Mô tả sản phẩm: Thần khúc
"Liều" dịch "Thần khúc" vì quá đam mê ngôn ngữ và văn học Italy; miệt mài nghiền ngẫm suốt 30 năm vì đối diện với một tác phẩm quá khó, GS Nguyễn Văn Hoàn cuối cùng cũng đã mang đến cho độc giả VN bản dịch tiếng Việt đầy đủ đầu tiên kiệt tác của Dante Alighieri.
Thần khúc bản tiếng Việt của GS Hoàn vừa được Đại sứ quán Italy ở VN giới thiệu chiều 16-11 tại Hà Nội. Đại sứ Italy Andrea Perugini phát biểu: “Thật là vui mừng và biết ơn đón nhận bản dịch của Giáo sư Nguyễn Văn Hoàn. Ông đã thực hiện việc dịch hoàn chỉnh sang tiếng Việt lần đầu tiên một trong những kiệt tác văn học của mọi thời đại”.
Là một trong những tác phẩm văn học vĩ đại nhất của nhân loại, Thần khúc của Dante gồm 100 khúc, 14.226 câu thơ được chia làm 3 phần: Địa ngục, Tĩnh thổ và Thiên đường. Địa ngục, chia làm 9 khu, là những cuộc gặp gỡ của nhà thơ (đóng vai nhân vật chính trong tác phẩm) với đủ loại tội nhân, từ tham nhũng, dâm ô, trụy lạc đến những kẻ tư thông, bội phản... Tùy tội nặng nhẹ khác nhau, tất cả đều phải chịu những cực hình ghê sợ.
Phần 2 - Tĩnh thổ - diễn ra tại một ngọn núi ở tận cực Nam của trái đất, là nơi có 7 tầng, tượng trưng cho bảy trọng tội theo quan niệm của Cơ đốc giáo. Tĩnh thổ là nơi các tội nhân suy tư sám hối. Còn phần 3 - Thiên đường, gồm 9 tầng - là sự tưởng tượng của Dante về những người được Thượng đế lựa chọn.
Ra đời cách đây 7 thế kỷ, Thần khúc được đánh giá là một tác phẩm tổng hợp những kiến thức triết học - nghệ thuật của văn hóa trung cổ, đồng thời là điểm kết nối với thời đại Phục hưng, bắt đầu từ chính Italy.
Chia sẻ về quá trình dịch Thần khúc của mình, GS Nguyễn Văn Hoàn cho biết, ông sang Italy từ năm 1978, khi chưa hề biết một chữ tiếng Italy. Nhưng những thư viện sách khổng lồ, những trường đại học danh tiếng, những giờ học thách thức đã cuốn hút ông. Ông quyết định dịch Thần khúc của Dante với mong ước giúp độc giả Việt Nam tiếp xúc với một trong những tác phẩm quan trọng nhất trong lịch sử văn học nhân loại, dù theo như lời ông nói, đây là một thử thách "dường như vượt quá khả năng của tôi". "Trước khi có bản dịch của tôi, người Việt Nam đã biết đến bản dịch 30 khúc đầu tiên của GS Lê Trí Viễn và nhà thơ Khương Hữu Dụng. Nhưng họ dịch từ tiếng Pháp. Tôi nghĩ, nếu dịch được từ nguyên bản, bao giờ cũng tốt hơn. Vì vậy, tôi bắt tay vào công việc này, dù biết làm như thế là rất liều, rất to gan".
Lý giải cho "sự liều" của mình, GS cho biết: "Ở trường đại học, điểm thi tiếng Italy của tôi rất cao. Khả năng ngôn ngữ của tôi không tồi. Nhưng so với thứ ngôn ngữ Dante sử dụng trong Thần khúc thì những gì tôi biết là chưa đủ. Đó là chưa kể, tác phẩm được viết theo trí tưởng tượng của nhà thơ về những nơi chưa ai từng đặt chân đến như Địa ngục và Thiên đường, nên không phải ai cũng hiểu hết được những điều tác giả định nói".
Dịch giả cuốn sách cho biết, để vượt qua những khó khăn này, ông vừa dày công nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa Italy; vừa huy động vốn ngoại ngữ tiếng Pháp của mình; đồng thời đối chiếu cùng lúc với nhiều bản dịch các ngôn ngữ khác nhau của những người đi trước. "Sau khi dịch xong phần thứ nhất - Địa ngục - tôi tự hào cho rằng, thế là mình dễ dàng thừa thắng xông lên với hai phần còn lại. Nhưng không ngờ, càng dịch tôi càng thấy khó", ông kể
Cứ như thế, kiệt tác nổi tiếng này đã ngốn hết của GS Hoàn 30 năm ròng rã. "Tất nhiên, trong 30 năm đó, tôi cũng còn nhiều công việc khác. Nếu dồn lại, chỉ chuyên tâm dịch Thần khúc, tôi áng chừng sẽ mất khoảng 5 năm", ông nói.
Đánh giá về tầm quan trọng của Thần khúc và sự ảnh hưởng của Dante đến văn học Italy, GS Nguyễn Văn Hoàn cho biết: "Dường như Dante là một nhân vật đã được thần thánh hóa ở Italy. Trong một cuộc khảo sát hơn 150 trường đại học ở châu Âu để tìm hiểu xem thế giới nghiên cứu gì nhiều nhất về Italy, câu trả lời là Dante. Trong thời gian tôi học ở Italy, mỗi khi có buổi đọc sách Thần khúc, công chúng tham dự rất đông. Điều này khiến tôi rất ngạc nhiên".