Mô tả sản phẩm: Mắt sáng - Lòng Trong - Bút sắc
“Mắt sáng lòng trong bút sắc” là tác phẩm nổi tiếng của nhà báo Hữu Thọ. Từ nhiều năm qua, cuốn sách đã trở thành cẩm nang nghề nghiệp của nhiều nhà báo, phóng viên, sinh viên báo chí.
Cuốn sách bao gồm 4 phần: Phần một, tập hợp một số bài giảng cho sinh viên và một số bài trao đổi ý kiến với đồng nghiệp in trong tập Công việc của người viết báo viết trong những năm 1980-1988, đã được tác giả sửa chữa, bổ sung một số dẫn chứng để gần gũi hơn với bạn đọc hôm nay, nhưng vẫn giữ nguyên mạch suy nghĩ như khi mới được viết ra trong thời kì đầu đổi mới.
Phần hai, tập hợp những bài nói, viết, bài giảng chuyên đề, trả lời phỏng vấn các báo của tác giả được trình bày tại các hội nghị, hội thảo, lớp học và đăng tải trên các báo, tạp chí ở nước ta trong thời gian hơn 10 năm đối mới đất nước.
Phần ba, tập hợp các bài nói, bài viết về báo chí từ năm 2001 đến 2006, trong thời gian tác giả làm Trợ lý Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, phụ trách báo chí, Tuyên giáo.
Phần bốn, trích Hồi kí về nghề báo, tập hợp những bài viết của tác giả từ những ngày mới vào nghề, thời kỳ làm báo ở tuyến lửa, đến làm báo thời đổi mới.
Những bài nói, bài viết đề cập đến nhiều khía cạnh quan trọng của nghề làm báo, từ thực tiễn mà nêu lên những vấn đề lý luận nghiệp vụ vừa sâu sắc, vừa mới mẻ. Đó còn là “mấy lời tâm sự” của một người làm báo chuyên nghiệp trải hơn 50 năm kinh nghiệm trước những biến đổi lớn lao của đất nước, của đời người và của nghề nghiệp.
Hễ ai làm báo đều biết, đặc trưng của báo chí là gì. Nhưng xác định đâu là những điểm quan trọng nhất, cần được ưu tiên nhất, thì mỗi nhà báo, mỗi cơ quan báo chí lại có một quan điểm riêng. Với nhà báo Hữu Thọ, ông cho rằng: Hoạt động báo chí chủ yếu là thông tin, bình luận. Mà đã thông tin thì tiêu chuẩn cao nhất là nhanh và chính xác. Trong cạnh tranh nghề nghiệp phải cố gắng vươn tới thông tin, bình luận nhanh nhất và chính xác nhất… Nếu đạt được cả hai tiêu chuẩn nhanh và chính xác thì tốt nhất, còn nếu không thể được thì theo tôi vẫn phải coi sự chính xác là tiêu chuẩn hàng đầu, rồi cố gắng thông tin nhanh nhất đến bạn đọc.
Trong một bài viết mang tên: “Trong nghề buôn đừng đi buôn chữ”, nhà báo Hữu Thọ viết: Ông cha ta thường nói: Dao găm có lúc liền thương tích - Lời nói theo nhau hận suốt đời. Nói vậy để cân nhắc trước ngòi bút. Tôi nghĩ rằng: Viết khen hay chê một ai thì chúng ta cũng nên làm một phép hoán vị, đặt mình vào vị trí người đó, ngòi bút sẽ đằm hơn. Khen thì hãy chân thành, không nịnh bợ, cũng không làm ra kiểu ban phát như người trên khen kẻ dưới. Chê ai thì cũng đừng dập vùi, mạt sát… Cái tâm, lòng chân thành, sự trung thực giúp cho nhà báo định hướng ngòi bút. Trong nghề buôn, đừng bao giờ đi buôn chữ.
Có thể trong xã hội, nhiều người muốn mua nhà báo. Nhưng ta nhất định không bán thì chẳng ai mua được.
Trả lời phỏng vấn các phóng viên về vấn đề chống tiêu cực, tham nhũng trên báo chí, ông nói: Nếu chống tiêu cực với động cơ trong sáng thì nhà báo chẳng việc gì phải ngại, cứ kiên quyết chống. Làm được điều đó là giúp cho Đảng có thêm cơ sở để đánh giá cán bộ, nhìn người tốt, kẻ xấu, giúp cho Nhà nước có cơ sở phát hiện và xử lý nghiêm minh những kẻ vi phạm pháp luật. Cái gì nhà báo đã điều tra chắc chắn thì viết, không nên hạn chế, nhà báo chịu trách nhiệm pháp lý về điều mình viết. Cái gì mới chỉ nghe kể, nghe nói còn nghi ngờ, phân vân thì chưa nên viết, nhưng cũng nên cung cấp cho Đảng, cho cơ quan có trách nhiệm.
Rất nhiều vấn đề liên quan đến nền báo chí Việt Nam trong thời kì đổi mới và tác nghiệp của nhà báo trong môi trường báo chí mang tính hiện đại, nhiều cạnh tranh, nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều cạm bẫy và thách thức đã được tác giả phân tích, dẫn chứng, bàn luận, mổ xẻ một cách sắc sảo và thấu đáo để làm sáng tỏ những luận điểm quan trọng. Ông gọi đây là những Tâm sự, nhưng với các thế hệ người làm báo, đây là những bài học lớn lao.