Mô tả sản phẩm: Tôi Tự Hào Là Người Việt Nam
"Bạn có tự hào là người Việt Nam không?" là câu hỏi tựa đề bài của "giáo sư xoay" Đinh Tiến Dũng trong cuốn sách này. Ba mươi ba bài viết của những người Việt trong và ngoài nước, nam và nữ, đủ lứa tuổi và ngành nghề đã trả lời "Có" theo những cách nhìn khác nhau.
Cái nhìn xuyên thời gian: nhà sử học Dương Trung Quốc nhắc để chúng ta nhớ "cái bất biến thì phải giữ, lòng tự trọng dân tộc, sự đoàn kết nhất trí", còn vị tướng Nguyễn Huy Hiệu tâm niệm câu bất hủ của Nguyễn Trãi: "lấy nhân nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo".
Cái nhìn tổng thể và thấu đáo: nhà phân tích Nguyễn Sĩ Dũng khẳng định "Bản sắc là hành trang", "bản sắc của chúng ta bất diệt thì chúng ta cũng ngàn đời bất diệt"; doanh nhân Phạm Phú Ngọc Trai cho chúng ta một cảm nhận con người Việt Nam trong con mắt người nước ngoài tạo nên "sức mạnh mềm" của Việt Nam; còn nhà kỹ trị Nguyễn Hữu Thái Hòa thì trăn trở về định vị và thương hiệu Việt Nam trong thế kỷ 21 nhưng đặt "niềm tin chiến lược vào các giá trị và các cơ hội lớn của Việt Nam".
Cái nhìn xuyên biên giới ra cộng đồng người Việt ở nước ngoài của doanh nhân "Việt kiều" Alan Phan đặt niềm tin vào khả năng vượt khó và ý chí vươn lên mãnh liệt của con người Việt Nam tha phương, từ Dương Thị Gấm ở Hoa Kỳ đến những cô gái buôn hàng lẻ ở Nga.
Cái nhìn vào một con người Việt Nam cụ thể, tiêu biểu: đó là bức tranh phác họa chân dung chính khách "Võ Văn Kiệt - Một người của nhiều người" của nhà báo Nguyễn Thế Thanh; và đặc biệt, đó là cái nhìn của tác giả - dịch giả nhỏ tuổi Đỗ Nhật Nam tràn ngập cảm xúc trước "những nụ cười trong thiên nhiên gian khó (của miền núi cao) làm ấm lòng người" của các em bé Việt Nam.
Đó là những cách nhìn đa dạng soi sáng những phẩm chất khác nhau của người Việt có thể được tranh cãi ít nhiều về tính chất tiêu biểu, đặc trưng như lòng nhân ái, sự hiếu học - "văn hóa học", sự cần cù, sự cởi mở hồn nhiên, v.v. Tuy nhiên, trong bối cảnh Biển Đông dậy sóng hiện lên sợi chỉ đỏ xuyên suốt phần lớn các bài viết, đó là sự tái khẳng định không tranh cãi về ý chí độc lập tự chủ, quyết tâm thoát khỏi lệ thuộc của dân tộc Việt Nam trong và ngoài nước.
Tôi nhận lời của anh Nguyễn Mạnh Hùng viết lời giới thiệu cuốn sách này vì tôi cũng trả lời "Có" đối với câu hỏi của anh Đinh Tiến Dũng. Thế nhưng, tôi cũng thú nhận rằng, trước khi nhận lời và chưa được tiếp cận nội dung cụ thể của các bài viết, tôi có phần ngần ngại cuốn sách sẽ là một thông điệp toàn màu hồng, một dịp "vỗ ngực" tự cao tự đại. Tuy nhiên, tôi thật sự mừng là anh Phạm Phú Ngọc Trai đã nhắc lại sự thật khách quan rằng "Người Việt Nam cũng như bất cứ người nước nào trên thế giới, đều có cái hay lẫn cái dở"; đặt biệt, tôi thấy hoàn toàn tâm đắc với lời nhắn nhủ của anh Đinh Tiến Dũng về “chó sói tốt” và “chó sói xấu” trong mỗi chúng ta cũng như kết luận của anh, "Nên sống như thế nào để có thể tự hào về bản thân mình thì cũng chính là lúc chúng ta đã tự hào là người Việt Nam".
Tôi luôn tự nhủ đừng bao giờ quên tính biện chứng của bản sắc dân tộc, sự giằng co hằng ngày hằng giờ trong xã hội hội nhập luôn biến động giữa "Người Việt xấu xí" và người Việt nhân bản, trí tuệ, tự trọng.
Đây là cuộc đấu tranh quyết liệt không bao giờ ngừng, đòi hỏi nơi mỗi chúng ta và toàn xã hội bản lĩnh đẩy lùi cám dỗ của sự thấp hèn và lòng tham và động lực vươn lên để có thể tự hào là người Việt Nam, xứng đáng với các bậc tiền bối và tạo bàn đạp cho thế hệ sau xây dựng tương lai của đất nước mà dân tộc Việt Nam xứng đáng được hưởng.