Mô tả sản phẩm: TƯ TƯỞNG NHÂN VĂN QUÂN SỰ VIỆT NAM - TẬP 4: TỪ NĂM 1505 ĐẾN NĂM 1930
Cuốn sách Tư tưởng nhân văn quân sự Việt Nam, tập 4 - từ năm 1505 đến năm 1930 trình bày tư tưởng nhân văn quân sự Việt Nam từ thời Lê Mạt đến cuối thời nhà Nguyễn.
Kế thừa truyền thống nhân văn quân sự của các vương triều đi trước, tư tưởng nhân văn quân sự thời Lê Mạt đến cuối thời nhà Nguyễn được bổ sung, mở rộng và phát triển những luận điểm mới trong bối cảnh đất nước có nhiều biến động lớn lao. Bối cảnh xã hội vô cùng phức tạp. Mâu thuẫn chính trị, xã hội, giai cấp tăng dần dẫn đến việc giải quyết vấn đề bằng xung đột quân sự, nội chiến và chiến tranh kéo dài giữa các thế lực phong kiến tranh giành lẫn nhau quyền lực và lợi ích. Đặc biệt là các thế lực của triều Mạc (Bắc triều), Lê Trung Hưng đang phục dựng (Nam triều), Lê - Trịnh (Đàng Ngoài), họ Nguyễn (Đàng Trong), lực lượng và vương triều Tây Sơn, vương triều nhà Nguyễn, cùng những phong trào khởi nghĩa của nhân dân chống triều đình nhà Nguyễn và chống thực dân Pháp xâm lược, nhằm thống nhất đất nước, bảo vệ nền độc lập dân tộc, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Trong tiến trình lịch sử đầy biến động và phức tạp đó, tư tưởng nhân văn quân sự của dân tộc Việt Nam vẫn không ngừng được kế thừa, phát triển và tỏa sáng nhiều nét nhân văn mới. Ở đó đã sáng lên các nội dung về "hòa lòng dân, giàu của dân, cho nhà nước được thịnh trị"; "thuận theo ý trời mở vận hội cho dân"; "lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo"; "kẻ giàu người nghèo đỡ đần cho nhau"; "Đánh cho để dài tóc/Đánh cho để đen răng/Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ"; tư tưởng "không tơ hào một tý của dân"; tư tưởng "Quân lính cốt hoàn, không cốt đông"; "Nghĩa cả vua tôi sống chết vẫn theo đi"; "hết hai chữ "trung, trinh" báo quốc/Một mình để vì dân vì nước/Túi kinh luân từ trước đến nghìn sau", "sống thì cùng nhau hưởng phú quý, chết thì triều đình hương khói phụng thờ"; tư tưởng "Quân pháp bất vị thân"; coi quân nghiêm ngặt, ân tình với binh sĩ, săn sóc cẩn thận với những kẻ đau ốm, bị thương; những ai chẳng may chết trận, rất kính trọng và thương xót; tư tưởng nhân đạo, phân rõ địch - ta, bạn - thù trong tổ chức và hoạt động quân sự…
Tư tưởng nhân văn quân sự của các triều đại, lực lượng, bộ phận nhân dân và các lực lượng vũ trang, quân đội trong thời kỳ này tiếp tục được kế thừa, bổ sung và phát triển trên lập trường đối lập về lợi ích của những tập đoàn đối lập nhau; được các tác giả nhìn nhận, chọn lọc nghiên cứu và phân tích sâu sắc, nhằm làm nổi bật những nội dung và giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn quân sự Việt Nam trong thời kỳ từ năm 1505 đến năm 1930. Cuốn sách nhằm góp phần làm rõ thêm tính chỉnh thể của tư tưởng nhân văn quân sự Việt Nam, đồng thời vận dụng những giá trị nhân văn quân sự phục vụ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Thời gian trong cuốn sách đề cập là một giai đoạn lịch sử trải dài với nhiều sự kiện diễn biến liên tục của các triều đại, tập đoàn, lực lượng có lúc là đồng minh, có lúc là đối lập; nguồn tư liệu có nhiều nhưng rải rác… Mặc dù các tác giả đã có nhiều cố gắng nhưng khó tránh khỏi những sai sót. Nhà xuất bản và tác giả mong nhận được sự góp ý của bạn đọc để cuốn sách được hoàn thiện hơn ở lần xuất bản sau.
Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách với bạn đọc!