Mô tả sản phẩm: Mặt trận đường 9 - Bắc Quảng Trị chống phá chiến lược chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ (1966-1968)
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân và dân Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị (gọi tắt là B5) - một trong những nơi đọ sức quyết liệt nhất giữa ta và địch, thường xuyên thu hút giam chân một lực lượng lớn quân Mỹ và Việt Nam cộng hòa (ngụy), tạo điều kiện cho các chiến trường khác ở miền Nam đánh bại chiến lược "tìm diệt" và "bình định" của địch. Tác phẩm chuyên khảo: Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị chống phá chiến lược "chiến tranh cục bộ" của đế quốc Mỹ (1966-1968) phản ánh những nét đặc trưng về đấu tranh quân sự, đấu tranh chính trị trong thời gian nhất định của chiến trường đầy gian khổ, ác liệt, hy sinh, nhưng cũng đầy chiến công to lớn này.
Tác phẩm gồm ba chương, kết luận và phụ lục. Chương I: Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị ra đời, thu hút, giam chân một lực lượng quan trọng của Mỹ, ngụy (1966-1967). Chương II: Mở chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, tạo điều kiện cho toàn miền Nam Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, đập tan chiến lược "chiến tranh cục bộ" của đế quốc Mỹ. Nội dung hai chương này được tác giả phân tích sâu rộng vị trí, vai trò quan trọng của Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị trong việc thu hút, giam chân một lực lượng lớn quan trọng quân Mỹ, ngụy, tạo điều kiện cho các chiến trường Trung, Nam Bộ hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm 1968 trên toàn miền Nam giành thắng lợi, góp phần đánh bại chiến lược "chiến tranh cục bộ" của đế quốc Mỹ. Nêu bật sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng tạo của Đảng, của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng. Chỉ rõ tính chất chiến đấu vô cùng gay go, quyết liệt giữa ta và địch, tinh thần vượt qua mọi khó khăn gian khổ chịu đựng mọi hy sinh của quân và dân ta.
Từ kết quả nghiên cứu hai chương kể trên phù hợp với hai chặng đường phát triển của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tác giả tập trung trình bày Chương III: Hiệu quả của Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị và những bài học lịch sử. Ngoài việc khẳng định những thành tựu, những mặt đạt được, tác giả đã nêu ra những khuyết điểm chủ yếu và nguyên nhân của những khuyết điểm đó; đồng thời rút ra hai bài học lịch sử về nghi binh chiến lược; về nghệ thuật sử dụng lực lượng và hình thức tác chiến. Theo Phó Giáo sư Sử học Cao Văn Lượng: "Chương III là chương viết hay, có tầm khái quát cao, thể hiện sự trăn trở, suy nghĩ có chiều sâu của tác giả. Những nhận xét và những bài học mà tác giả trình bày là đúng, có sức thuyết phục và có giá trị khoa học".