Mô tả sản phẩm: Ngã rẽ
Thảo ngồi xuống chiếc ghế, vừa uống cốc nước dừa vừa ngắm nhìn vịnh. Những hòn đảo đá lô xô như đang trôi bồng bềnh trên mặt nước. Khung cảnh chiều mùa hè nơi bãi tắm thật sôi động. Mấy chàng trai cô gái đùa giỡn dập dềnh theo những làn sóng xanh biếc. Ngọn gió nồm nam nhè nhẹ mơn man da thịt. Một cảm giác lâng lâng khoan khoái dễ chịu. Thảo hất mái tóc ra sau, chợt nhìn thấy cuốn tạp chí, bìa có màu sắc tươi tắn ai bỏ lại trên mặt bàn ướt nước. Cầm lên, cô hờ hững lật giở từng trang. Bất giác, Thảo chăm chú đọc, thì ra đó là truyện ký viết về Trường Sơn. Càng đọc Thảo càng bị cuốn hút. Những chi tiết tác giả kể lại chính là những sự kiện mà Thảo đã có mặt. Người viết phải là người trong cuộc mới hiểu tường tận đến thế...
Thảo nhìn vào tên tác giả, cô giật mình. Không lẽ tác giả là... Anh đã hy sinh trong chiến dịch mùa khô năm đó... Chẳng lẽ?
Cô bạn từ bãi tắm chạy ào lên ríu rít:
- Lâu rồi mới được tắm biển, đã quá. À! Chị chuẩn bị xong tài liệu cho cuộc hội thảo sắp tới chưa? Chị Thảo! Chị không nghe em nói sao? Tơ tưởng ai mà thẫn thờ thế. Yêu rồi hả?
Thảo ngước lên cười:
- Không! Chị đọc thấy câu chuyện xúc động quá!
Cô bạn ghé vào cuốn sách reo lên:
- A! Tác giả này em biết!
Thảo mừng cuống lên hỏi dồn:
- Sao? Em là bạn của tác giả à? Anh ấy ở đâu? Ở đâu rồi? Em nói cho chị biết đi!
- Kìa chị! Làm gì mà cuống quýt lên thế. Em làm sao là bạn của ông ấy được. Chị có biết quán bia ở phố Ngang không? Nhà ông ấy đối diện với quán, chỗ đó là nơi tụ tập của cánh văn chương. Em được bạn gọi đến giao lưu mấy lần, ông ấy hiền ít nói lắm, nhưng văn thơ thì thôi rồi. Chị em phụ nữ khối người chết mệt. Em đọc còn thấy thích nữa là chị!
- À! Chỗ ấy chị cũng đã mấy lần đến. Thôi muộn rồi, mình về đi!
Trung đang dồn cảm hứng trào dâng vào trang viết. Có tiếng gõ cửa dè dặt:
- Ai đấy? Đợi một chút!
Anh tiếp tục gõ bàn phím cho liền mạch văn. Tiếng gõ cửa tiếp theo dồn dập hơn...
Vừa mở cửa, Trung đứng sững lại. Trước mặt anh là một người đàn bà còn khá trẻ, gương mặt tươi tắn hồn hậu trong dáng điệu chững chạc quý phái. Bộ đầm màu boóc đô ôm khít thân hình như muốn khoe chủ nhân của nó là một người sành điệu trong lĩnh vực thời trang. Một thoáng đắn đo... Mình có biết ai trong giới sành điệu đâu? Trung mỉm cười hỏi khách:
- Xin lỗi! Chị có nhầm nhà không?
Chăm chú nhìn vào gương mặt chủ nhà. Thảo cảm thấy xốn xang trong lòng. Gương mặt có già đi rất nhiều nhưng cái miệng cười và đôi mắt trìu mến ấy không thể lẫn với ai được. Đúng Trung rồi. Để chắc chắn không nhầm, Thảo thận trọng hỏi lại:
- Thưa anh! Anh có phải là Thành Trung, chiến sĩ lái xe Trường Sơn ngày ấy không?
- Vâng tôi đây! Chị muốn hỏi điều gì ạ?
Thảo reo lên lao vào ôm chầm lấy Trung:
- Trời ơi! Anh... Trung! Anh đã chết rồi mà... đây là thực hay mơ? Anh có biết em đau đớn thế nào khi biết tin anh hy sinh? - Thảo mếu máo nói cười trong niềm vui mừng hờn dỗi chen lẫn - Em là Thảo, anh không nhận ra sao?
Bị Thảo xô bất ngờ, Trung loạng choạng. Lấy thăng bằng trở lại, anh cuống cuồng reo lên:
- Trời... nhóc! Con ranh giờ sành điệu thế này anh nhận ra sao nổi. Thôi vào nhà uống nước đã - Trung vội vã chỉ ghế - Ngồi xuống đi em!
Thảo líu tíu hỏi chuyện:
- Chị và các cháu đâu, sao nhà vắng thế anh?
- Cứ từ từ đã, anh sẽ kể. Còn em quê Nam Định sao lại có mặt ở đây? Chuyện chồng con gia đình ra sao? Sao em lại tìm được anh?
Thảo cười rất tươi:
- Anh em đồng đội mà anh. Biết tin nhau còn sống thì ở đâu em cũng tìm bằng được. À anh ơi! Có một chuyện rất vui, em mới gặp một người có mối liên quan mật thiết tới chuyện của anh.
- Ai mà quan trọng thế em?
- Năm ngoái em đi dự Hội nghị tuyên dương những doanh nghiệp tiêu biểu của các tỉnh phía Bắc. Có một thương binh ngồi xe lăn là Giám đốc Công ty xây dựng Hải Phòng được mời lên tham luận. Khi nghe xong, cả hội trường đã lặng đi vì xúc động. Anh ấy nói: Tôi là người sống sót trong một trận bom khủng khiếp. Hơn sáu mươi đồng đội của tôi đã hy sinh. Để sống và làm được như hôm nay, tôi lại mắc nợ một nữ chiến sĩ quân y ở chiến trường. Cô ấy đã hy sinh thân mình để cứu sống tôi. Vì sự hy sinh của những người đồng đội đã thôi thúc tôi phải phấn đấu rèn luyện học
tập, trở thành người có ích. Tôi nguyện phải sống sao cho xứng đáng với những sự hy sinh đó, phải làm việc cống hiến hết mình nếu còn hơi sức. Đến giờ giải lao, em tìm gặp anh ấy để hỏi chuyện. Nhận ra người bị thương trong trận B-52 thảm khốc năm đó, em đã ôm chầm lấy anh ấy khóc. Anh em gặp nhau trong hoàn cảnh cảm động,
bất ngờ như thế anh ạ! Anh có biết người thương binh bị mất hai chân điều trị ở đội quân y chỗ chị Lan không?
Nghe Thảo nhắc đến Lan và đội quân y, kỷ niệm đau buồn lại hiện về... Giọng Trung buồn buồn:
- Anh có biết sơ sơ! Mấy lần đến thăm Lan, anh đều tìm gặp trong lúc anh ấy còn hôn mê...
Thảo vẫn vui cười ríu rít khoe:
- Người duy nhất sống sót trong trận B-52 khủng khiếp lần ấy chính là anh thương binh Lê Trọng Nghĩa. Giờ đã là một doanh nhân tiêu biểu đấy!
Nghe nhắc đến Nghĩa, Trung bật dậy hỏi dồn:
- Anh ấy ở đâu? Có vợ con không? Em đưa anh đến thăm Nghĩa ngay đi!
- Vâng! Em sẽ đưa anh đến. Anh Nghĩa đang ở thành phố Hải Phòng. Em đã đến thăm cơ ngơi gia cảnh anh ấy. Vợ anh Nghĩa là giáo viên trung học phổ thông đã nghỉ hưu. Anh chị có một cậu con trai hiện là sĩ quan trong quân đội. Có được cơ ngơi đồ sộ như hiện nay, Nghĩa phải là người có một nghị lực phi thường. Hồi ấy đang là sinh viên Đại học Kiến trúc năm thứ hai, anh Nghĩa xung phong đi chiến trường. Sau những năm tháng gian lao, thương tích đầy mình, anh được ra Bắc điều trị. Anh trở lại trường học tiếp. Tốt nghiệp đại học, anh đi xin việc làm. Nhưng... chả có chỗ nào trong thời điểm ấy lại nhận một thương binh ngồi xe lăn. Họ sợ gánh trách nhiệm hơn là tin vào khả năng cống hiến... Thất vọng sau những cái lắc đầu, những lời hứa hẹn vu vơ, anh Nghĩa đã tự đứng ra, thu thập, hình thành một tổ gồm những cựu chiến binh chuyên nhận thầu khoán xây dựng nhỏ. Cứ dần dà từng bước, đến nay Công ty Trọng Nghĩa đã có một đội ngũ kiến trúc sư giỏi và thợ lành nghề, đủ sức thi công những công trình lớn mang tầm cỡ quốc gia. Trọng Nghĩa đã khẳng định được thương hiệu có uy tín trong ngành xây dựng. Em thật sự kinh ngạc, khâm phục, kính nể một thương binh chỉ còn vài phần trăm sức khỏe mà sự cống hiến lại lớn lao đến thế. Em sẽ đưa anh đến chơi. Gặp được anh chắc anh Nghĩa mừng lắm!
- Ừ! Anh cũng rất vui, nóng lòng muốn đi ngay. Em thu xếp khẩn trương, anh em mình đi nhé!
- Vâng ạ!
- Thế còn chuyện chồng con em thế nào?
Thảo toét miệng cười:
- Mải chuyện, em quên mất. Em có một trai một gái. Cả hai đã có nghề nghiệp ổn định, có nhà riêng đàng hoàng. Mà này! Em đã là bà nội bà ngoại rồi đấy... Không còn nhóc nữa đâu ông anh ạ! Hi... hi... hi... Thế còn anh, cuộc sống ra sao? Anh nói qua cho em nghe đi!
- Thì tất cả cuộc sống của anh gói gọn trong căn phòng này. Em đã nhìn thấy hết rồi còn gì!
Thảo giật giọng hỏi lại:
- Anh nói sao, anh sống một mình à?
- Thì có sao đâu, lính mà em. Anh vẫn sống bình thường như mọi người!
Thảo quan sát kỹ căn phòng. Ngoài một cái tủ lạnh, một chiếc tủ gỗ, một cái giường với một cái bàn. Căn phòng chả có gì đáng giá. Chợt thấy vài gói mì lăn lóc trên bàn, cô bật dậy mở tủ lạnh, giọng gắt lên:
- Trời ạ! Chẳng có thứ gì ăn được cả, toàn là bia. Ăn ở thế này sống làm sao? Phải có người chợ búa nấu nướng chứ. Đàn ông các anh thật vô tâm liều lĩnh, lỡ đêm hôm trái gió trở trời lăn ra đấy thì ai biết? Thôi được, sau chuyến đi dự hội thảo ở Thành phố Hồ Chí Minh về em sẽ bàn với anh. Phải thay đổi, phải sống cho ra sống mới được!
Trung vô tư nói cười:
- Em cứ làm quan trọng vấn đề. Chuyện gì đến vẫn cứ đến, mình có làm thay đổi được gì đâu. Tốt hơn hết hãy vui vẻ vô tư mà sống, có sao đâu em!
Thảo ngồi phịch xuống ghế rơm rớm:
- Hay anh có chuyện gì uẩn khúc khó nói? Anh em mình đã chịu quá nhiều mất mát đau đớn rồi. Hãy chia sẻ với nhau cho vợi lòng anh ạ!
Giọng Trung trầm trầm lắng xuống:
- Mới đó thôi mà đã gần nửa thế kỷ trôi qua. Có biết bao nhiêu chuyện đã xảy ra. Chuyện dài lắm... từ từ rồi em sẽ hiểu!
Họ kể lại cho nhau nghe những gì đã xảy ra trong những năm dài xa cách, rồi lặng lẽ trầm tư...
Ký ức bi tráng về một thời tuổi trẻ của họ cùng ùa về... Những hình ảnh hiện lên rõ nét như một cuộn phim quay chậm...