Mô tả sản phẩm: Chất độc da cam tại Việt Nam tội ác hôm qua
Cuốn sách “Chất độc da cam tại Việt Nam: Tội ác hôm qua, thảm họa ngày nay” do Hội hữu nghị Pháp-Việt biên soạn, Nhà xuất bản Tiresias-Pari phát hành. Phần thứ nhất nêu thực trạng tình hình với các bài viết: “Việt Nam, một cuộc chiến tranh quá dài” của tiến sĩ sử học Charles Fourmau; “Chất độc da cam ở Việt Nam-tác hại và các vấn đề được đặt ra”, của bác sĩ Jean Meynard; “Sự cam kết của các nhà khoa học'' của tiến sĩ sinh học Y vonne Capdeville; “Cuộc chiến tranh hóa học của Mỹ ở Việt Nam” của nhà nghiên cứu thực vật học Mỹ Arthur H.Westing. Phần thứ hai viết về triển vọng tình hình với 4 bài viết của các giáo sư, nhà nghiên cứu Việt Nam và quốc tế như: Vấn đề hủy diệt môi trường, nghiên cứu và phục hồi môi trường, hậu quả đối với sức khỏe con người, Cuộc sống của các gia đình nạn nhân chất độc da cam; Vấn đề pháp lý và bồi thường.
ÔngTrịnh NgọcThái , Chủ tịch Hội hữu nghị Việt-Pháp cho biết: sau hai tuần xuất bản cuốn sách trên, hội nghị quốc tế về hậu quả chất độc da cam/dioxin do Hội hữu nghị Pháp-Việt sẽ được tổ chức vào ngày 11 và 12/3/2005 tại Pari trong phòng họp của Thượng nghị viện Pháp. Khoảng 250 nhà khoa học, cựu chiến binh, các nhà hoạt động xã hội, nhân đạo, chính trị, pháp lý thuộc nhiều nước trên thế giới như: Pháp, Hoa Kỳ, I-ta-li-a, Thụy Điển, Úc, Bỉ, Đức, Áo, Anh, Nhật Bản... sẽ tham dự. Sau khi xem một cuốn phim về chất độc da cam ở Việt Nam, Hội nghị sẽ đề cập đến 6 vấn đề: Lịch sử cuộc chiến tranh hóa học; Hậu quả về dịch tễ học và sức khỏe con người; Thực trạng hệ sinh thái và triển vọng cải thiện; Hậu quả kinh tế-xã hội; Các khía cạnh pháp lý và Tổng kết sự giúp đỡ của các tổ chức công và tư đối với Việt Nam. Hội nghị sẽ thông qua một Lời kêu gọi các tổ chức quốc tế và quốc gia đoàn kết và ủng hộ Việt Nam và thực hiện trách nhiệm của mình đối với các hậu quả của cuộc chiến tranh, ủng hộ Vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam đối với các công ty Hoa Kỳ đã sản xuất chất độc.
Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, Quỹ hòa bình và phát triển Việt Nam và nhiều tổ chức khác của Việt Nam, Hội hữu nghị Việt-Pháp hoan nghênh sáng kiến nói trên vì đây là một việc làm phù hợp với mong muốn của nhân dân Việt Nam; phối hợp với các hoạt động của Việt Nam giải quyết hậu quả, cứu trợ nạn nhân, trong đó có phong trào lấy chữ ký; đồng thời cũng là một sự hỗ trợ đối với Vụ kiện mà hôm nay (28/2/2005), là ngày diễn ra Phiên điều trần tại Tòa án Mỹ để xem xét đơn kiện ngày 10/1/2004 của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, kiện 36 doanh nghiệp đã sản xuất chất độc da cam cho quân đội Mỹ./.