãn nở hay co lại do nhiệt.
Khi lạnh, lò xo co lại, đóng bướm gió dẫn tới tình trạng hòa khí tới buồng đốt giàu nhiên liệu hơn, giúp động cơ khởi động tốt. Sau khi được làm nóng, lò xo giãn ra, bướm gió mở và chế hòa khí trở về điều kiện làm việc bình thường.
Chế hòa khí là công nghệ đã cũ. Giờ đây hầu hết các xe sử dụng công nghệ phun nhiên liệu điện tử EFI, bơm xăng trực tiếp vào buồng đốt. Với EFI, hệ thống tự đo được nhiệt độ bên ngoài để điều chỉnh lượng xăng bơm cần thiết lúc khởi động và sau khi máy đã đủ nóng. Hệ thống cảm biến và máy tính trung tâm liên tục thu thập các thông số động cơ để điều chỉnh lượng nhiên liệu bơm, thời điểm đánh lửa một cách tối ưu mà không cần biết nhiệt độ động cơ là bao nhiêu.
Do đó, làm nóng máy vào buổi sáng là điều không thực sự cần thiết với những xe hiện đại. Bạn chỉ cần chạy cầm chừng khoảng một phút vào những ngày trời rất lạnh để dầu được lưu thông tốt.
Ắc-quy trên xe được nạp điện?
Hệ thống sạc điện của ôtô đảm bảo đảm ắc-quy luôn được sạc mỗi khi động cơ khởi động. Ắc-quy có vai trò cung cấp năng lượng vận hành motor khởi động máy. Sau khi động cơ chạy, hệ thống sạc cho ắc quy được kích hoạt. Ngoài ra, ắc-quy còn cung cấp điện cho các thiết bị trên xe.
Tại sao xe nhả khói vào buổi sáng?
Trong những buổi sáng lạnh, ống pô của xe thường có những khói trắng. Thực ra đó là hình ảnh hơi nước và các thành phần khác của khí thải bị ngưng tụ. Khi dòng khí thải nóng thoát ra từ động cơ gặp phải khí lạnh nằm trong ống pô sẽ tạo sương mù trắng, thậm chí thành giọt nước.
ABS hoạt động như thế nào và những lưu ý?
Chống bó cứng phanh ABS gồm cảm biến tốc độ đặt tại các bánh, hệ thống thủy lực và bộ điều khiển điện tử. Khi đạp phanh, cảm biến sẽ đo tốc độ ở mỗi bánh. Khi máy tính phát hiện một bánh nào đó bị bó cứng (phanh kẹp chặt khiến bánh xe không quay, dẫn tới mất lái), hệ thống thủy lực được kích hoạt, tác động vào má phanh để nó nhả ra-bóp vào khoảng 15 lần mỗi giây. Do đó, xe vừa có thể dừng lại mà tài xế vẫn không bị mất lái.
Dưới đây là những lưu ý cho lần đầu tiên sử dụng ABS:
- Khi đạp phanh và ABS kích hoạt, có thể cảm nhận bàn đạp nặng hơn bình thường.
- Chân phanh rung và bạn cảm thấy như có tiếng lục cục.
- Cuối cùng, bạn có thể nghe thấy tiếng kêu như động cơ ca-nô, đó là do hệ thống thủy lực đang vận hành.
Khi xe có ABS, cần nhớ:
- Vẫn giữ khoảng cách an toàn với xe phía trước. ABS không giảm khoảng cách phanh nên nó không giúp xe của bạn dừng ngay lập tức. Ý nghĩa chính của nó là giúp điều khiển xe ngay cả khi phanh gấp.
- Đừng bao giờ nhấp-nhả phanh. Khi phanh hãy đạp thật mạnh và giữ chặt. Khi đó ABS mới được kích hoạt.
Lượng nước bao nhiêu để đảm bảo xe không bị hydroplane?
Hydroplaning hay còn gọi là aquaplaning là hiện tượng xảy ra khi lớp nước tạo bề mặt phân cách giữa lốp và mặt đường. Lúc đó xe không để điều khiển được và phanh cũng không ăn. Theo các nghiên cứu, hydroplaning xuất hiện khi xe đi ở tốc độ trên 80 km/h qua vũng nước. Nước càng sâu, khả năng xảy ra càng lớn.
Dưới đây là những yếu tố ảnh hưởng tới hydroplaning:
- Tốc độ xe: tốc độ càng cao, độ bám đường càng giảm và hydroplaning dễ xảy ra.
- Độ sâu của các ta-lông lốp: Lốp càng mòn, mức độ thoát nước giảm và là điều kiện tốt cho hydroplaning.
- Độ sâu nước: Độ sâu càng lớn, hiện tượng mất độ bám đường diễn ra càng sớm.
Khi phát hiện xe bị hydroplaning, hãy làm theo hướng dẫn sau:
- Không được phanh vì phanh lúc đó không còn tác dụng và càng làm do xe bị trượt nhiều hơn.
- Không đánh lái bởi xe đã không điều khiển được.
- Giữ vô lăng thật chặt theo hướng đi thẳng.
- Giảm ga tới khi nào xe đủ chậm để điều khiển được.