Loại sách | Du lịch - Việt Nam |
Tác giả | TS. Nguyễn Thị Phương Thùy |
Số trang | 371 |
Kích cỡ | 20x26cm |
Nhà xuất bản | Chính Trị Quốc Gia |
Tìm theo vần | X |
Hình thức bìa | Bìa mềm |
Nội dung tóm tắt |
Có thể nói, văn chương nói chung và thơ nói riêng là một loại hình nghệ thuật; trong đó, chất liệu được sử dụng để tạo lập nên tác phẩm văn chương chính là ngôn ngữ. Để hiểu thơ, hiểu hồn thơ của người cầm bút thì căn cứ, đối tượng, tâm điểm của những tìm tòi, phân tích trước hết phải là ngôn ngữ thơ. Ở Việt Nam, các tác phẩm thơ đã được bạn đọc và giới phê bình tiếp cận dưới nhiều góc độ, cách tiếp cận khác nhau và phần lớn dựa trên những cảm nhận chủ quan, những hoàn cảnh xã hội khi tác phẩm ra đời cùng một số yếu tố khác mà ít người nhìn nhận thơ dưới góc nhìn ngôn ngữ học với những phân tích khách quan về cấu trúc tầng bậc trong ngôn ngữ mà nhà thơ đã viết cũng như giá trị tác động của hệ thống ngôn ngữ đó đối với người tiếp nhận; có ít bài bình luận, công trình nghiên cứu xác lập được đặc điểm về phong cách sử dụng ngôn ngữ của từng nhà thơ nói riêng và giai đoạn thơ nói chung. Vì lẽ đó mà nghiên cứu thơ vẫn đang cần những lý giải thuyết phục hơn.
Với mục tiêu tìm hiểu sự tự do hóa ngôn ngữ thơ, cuốn sách chuyên khảo Xu hướng tự do hóa ngôn ngữ thơ Việt Nam thế kỷ XX của TS. Nguyễn Thị Phương Thùy đã sử dụng những kiến thức về ngôn ngữ học để xem xét, phân tích, đánh giá thơ Việt Nam trong một giai đoạn nổi bật của lịch sử văn học nước nhà - thơ Việt Nam thế kỷ XX. Cuốn chuyên khảo này sẽ góp phần làm căn cứ thực tiễn và lý luận cho việc nghiên cứu cấu trúc của ngôn ngữ thơ nói chung (tổ chức, mô hình, niêm luật, vần, nhịp, thanh điệu) cũng như nghiên cứu cấu trúc ngôn ngữ thơ trong mối tương quan với thi pháp học ngôn ngữ thơ, phân tích diễn ngôn ngôn ngữ thơ, chức năng ngôn ngữ thơ...; từ đó có một cách tiếp cận thơ theo hướng không chỉ đơn thuần cảm xúc mà phải căn cứ trên “nghệ thuật ngôn từ” - những cấu trúc ngôn ngữ mà các nhà thơ đã dày công gọt giũa, cân nhắc để tạo nên.
Từ việc làm rõ khái niệm “tự do hóa ngôn ngữ” thơ Việt Nam trong thế kỷ XX, cuốn sách cũng đã từng bước mô tả những biến đổi theo hướng tự do hóa trên cứ liệu các tập thơ ở ba cấp độ: bài thơ, khổ thơ, câu thơ; so sánh với các thể thơ truyền thống để tìm ra sự biến đổi, sự mới lạ và sự khác biệt trong cấu trúc của thơ Việt Nam thế kỷ XX. Với những điểm mới nhất định trong cách tiếp cận cùng những nỗ lực trong quá trình nghiên cứu, cuốn sách sẽ là một tài liệu hữu ích cho những độc giả quan tâm đến lĩnh vực ngôn ngữ học, văn học và ngôn ngữ văn học Việt Nam |