Mô tả sản phẩm: Tạp chí vạn hạnh - trọn bộ 7 Quyển
Khoảng giữa những năm 60 của thế kỷ 20, nhận thấy sự cần thiết về một cơ sở đào tạo, giáo dục có quy mô về tôn giáo hàng đầu Việt Nam lúc bấy giờ là Phật giáo, các vị lãnh đạo của Phật giáo miền Nam Việt Nam đã nhen nhóm ý tưởng thành lập một viện Đại học cho riêng mình. Ngay sau đó Viện Đại học Vạn Hạnh được thành lập và cấp phép hoạt động ngày 17/10/1964, ban đầu đặt tại chùa Xá Lợi và chùa Pháp Hội, đến năm 1966 dời về biệt lập tại 222 Trương Minh Giảng (nay là đường Lê Văn Sỹ, TP. HCM). Viện do Thượng tọa Thích Minh Châu làm viện trưởng, Phó viện trưởng là Thượng tọa Thích Mãn Giác.
Không chỉ là nơi đào tạo nhiều tầng lớp thiện trí thức để cống hiến cho Phật giáo và góp phần xây dựng đất nước, các vị đứng đầu Viện đại học Vạn Hạnh còn lập ra Ban tu thư viện Đại học Vạn Hạnh biên soạn, xuất bản nhiều đầu sách, tạp chí Phật học có giá trị, đáp ứng cho nhu cầu học tập và tìm hiểu của học viên và những ai có nhu cầu nghiên cứu. Một trong những ấn phẩm đầu tiên, ghi dấu ấn mạnh mẽ của Ban tu thư lúc bấy giờ đó là tạp chí Vạn Hạnh. Đây là tạp chí nghiên cứu phát huy văn hóa Phật giáo dân tộc, là cơ sở để sau đó Ban tu thư Vạn Hạnh cho ra đời bộ tạp chí Tư tưởng nổi tiếng, là cơ quan ngôn luận dẫn đầu về mặt tư tưởng, triết lý, giáo dục và văn hóa Phật giáo hàng đầu của Phật giáo Việt Nam.
Tạp chí Vạn Hạnh không chỉ tập trung vào nghiên cứu các vấn đề về Phật giáo như quá trình du nhập và phát triển, tư tưởng, triết học… mà còn đặc biệt chú trọng và dành phần lớn nội dung nói về các vấn đề lịch sử, văn hóa dân tộc, văn học, nghệ thuật… Người đọc có thể tìm thấy ở bộ tạp chí này từ các trang viết nghiên cứu văn học dân gian như ca dao, dân ca, đến các bài nghiên cứu về văn học Trung đại mà tiêu biểu là đại thi hào Nguyễn Du và các vấn đề xuay quanh truyện Kiều. Ngoài ra, các tác phẩm văn tế, một số tác phẩm văn học Phật giáo tiêu biểu thời Lý, Trần cũng được sưu tầm, bình giảng khá chi tiết. Bên cạnh đó, các bài viết về văn truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc, bước đầu manh nha tiếp cận văn hóa Trung Hoa, văn hóa Ấn Độ và phương Tây cũng chiếm một dung lượng không nhỏ. Những bài viết này không chỉ giúp ích cho việc học tập và nghiên cứu của các học giả đương thời, mà cho đến tận ngày nay, nó vẫn thật sự là những tài liệu vô cùng quý giá, sâu sắc, phục vụ cho nhu cầu nghiên cứu về văn hóa dân tộc, văn hóa Phật giáo của rất nhiều người. Có thể nói, tạp chí Vạn Hạnh ra đời như một bước tiến lớn, là bước đệm mạnh mẽ để công cuộc nghiên cứu và cho ra đời các ấn phẩm nghiên cứu về Phật giáo, văn hóa, giáo dục của dân tộc có đà vững chắc để phát triển về sau.