Kính thưa các nhà khoa học!
Kính thưa các quý vị đại biểu, các vị khách quý!
Hiện nay, toàn Trường và các đơn vị trong Trường đang sôi nổi tổ chức các hoạt động hướng tới lễ kỷ niệm 55 năm thành lập Trường Đại học kinh tế quốc dân. Theo kế hoạch đã được phê duyệt và được sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy, Ban giám hiệu, hôm nay khoa Bất động sản và Kinh tế tài nguyên tổ chức hội thảo với chủ đề : “Đào tạo nguồn nhân lực ngành Kinh tế tài nguyên đáp ứng nhu cầu xã hội”. Trước hết cho phép tôi được thay mặt Ban tổ chức xin kính gửi lời chào trân trọng và lời cám ơn chân thành nhất tới các nhà khoa học, các quý vị đại biểu, các vị khách quý đã dành thời gian viết bài và trực tiếp đến tham dự Hội thảo hôm nay tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân.
Kính thưa các nhà khoa học, các quý vị đại biểu khách quý!
Đối với mọi quốc gia, tài nguyên luôn là yếu tố đầu vào quan trọng đối với phát triển đất nước. Tài nguyên thiên nhiên gồm nhiều loại: đất đai; nguồn nước (gồm cả nước mặt và nước ngầm); quỹ gen (các quần thể động thực vật); nhiên liệu, năng lượng hóa thạch và khoáng sản nói chung; nguồn năng lượng tự nhiên (gió, ánh sáng mặt trời…). Trong điều kiện phát triển hiện nay, hầu hết các yếu tố tài nguyên đều là những yếu tố nguồn lực khan hiếm và có hạn, nên việc huy động và sử dụng tài nguyên một cách hợp lý, hiệu quả theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng là yêu cầu bắt buộc, là tiêu chí thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế và lựa chọn mô hình tăng trưởng của nhiều nước.
Chuyển sang kinh tế thị trường định hướng XHCN đã tạo động lực thúc đẩy phát triển đất nước ta đạt nhiều thành tựu to lớn trong thời kỳ đổi mới hơn 25 năm qua, được thế giới thừa nhận là nước thoát nghèo năm 2010 để bước vào giai đoạn phát triển. Có thể thấy rằng, về đại thể năm 2010 đánh dấu sự kết thúc của thời kỳ “phấn đấu để thoát nghèo”, để chuyển sang thời kỳ “phấn đấu để phát triển bền vững”. Trong thời kỳ phấn đấu để thoát nghèo, mọi yếu tố nguồn lực nói chung và tài nguyên nói riêng đều được huy động tối đa, được sử dụng theo hướng ưu tiên mục tiêu tăng trưởng mà ít chú ý đến hiệu quả tăng trưởng. Vai trò và giá trị của tài nguyên chưa được coi trọng, tình trạng sử dụng lãng phí tài nguyên vẫn đã và đang diễn ra ở nhiều ngành và địa phương, thậm chí có một số yếu tố tài nguyên đang có xu hướng bị suy kiệt hoặc bị tàn phá. Đến nay xu hướng huy động và sử dụng tài nguyên như vậy tỏ ra lỗi thời, không phù hợp với xu thế phát triển hội nhập và không phù hợp với bối cảnh phát triển mới của đất nước. Chuyển sang giai đoạn mới, giai đoạn phấn đấu để phát triển bền vững, đang đặt ra những yêu cầu và nhiệm vụ mới liên quan đến cả hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ thực tiễn và đào tạo cán bộ ngành Kinh tế tài nguyên có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển của Ngành. Những yêu cầu và nhiệm mới nêu trên thể hiện tập trung nhất ở chỗ ngay sau khi hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng đề án “Đẩy mạnh kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, Bộ đã có đề xuất ký kết hợp tác với Trường Đại học Kinh tế quốc dân về các nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu khoa học và đào tạo cán bộ, liên quan đến nhiều lĩnh vực bao gồm: 1/Lĩnh vực đất đai; 2/Lĩnh vực môi trường; 3/Lĩnh vực biển và hải đảo; 4/ Lĩnh vực khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu; 5/Lĩnh vực khoáng sản; 6/ Lĩnh vực đo đạc và bản đồ; 7/ Lĩnh vực tài nguyên nước. Xét về dài hạn, Trường có đủ khả năng về cơ sở vật chất và đội ngũ để tham gia cả hai hoạt động nghiên cứu khoa học và hoạt động đào tạo liên quan đến tất cả 7 nội dung đề xuất hợp tác nêu trên. Tuy nhiên trong ngắn hạn, nhất là trong giai đoạn từ nay đến hết năm 2013 và một số năm tiếp theo, cần xác định rõ và hoàn thành tốt một số nhiệm vụ chủ yếu; Và trên cơ sở hoàn thành tốt những nhiệm vụ chủ yếu đó sẽ góp phần nâng cao vị thế của Trường đối với xã hội trong nghiên cứu khoa học và đào tạo ngành Kinh tế tài nguyên trong tương lai.
Về nghiên cứu khoa học: Với tinh thần cơ bản đã xác định như trên, hoạt động nghiên cứu khoa học về Kinh tế tài nguyên sẽ tập trung vào một số lĩnh vực gồm: lĩnh vực đất đai; lĩnh vực tài nguyên nước; lĩnh vực biển và hải đảo, với một số nội dung cụ thể là:
- Lĩnh vực đất đai, tập trung các nội dung chủ yếu: Hoàn thiện môi trường thể chế, pháp luật về đất đai: Các chính sách tài chính đối với đất đai; Vấn đề xác định giá đất; Vấn đề phát triển thị trường đất đai và bất động sản khác; Những vấn đề kinh tế, quản lý tài nguyên đất trong điều kiện đẩy mạnh CNH,HĐH đất nước…;
- Lĩnh vực tài nguyên nước, tập trung vào các nội dung chủ yếu: Nghiên cứu phương pháp đánh giá giá trị tài nguyên nước; Vấn đề phát triển thị trường dịch vụ về nước (cả cho sản xuất và đời sống); Những vấn đề kinh tế, quản lý tài nguyên nước của Việt Nam;
- Lĩnh vực biển và hải đảo, tập trung vào một số vấn đề kinh tế và quản lý chủ yếu như: Quy hoạch phát triển kinh tế biển và hải đảo; Vấn đề bảo tồn các vùng kinh tế sinh thái biển, đảo; Những vấn đề kinh tế, quản lý phát triển bền vững biển và hải đảo; Và một số vấn đề khác do yêu cầu cơ quan quản lý và thực tiễn đặt ra.
Để định hướng đúng cho các hoạt động nghiên cứu khoa học đáp ứng nhu cầu thực tiễn, kính mong Hội thảo cho thêm ý kiến về xác định một số lĩnh vực và nội dung chủ yếu, hoặc cụ thể hóa thêm các vấn đề liên quan như đã nêu trên.
Về đào tạo cán bộ: Đáp ứng nhu cầu thực tiễn về đào tạo đội ngũ cán bộ, trong những năm qua Trường đại học Kinh tế quốc dân đã có đào tạo các chuyên ngành Kinh tế và quản lý địa chính (thực chất là ngành Kinh tế tài nguyên với hướng chuyên sâu là Lĩnh vực đất đai); chuyên ngành Kinh tế nông nghiệp & PTNT (thực chất là ngành Kinh tế tài nguyên với hướng chuyên sâu là lĩnh vực Nông lâm thủy sản). Hiện nay, Trường Đại học Kinh tế quốc dân đang thực hiện việc bố trí, sắp xếp lại các Ngành đào tạo theo yêu cầu thực hiện đổi mới giáo dục đại học đáp ứng nhu cầu xã hội, một số ngành đào tạo mới sẽ được hình thành; Trong đó có ngành Kinh tế tài nguyên. Để hoàn thiện việc xây dựng và phát triển đào tạo ngành Kinh tế tài nguyên, kính mong Hội thảo cho một số ý kiến liên quan đến các nội dung chủ yếu sau đây:
- Về mục tiêu đào tạo: Xác định rõ nhu cầu xã hội cần những cử nhân có phẩm chất, năng lực như thế nào để hoàn thành nhiệm vụ quản lý vĩ mô hoặc quản trị kinh doanh thuộc lĩnh vực Kinh tế tài nguyên nói chung và từng lĩnh vực tài nguyên cụ thể;
- Về chương trình đào tạo: Với khung chương trình đào tạo do Bộ quyết định, ngoài phần kiến thức chung, những kiến thức ngành và chuyên sâu cần có của cử nhân Kinh tế tài nguyên gồm những kiến thức gì? Nên chăng định hướng trước mắt về kiến thức chuyên sâu sẽ tập trung vào lĩnh vực đất đai, lĩnh vực tài nguyên nước và tập trung sức xây dựng một số môn học liên quan đến lĩnh vực biển và hải đảo; trong dài hạn sẽ xây dựng các môn học chuyên sâu liên quan đến các lĩnh vực tài nguyên khác (khoáng sản, năng lượng mặt trời…)?
- Về định hướng phát triển ngành: Ngành đào tạo Kinh tế tài nguyên được dự kiến phát triển theo hướng đơn ngành, trong đó có các hướng chuyên sâu theo từng lĩnh vực tài nguyên cụ thể. Tuy nhiên xin Hội nghị cho thêm ý kiến về khả năng liên thông trong đào tạo giữa ngành Kinh tế tài nguyên với các Ngành khác cũng như giữa các trình độ đào tạo (cử nhân, thạc sỹ, tiến sĩ) trong quá trình phát triển đào tạo của Trường Đại học Kinh tế quốc dân cũng như của các Trường khác trong và ngoài nước.
- Một số ý kiến khác có liên quan đến điều kiện đào tạo như: cơ sở vật chất cần có, xây dựng đội ngũ giảng viên cơ hữu và kiêm giảng (nếu có)
Kính thưa các nhà khoa học, các quý vị đại biểu, các vị khách quý!
Hội thảo này có chủ đề và nội dung rất rộng. Bối cảnh tổ chức Hội thảo lại trong khuôn khổ của một hoạt động hướng tới kỷ niệm 55 năm thành lập Trường. Do vậy, mong muốn của Ban tổ chức là xin Hội thảo tập trung vào thảo luận một số vấn đề chủ yếu liên quan như đã trình bày trên để làm căn cứ vững chắc cho việc xác định nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và đào tạo ngành Kinh tế tài nguyên trong thời gian tới.
Xin kính chúc các nhà khoa học, các quý vị đại biểu khách quý dồi dào sức khỏe! Xin kính chúc Hội thảo thành công tốt đẹp! |