Loại sách | Truyện tranh - Truyện tranh thiếu nhi |
Tác giả | Kim Khánh |
Số trang | 128 |
Kích cỡ | 12x18cm |
Nhà xuất bản | Tổng Hợp Đồng Nai |
Tìm theo vần | T |
Hình thức bìa | Bìa mềm |
Nội dung tóm tắt |
Trạng Quỳnh là nhân vật trung tâm trong một hệ thống truyện trạng đặc sắc cả về nội dung lẫn hình thức của kho tàng truyện trạng Việt Nam. Trong dân gian, Trạng Quỳnh được xây dựng như một người thông minh, tài hoa, mưu lược và dũng cảm. Đương nhiên có sự khác biệt về khoảng cách giữa con người thật Nguyễn Quỳnh và nhân vật Trạng Quỳnh trong hệ thống truyện dân gian.
Tuy không đỗ cao, Quỳnh vẫn nổi tiếng là người học hành xuất sắc. Đương thời đã có câu: "Nguyễn Quỳnh, Nguyễn Nham, thiên hạ vô tam" (nghĩa là thiên hạ không có người thứ ba giỏi như hai ông). Sách Nam Thiên lịch đại tư lược sử đã nhận xét về ông: "... Nguyễn Quỳnh văn chương nổi tiếng ở đời, nói năng kinh người, thạo quốc âm, giỏi hài hước...".
Tác phẩm còn lại của Nguyễn Quỳnh, gồm một số bài ký, văn tế mẹ, văn khóc em (vốn tài hoa, nhưng chết yều ở tuổi 14) và hai bài phú chép trong tập: Lịch triều danh phú. Lịch triều danh phú là tuyển tập của các danh sĩ thời bấy giờ, tất cả đều đỗ đại khoa, chỉ có hai người đỗ Hương cống là Nguyễn Quỳnh và Đặng Trần Côn.
Ra đời trong một giai đoạn lịch sử xã hội nhiều biến động, Trạng Quỳnh là nhân vật đại diện cho khát vọng tư tưởng của nhân dân. Những thói hư tật xấu của vương triều, của tục được mang ra chế giễu, cười cợt. Quan lại dưới mắt Trạng Quỳnh đó là các viên quan thị, vua Lê, chúa Trịnh, là những kẻ mất nhân cách, dốt nát, vào luồn ra cúi. Với bọn phong kiến phương Bắc, Trạng Quỳnh cũng không hề buông tha, mà đả kích mạnh mẽ vào thói kiêu ngạo, ngang ngược, hợm hĩnh của chúng.
Hệ thống truyện Trạng Quỳnh là một bức tranh châm thực về xã hội Việt Nam đang trên đà mục nát và suy vong, Trạng Quỳnh đã thay mặt nhân dân lao động làm một cuộc "khởi nghĩa" bằng tiếng cười để từ giã chế độ phong kiến suy tàn một cách hài hước nhất.
Tuy thế, tư tưởng của Trạng Quỳnh còn những hạn chế nhất định bởi nó không tách rời môi trường xã hội mà nó sinh ra. Cái chết của Trạng Quỳnh thể hiện bế tắc của cuộc chiến đấu tuy quyết liệt, nhưng không có lối thoát. Và cũng không thể đòi hỏi cao hơn được ở hệ thống truyện Trạng đặc sắc này, nếu đem tách rời nó với những điều kiện lịch sử cụ thể.
Được thể hiện dưới dạng truyện tranh, những câu chuyện về Trạng Quỳnh cũng như cậu con nuôi Trạng Quỷnh (chính là hiện thân của Trạng Quỳnh) hiện lên sinh động và hài hước hơn bao giờ hết. Những câu chuyện đầy tính đả kích, cũng như tính triết lí và sự thông minh sẽ không hề khô khan mà vô cùng sinh động sẽ giúp các em thiếu nhi ham học hỏi hơn, yêu quê hương đất nước hơn. |