Loại sách | Văn học nước ngoài - Tiểu thuyết |
Tác giả | Gustave Flaubert |
Số trang | 451 |
Kích cỡ | 14.5x20.5cm |
Nhà xuất bản | Văn Học |
Tìm theo vần | B |
Hình thức bìa | Bìa mềm |
Khối lượng | 550 Gram |
Nội dung tóm tắt |
Khi một nhà văn xây dựng thành công chân dung một nhân vật, thì nhân vật đó không chỉ sống trong tác phẩm mà nó còn có một cuộc sống khác, cuộc sống bên ngoài xã hội - cái tính cách mà nhà văn khái quát qua chân dung nhân vật của mình được đem ra gọi tên cho nhiều trường hợp ngoài đời sống. Chẳng hạn, Lỗ Tấn đã xây dựng được một loại tính cách AQ, hay Nam Cao dựng được chân dung điển hình qua nhân vật Chí Phèo. Thế kỷ 19, nhà văn hiện thực xuất sắc Gustave Flaubert đã xây dựng được một tính cách Bôvary (Bovarysme) qua tác phẩm Bà Bôvary.
Với ngòi bút hiện thực, khách quan và tỉnh táo đến mức lạnh lùng, Flôbe đã xây dựng tâm lý nhân vật Bôvary rất sâu sắc, với vô số những biến đổi phức tạp. Emma Bôvary sinh ra trong một gia đình nông dân khá giả, được học hành và chịu ảnh hưởng của tiểu thuyết lãng mạn Pháp nên nàng có rất nhiều mộng ước về tình yêu và dường như cuộc đời phơi phới đợi nàng phía trước. Nhưng đến tuổi lấy chồng, Emma phải kết hôn với một người đàn ông hiền lành đến mức tẻ nhạt. Trong một cuộc sống tư sản đủ về vật chất nhưng thật đơn điệu, nhàm chán, nàng thấm thía được nỗi chán chường, sự vỡ mộng. Emma đắm chìm trong những khát khao và rồi lại liên tiếp vỡ mộng. Sau khi sinh con, nàng cảm thấy cuộc đời của mình như thế là chấm hết. Nàng mơ một cuộc sống khác, lung linh màu sắc, lãng mạn, thi vị như trong các cuốn tiểu thuyết. Điều đó đã khiến Emma đi ngoại tình – ngoại tình là một trào lưu của giới tư sản Pháp trong thế kỷ 19. Emma đã yêu say đắm và muốn cùng người đàn ông mà nàng yêu bỏ trốn. Nhưng chính con đường này đã dẫn nàng đến một kết cục bi đát: một lần nữa Emma vỡ mộng thảm hại và đã phải tìm đến cái chết. Emma Bôvary mang một tính cách phức tạp, đem lại cho người đọc nhiều xúc cảm: vừa đáng thương vừa đáng trách. Phía sau đời sống của người đàn bà này, một xã hội tư sản Pháp thế kỷ 19 hiện ra với nhiều sắc màu, để lại cho người đọc nhiều đánh giá, suy ngẫm…
Mặc dù khi mới ra đời, tác phẩm Bà Bôvary gây dư luận trên văn đàn song nó cũng suýt khiến tác giả phải ngồi tù vì tội vi phạm thuần phong mỹ tục của xã hội. Song Emma Bôvary không phải là cá biệt, mà đó là hình ảnh chung của rất nhiều phụ nữ tư sản thời đó. Tính cách Bôvary (bovarysme) trở thành một thành ngữ trong ngôn ngữ Pháp nói về sự không ăn khớp giữa ảo vọng lãng mạn và cái tầm thường, thô kệch của cuộc sống. |