Mùa mưa lũ sắp đến, đường phố Hà Nội thì luôn trong tình trạng ngập úng và ách tắc. Và điều mà ai cũng biết, nếu phải di chuyển chiếc ô tô thân yêu của mình qua một biển nước ngập thì thật tai hại. Thế nhưng, hãy trang bị những mẹo sau đây ngay đi bởi bạn sẽ không thể làm gì khác ngoài việc tiếp tục di chuyển trên con đường ngập đâu.
Khả năng thoát nước của thành phố ngày càng kém, chỉ với một cơn mưa lớn, nhiều tuyến đường có thể rơi vào tình trạng ngập lụt. Điều này xảy ra không ít lần và bạn phải chắc rằng bạn hiểu rõ các cung đường để có thể tránh được những đoạn đường dễ ngập lụt khi mưa lớn.
Nếu có thể lựa chọn một con đường khác, không ai dại gì đưa chiếc ô tô thân yêu của mình đi qua con đường ngập.
Với những ai không nắm bắt được tình hình các tuyến đường, khi đối diện với con đường ngập mà không xác định được mức nước và quãng đường ngập dài hay ngắn thì tốt nhất đừng cho xe di chuyển qua đó.
Khi bất khả kháng phải di chuyển vào con đường ngập, tài xế cần nhanh chóng thực hiện các thao tác cần thiết sau đây.
_ Tắt điện thoại và tất cả các thiết bị khác để có thể tập trung cao độ trong lúc “vượt lũ”.
_ Tắt điều hòa, bật chế độ sấy kính để tránh khi di chuyển thì kính bị mờ do hơi nước.
_ Bật đèn pha gần và đèn sương mù để dễ dàng quan sát trong điều kiện mưa lớn, ngập, khó nhìn đường.
_ Nếu thấy nước ngập cao hơn nửa bánh xe, tài xế nên mở nắp capo và tháo ống hút lọc gió để gió trực tiếp vào động cơ. Sau khi ra khỏi đường ngập, bạn cần lắp lại như cũ, tránh nước vào theo đường lọc gió.
_ Về số 1 và chạy đều ga ở mức độ vừa phải, lái từ từ và bình tĩnh. Nếu là xe số tự động thì để chế độ bán tự động và để số 1.
Bạn có thể quan sát các phương tiện đi trước, nhìn vào bánh xe của họ để xác định mức nước, từ đó cân nhắc có nên đi qua hay không.
Đối với dòng xe sedan và xe gầm thấp, độ sâu trung bình có thể đi qua là 25cm, không vượt quá tâm bánh xe và tài xế có thể lái xe qua dễ dàng. Với các loại xe gầm cao thì mực nước có thể đi qua được là 35cm.
Tóm lại, mức nước ngập không ngập cả bánh xe thì bạn có thể cân nhắc đi qua.
Đi chậm sẽ giúp xe bám đường tốt hơn, giữ phanh không phải hoạt động quá mức khi cần dừng. Ngoài ra, đường ngập khiến chúng ta không nhận biết được các chướng ngại vật và cần đi chậm để dễ tránh khỏi chúng hơn, kiểm soát được tốc độ trên đường phố hỗn độn.
Trong lúc vượt đường ngập, tài xế phải lưu ý luôn giữ chân ga ở tốc độ 10-15km/h. Không tăng, giảm tốc độ vì sự thay đổi đó sẽ khiến nước lọt vào ống xả.
Dùng phanh để giảm tốc độ và giữ nguyên chân ga.
Hạn chế tối đa hoặc tránh đi song song với các xe đi ngược chiều bởi như vậy dễ tạo ra các sóng nước lớn tràn lên nắp capo, tràn vào họng hút, nắp máy, làm ướt bugi và gây chết máy.
Nên đi ở mép đường bên trái, phần nhô cao hơn và có thể tránh được các hố ga.
Sau qua được quãng đường ngập, nên rà phanh để thoát nước khỏi đĩa phanh, tránh bó phanh.
Loại bỏ rác, những vật bị kẹt trong bánh xe và các bộ phận khác mắc lại khi xe lội nước
Kiểm tra kỹ càng động cơ và hệ thống điện để chắc chắn xe hoạt động bình thường và không hư hại gì.
Khi có bất cứ bộ phận nào không hoạt động được như bình thường thì rất có thể nước đã lọt vào và khiến hệ thống bị hư hại.
Tuyệt đối không mở cửa khi xe đang ở trong khu vực ngập vì sẽ khiến nước tràn vào trong, gây hư hại nặng hơn và có thể hỏng cả hệ thống điện tử.
Nếu cần thiết ra ngoài, có thể mở cửa sổ để ra.
Khi xe tắt máy trong đoạn đường ngập, tuyệt đối không tìm cách khởi động xe, mà nên bình tĩnh rút chìa khóa điện, ra ngoài theo lối cửa sổ và đẩy xe lên vị trí cao, gọi ngay cho cứu hộ.
Trên đây là những lưu ý khi bạn phải di chuyển qua con đường ngập. Hy vọng bạn sẽ nhớ rõ những điều này bởi mùa mưa lũ đang đến gần và rất có thể, bạn sẽ thấy may mắn vì đã đọc được những thông tin hữu ích này kịp thời.