Mô tả sản phẩm: Thưởng ngoạn đồ sứ kí kiểu thời Nguyễn 1802 - 1945
Những người có thú đam mê đồ sứ cổ của Việt Nam không ai là không hơn một lần trầm trồ và ước ao được sở hữu những món đồ sứ được mệnh danh là Bleus de Hué (đồ sứ men lam Huế) lừng danh của thời Nguyễn.
Nhưng không phải lúc nào cũng có thể sở hữu "vật báu" hay ngắm nhìn thỏa thuê trong bảo tàng, nên những tập sách sưu tầm, nghiên cứu về nó trở thành giá trị "phi vật thể" như một bảo tàng mini.
Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, có lẽ không chỉ là sự đam mê trước vẻ đẹp tuyệt mỹ của những món đồ sứ cổ thời Nguyễn - là di vật do tổ tiên gia đình để lại và do bản thân sưu tầm, mà có lẽ ông còn muốn đi tìm những tri âm để chia sẻ nguồn đam mê đó bằng một hình thức vừa thanh tao, vừa bác học nhưng không kém phần thú vị: thể hiện trên sách.
Nhưng có thể nói, điều đặc biệt của Thưởng ngoạn đồ sứ kí kiểu thời Nguyễn (1802-1945) chính là việc xác định tên gọi của "dòng" đồ sứ này. Từ trước tới nay, trong giới cổ ngoạn thường gọi là đồ sứ men lam Huế, theo cách đặt tên của một nhà nghiên cứu người Pháp ở đầu thế kỷ 20, cứ thế, dần dà nó trở thành "kí hiệu" của dòng đồ sứ cổ thời này.
Đồ sứ thời này được gọi chung là đồ kí kiểu thời Nguyễn để thấy được tổng thể chính xác của nó.
Thưởng ngoạn đồ sứ kí kiểu thời Nguyễn, 1802-1945, dù chỉ là hình ảnh của những bình, lọ, ấm, chén, bát, tứ bảo thư phòng… nhưng có thể thấy được toàn cảnh thịnh – suy của các đời Vua.
Tác giả đặt tên cuốn sách của mình là Thưởng ngoạn… là có nguyên cớ hẳn hòi. Đồ cổ nói chung và đồ sứ kí kiểu nói riêng, thường giấu trong mình nhiều bí ẩn lịch sử và văn hoá, mang tính cách và tinh hoa của chủ nhân sáng tạo ra nó, ngoài ra còn là nơi cất giữ những ước mơ của người đời trước cho người đời sau như một thông điệp thời gian.
Giải mã được những điều đó phải có nhiều điều kiện, không chỉ thời gian mà cần nhiều kiến thức khoa học kết hợp, đồng thời phải có cả những phương tiện giúp "vượt thời gian, không gian", thì mới có thể.
Tác giả dù có tham vọng để thật sự "sống" với cổ vật nhưng trong một cuốn sách thì không thể, nên chỉ là bước đầu với bộ sưu tập công phu, gần như toàn cảnh của đồ sứ kí kiểu thời Nguyễn, để những tri âm với đồ cổ cùng thưởng ngoạn, ngắm nhìn, như phác thảo trước của những nghiên cứu sâu về sau.
Chẳng phải đi đâu xa, vào bảo tàng hay tìm đến những nhà sưu tập đồ sứ cổ… (mà chắc gì đã được chủ nhân cho phép thưởng thức), những người đam mê đồ sứ men lam Huế - đồ sứ kí kiểu thời Nguyễn giờ đây có thể thoả mãn trong một chừng mực, nhưng không kém thú vị khi sở hữu trong tay cuốn Thưởng ngoạn đồ sứ kí kiểu thời Nguyễn (1802-1945) của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn.
Ngoài sự phong phú của các mẫu vật được minh họa, cuốn sách còn được thực hiện với chất lượng in ấn cao cấp trên nền giấy tốt, nội dung được chăm chút với những chú giải ngắn, gọn, đầy đủ một cách khoa học, chính xác những số liệu, đỉểm xuyết vào đó là những câu thơ Nôm, thơ Hán, để vừa ngắm cổ vật qua ảnh vừa ngâm nga thơ người xưa như một cách thưởng thức thanh tao của bậc trí giả.