Mô tả sản phẩm: Huyền thoại anh hùng tình báo đào phúc lộc - tập 2 - Người đặt nền móng cho ngành tình báo quân sự Việt Nam
Trong cuộc trường chinh lịch sử 30 năm (1945-1975) nhằm bảo vệ độc lập - tự do của Tổ quốc, tính đến năm 1998 Nhà nước ta đã phong tặng, truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho gần 2.000 sĩ quan, chiến sĩ. Trong đó, duy nhất chỉ có một người được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh. Đó là, Liệt sĩ Anh hùng Đào Phúc Lộc - người đặt nền móng cho sự ra đời của ngành Tình báo quân sự Việt Nam.
Trên 30 năm trước, vào cuối tháng 12 năm 1969, Đào Phúc Lộc (còn gọi là Hoàng Minh Đạo, Năm Thu, Năm Đời, Năm Đạo...) trên đường về họp ở Trung ương Cục miền Nam đã oanh liệt hy sinh trên sông Vàm Cỏ Đông. Đạn pháo từ máy bay, tàu chiến và các trận địa địch tập trung bắn xối xả vào con thuyền đang chơi vơi giữa dòng sông. Đào Phúc Lộc và toàn thể đồng đội gồm mười bảy người trên chiếc thuyền đã ra đi một cách thầm lặng. Từ đó, cuộc đời và sự nghiệp của ông dần dần trôi vào quên lãng! Đồng chí, đồng đội đã cùng cộng sự với ông không tin rằng nhà tình báo đó đã hy sinh. Cả bốn người con của ông, chưa có được một lần gặp mặt lại người cha thân yêu.
Con gái đầu lòng của ông, vượt lên trên tất cả mọi trở ngại khó khăn, quyết tâm đi ngược dòng thời gian để tìm sự thật. Chị đã gặp gỡ hàng trăm đồng chí, đồng đội của ông hiện nay đã ngoài tuổi "thất thập cổ lai hy", từng qua nhiều trọng trách; có người là Tổng Bí thư của Đảng, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Đại tướng... cho đến cả những chiến sĩ cận vệ hoặc gia đình cơ sở cách mạng, nhằm tìm hiểu thêm về cuộc đời chiến đấu của cha mình. Từ mấy ngàn mét băng cátxét, chị đã ghi âm lại những hồi ức của nhiều người kể, không chỉ là những chiến công nơi đầu sóng ngọn gió, mà cả ân tình thiết tha, kỷ niệm tốt đẹp của ông đã để thương để nhớ trong lòng những người còn sống... Nhiều cơ quan báo chí ở Trung ương, địa phương và các lực lượng vũ trang đã lên tiếng đồng tình, ủng hộ việc làm chính đáng đó và đăng tải khá nhiều bài viết về Đào Phúc Lộc nhằm góp phần khẳng định những cống hiến lớn lao của nhà tình báo anh hùng.
Đào Phúc Lộc cùng những đồng chí, đồng đội của ông đã từng tham dự vào khá nhiều sự kiện quan trọng ở những thời điểm bước ngoặt của lịch sử nước nhà: Cao trào đấu tranh tiến tới Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đặc biệt là hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, để hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước. Bởi vậy, Đào Phúc Lộc cũng như các cộng sự của ông ở từng thời kỳ là những nhân chứng đích thực của không ít những sự kiện lịch sử đã diễn ra ở Việt Nam từ những năm của thập kỷ thứ tư đến thập kỷ thứ bảy của thế kỷ XX. Cho nên những hồi ức đó là nguồn tư liệu quý giá, tin cậy, làm "sống lại" cuộc đời và sự nghiệp của người anh hùng đã trở thành huyền thoại. Đồng thời, cũng là những tư liệu tham khảo có giá trị giúp cho bạn đọc hiểu thêm quá trình ra đời và phát triển của ngành Tình báo quân sự nói riêng và lịch sử cận hiện đại nước nhà nói chung.
Việc tổng hợp một số bài viết về Đào Phúc Lộc đã được đăng trên sách báo, cùng với những hồi ức tách từ băng ghi âm, biên soạn lại thành hồi ký được in trong bộ sách "Huyền thoại anh hùng tình báo Đào Phúc Lộc" gồm 3 tập (Tập 1: Nhà tình báo thiên bẩm; tập 2: Người đặt nền móng cho ngành Tình báo quân sự Việt Nam; tập 3: Hoàng Minh Đạo - Tầm nhìn chiến lược) là một việc làm cần thiết nhằm thực hiện những mục đích yêu cầu quan trọng trên và trong những tập sách này chúng tôi đã tôn trọng các nhân chứng sống của lịch sử một thời là cộng sự, bạn bè, người thân... của nhà tình báo Đào Phúc Lộc nên đã có những đoạn giữ nguyên lời người kể.