Khi bạn chạy xe (nhất là với tốc độ cao) khi phanh có thể gặp các trường hợp: xe như bị khóa bánh hoặc xe bị lắc mạnh dẫn đến mất thăng bằng và gây đổ xe... vì vậy vài hướng dẫn dưới đây hy vọng có thể giúp bạn hoàn thiện thêm kỹ năng này.
Xuất phát:
Tạo thói quen luôn nhấn phanh (bóp phanh trước hoặc sau) khi chưa sẵn sàng để chạy, việc này giúp phòng tránh những sự cố bất ngờ và xe không bị trôi.
(Chú ý: bạn không nên cài số sẵn khi xe chưa nổ máy, nhất là các trường hợp có trẻ em ngồi phía trước người lái, chúng rất hay nghịch các bộ phận như kèn hoặc đề - rất nguy hiểm).
Chuẩn bị xuất phát:
- Khởi động máy: Theo nguyên tắc, nếu dùng cần đạp thì sử dụng phanh tay; Nếu dùng đề thì sử dụng phanh chân.
- Vào số (trong khi chân phải chống đất, tay phải bóp phanh)
Lên ga (bắt đầu chạy):
Trường hợp có người ngồi sau thì cần kiểm tra người ngồi sau đã sẵn sàng chưa, để tránh trường hợp người ngồi sau giật mình và có động tác bất thường dễ dẫn đến khả năng mất điều khiển xe của người lái.
Dừng xe:
- Trả ga về vị trí nhỏ nhất, phanh từ từ và dùng cả 2 phanh.
- Khi xe dừng hẳn, chân trái chống đất, chân phải giữ phanh, tay phải nắm lấy tay ga (hoặc chân trái chống đất, tay trái và tay phải đồng thời vừa giữ tay ga vừa dùng cả 2 phanh một cách nhịp nhàng nếu bạn chạy xe tay ga)
Các điều kiện cần biết khi sử dụng phanh:
+ Đối với đường khô ráo (bình thường):
Kỹ năng phanh khẩn cấp là kỹ năng quan trọng nhất để lái xe an toàn. Bất kỳ người lái xe nào cũng cần phải cố gắng thực hiện thành thạo kỹ năng này.
Sử dụng cả 4 ngón tay trên bàn tay để phanh đạt hiệu quả hơn
- Giữ xe chạy thật thẳng.
- Về hết ga thật nhanh.
- Phanh cả 2 phanh cùng một lúc, đồng thời sử dụng cả 4 ngón tay trên bàn tay để phanh đạt hiệu quả hơn và cân đối được lực tác động lên phanh.
- Phanh từ từ và tăng dần lực phanh lên tới khi dừng hẳn.
Chú ý: Nên phanh bánh trước mạnh hơn bánh sau một một ít để đạt hiệu quả phanh tối đa.
Khi xe đã dừng hẳn: Chống chân trái xuống đất, tay hoặc chân vẫn phải giữ phanh.
Lưu ý: Không phanh nhấp trong trường hợp khẩn cấp vì sẽ làm quảng đường phanh (thời gian phanh) dài hơn. Nhưng cũng không được phanh quá mạnh ngay từ đầu vì sẽ làm khóa bánh xe dẫn tới đổ xe.
Các đoạn cua quẹo hoặc đường vòng, cần phanh nhẹ hơn vì xe rất dễ bị đổ. Tốt hơn hết trong điều kiện này bạn cần giảm tốc độ và quan sát kỹ trước khi vào các đoạn cua hay đường vòng.
+ Đối với đường ướt, trơn hoặc có cát sỏi:
Khi chạy trên những đoạn đường trơn trợt do trời mưa hay mặt đường có nhiều cát, sỏi đá: cần phanh nhẹ vì lực bám giữa bánh xe và mặt đường trong điều kiện này rất thấp, có thể dẫn tới khóa bánh và đổ xe nếu bạn dùng lực phanh quá mạnh.