Tuy nhỏ gọn, nhưng với khả năng tái tạo âm thanh độ chi tiết cao và chất lượng âm thanh vượt trội so với mức đầu tư, Audioengine D1 có thể làm hài lòng những thính giả khó tính.
Bộ giải mã âm thanh số sử dụng giao tiếp USB (USB DAC) ngày càng trở nên phổ biến với nhiều tên tuổi và nhiều mức giá đáp ứng nhu cầu sử dụng từ thấp đến cao. Không chỉ là một thương hiệu chuyên về sản xuất loa đến từ Mỹ,
Audioengine còn sản xuất một số model USB DAC với mức giá khá hấp dẫn và chất lượng âm thanh hứa hẹn sẽ làm hài lòng cả những người sành nhạc nhất.
Audioengine D1 là một trong số những đại diện của dòng sản phẩm USB DAC đầu tiên được giới thiệu vào cuối năm 2011 tại thị trường Mỹ. Tương tự một số model USB DAC khác trên thị trường,
Audioengine D1 cũng có ngoại hình nhỏ nhắn (90x75x26mm) và khá nhẹ cân (trọng lượng khoảng 170g).
Audioengine D1 được trang bị mạch giải mã âm thanh số (DAC) chất lượng cao AKM AK4396.
Bộ USB DAC nhỏ gọn này hỗ trợ "xử lý" tín hiệu âm thanh số có độ dày bit (bit depth) tối đa 24 bit và tần số mẫu (sample rate) lên đến 192KHz. Nói một cách đơn giản hơn thì điều này có nghĩa là
D1 có thể “tái tạo” lại tất cả những tần số mà tai người có thể nghe được. Ngoài mạch giải mã âm thanh số 24-Bit chất lượng cao AKM AK4396 DAC,
Audioengine D1 còn được tích hợp headphone amp (mạch khuyếch đại cho tai nghe) cao cấp, cho phép người nghe kết nối thiết bị với tai nghe để tận hưởng một không gian âm nhạc cho riêng mình.
Bộ USB DAC nhỏ gọn này hỗ trợ cả ngõ vào Optical lẫn USB cho tín hiệu âm thanh đầu vào. Người dùng cũng có thể kết nối thiết bị với bất kỳ bộ loa rời nào.
Audioengine D1 hỗ trợ 2 ngõ vào tín hiệu âm thanh số chính, là cổng USB và cổng Optical. Người dùng có thể kết nối D1 với các nguồn phát USB hay các thiết bị khác như đầu phát DVD/Bluray, Apple TV. Tuy nhiên, nếu muốn thưởng thức âm thanh từ các thiết bị có trang bị ngõ optical như trên, người dùng phải trang bị thêm adaptor để cấp nguồn 5V DC qua cổng USB cho bộ USB DAC này.
Audioengine D1 có thiết kế phần khung kim loại cứng cáp bên ngoài.
Từ thiết kế ngoại hình bên ngoài, Audioengine đã mang lại cho Test Lab một ấn tượng tốt ngay khi mới cầm thiết bị trên tay. Toàn bộ các linh kiện của Audioengine D1 được đóng gói bên trong phần khung kim loại sẫm màu bo tròn trông rất cứng cáp. Mặt trước thiết bị là nút chỉnh âm lượng đầu ra, đèn LED trắng báo trạng thái hoạt động kiêm nút bật/tắt nguồn và ngõ cắm headphone loại 3,5mm. Mặt sau Audioengine D1 là ngõ xuất tín hiệu âm thanh RCA dành cho kết nối với loa rời cùng 2 ngõ vào tín hiệu âm thanh số.
Thao tác kết nối Audioengine D1 thực sự đơn giản như chính thiết kế của thiết bị. Sau khi giảm hết mức âm lượng đầu ra, Test Lab kết nối D1 với máy tính qua giao tiếp USB - ngay lập tức, máy tính chạy hệ điều hành Windows 7 “nhận ra” và thiết lập phát âm thanh trực tiếp trên D1. Tương tự như Windows, người dùng hệ điều hành Mac cũng chẳng cần cài đặt thêm bất kỳ trình điều khiển nào cho USB DAC nhỏ gọn này.
Tương tự như các dòng sản phẩm khác của hãng,
Audioeingine D1 cũng được trang bị một túi du lịch nhỏ gọn, rất thích hợp khi cần mang bộ USB DAC nhỏ gọn này theo bên mình.
Để thử hiệu năng của
Audioengine D1, đầu tiên, Test Lab thử phối ghép thiết bị với bộ loa phổ thông 2.1 kênh Sony SRS-D8. Với thiết lập tùy chỉnh bass, treble của loa ở mức 50%, chất âm có phần hơi mờ đục của bộ loa 2.1 kênh này trong sáng hơn hẳn. Không gian âm nhạc cũng rộng hơn khi thử nghe các bản nhạc sân khấu như
An Innocent Man (Billy Joel),
It''s must have been love bản Live (Roxette) và
Still loving you (Scropions). Các nốt trầm của Sony SRS-D8 cũng mạnh mẽ hơn trông thấy khi có sự trợ giúp của bộ giải mã âm thanh này. Tuy nhiên, do bộ loa này có dải tần khá hẹp so với dải tần mà
Audioengine D1 hỗ trợ (từ 10Hz đến 25KHz), Test Lab quyết định phối ghép bộ USB DAC này với cặp loa kệ A5+ cũng được sản xuất bởi Audioengine để thử hết khả năng của thiết bị.
Hãng chỉ cung cấp cáp USB kèm theo để người dùng kết nối thiết bị với máy tính.
Cũng với phần mềm dùng để nghe thử Foobar 2000 (phiên bản 1.0.3), các bản nhạc chất lượng cao ở định dạng FLAC và APE, chất âm mộc mạc của bộ loa A5+ thực sự tỏa sáng khi được sự “mài giũa” của bộ USB DAC này. Giọng ca của Jheena khi trình bày các ca khúc như All My Loving, Jambalaya, hay bài Too Young trong album All My Loving (Jheena Lodwick) nghe mượt mà, đầy đặn và truyền cảm hơn. Với album Songbrid CD1, tiếng kèn của Kenny G vút cao thật nhẹ nhàng, trong sáng mà không hề có cảm giác hụt hơi như lúc phối ghép bộ loa này với card âm thanh tích hợp của máy tính.
Với bộ USB DAC này, các nốt trầm của bộ loa 2.0 kênh Audioengine A5+ cũng đã được cải thiện đáng kể khi thử nghe những bản nặng về bass như
1-2-3-4-5-6 Bass, THX Sound Bass, THX - Jurassic Lunch (Major Bass). Khi nghe những bản nhạc sôi động này, Test Lab cảm thấy như mình đang ở giữa một sân khấu sôi động hay cảm giác như tiếng bước chân của những con khủng long bạo chúa đang từ xa nặng nề di chuyển đến gần. Dù không thể sánh về “độ nặng” như khi nghe với dàn loa 2.1 kênh Sony SRS-D8, nhưng các nốt trầm của Audioengine D5 cũng đã được “xử lý” tốt hơn nhiều so với khi không sử dụng
D1.
Thử kết nối
Audioengine với máy tính bằng cáp quang, Test Lab nhận thấy chất lượng âm thanh gần như không khác nhau nhiều khi thử nghiệm với các nguồn nhạc chất lượng cao. Test Lab cũng đã thử kết nối một vài model tai nghe như Sony MDR-XB300, Razer Electra với Audioengine D1, nhưng chưa khi nào phải chỉnh nút âm lượng trên bộ DAC này quá mức 1/4. Âm thanh khi đi qua mạch headphone amp tích hợp có âm lượng lớn hơn, chất âm cũng trong sáng, mượt mà hơn và độ chi tiết âm thanh có thể nói là “ngang ngửa” như khi nghe bằng bộ loa Audioengine A5+. Ngay cả những nhạc cụ khó thể hiện như piano, violin cũng được
Audioengine D1 xử lý khá hay và thật.
Nhìn chung, nếu bạn là một người yêu thích âm nhạc độ chi tiết cao với một mức đầu tư vừa phải,
Audioengine D1 thực sự là một bộ USB DAC kiêm bộ khuyếch đại cho headphone đáng để quan tâm.