Mô tả sản phẩm: Nguyễn Minh Châu - Tuyển tập
Giới thiệu về nội dung
Nguyễn Minh Châu được coi là "vị khai quốc công thần" của "triều đại" văn học đổi mới. Bắt đầu từ "Nguồn suối", "Nhành mai", đặc biệt là "Bức tranh", "Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành",... truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu đã tăng dần độ rung chấn vào cơ địa văn đàn đương thời, dự báo một cuộc bung trào dung nham đổi mới triệt để của văn học nghệ thuật những năm sau đó.
Là một người khoác trên mình chiếc áo xanh của lính, lăn lộn nhiều với đời sống quân đội nên chiến tranh - người lính là đề tài chủ yếu trong các tác phẩm của Nguyễn Minh Châu. Chẳng hạn như "Nguồn suối" có bối cảnh không gian ở vùng bản Pa-khen, sát biên giới Việt - Lào. Trong đó, có nhân vật Ngạn - huyện đội trưởng, Vang - người liên lạc, ông Hừng - đội viên đội du kích và cha con người Lào đã cứu chữa, cưu mang bộ đội ta chống Pháp.
Ở phạm vi đề tài này, còn một truyện ngắn tiêu biểu nữa như "Lá thư vui", "Những vùng trời khác nhau", "Chuyện đại đội", "Mảnh trăng cuối rừng", "Bên đường chiến tranh"... Tất cả đều được tập hợp trong "Tuyển tập truyện ngắn Nguyễn Minh Châu" do Nhà xuất bản Văn học ấn hành.
Con đường mà Nguyễn Minh Châu tự vạch ra cho mình là con đường khẳng định, bằng những hình ảnh nghệ thuật chân thật, bản chất tốt đẹp, vĩ đại của chế độ ta, của nhân dân và quân đội ta.
Nhà văn ý thức rất rõ nhu cầu của mình và của văn học. Có khi, ông phải giã từ chính mình, truy đuổi những cách khám phá, trải nghiệm đời sống dưới góc nhìn và phương diện mới. Trong "Bức tranh" và "Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành", ít nhất, sự truy đuổi ấy đã đặt Nguyễn Minh Châu trước một thử thách triết học: sự tự nhận thức. Nhận thức không chỉ diễn ra dưới công năng của tư duy lý trí mà còn phải diễn ra bằng những luồng xung của tiềm thức, của vùng sâu - vùng sáng ẩn kín nhất của tâm hồn.
Ấy vậy mà đôi khi, ông đành bất lực nếu phải lí giải cho nhân vật và hiện thực. Những nhân vật của ông đã vượt qua "giăng bẫy" hiện thực do chính ông chân thật dựng nên, rơi vào trạng thái "bất khả trị". Khi đó, sự tự nhận thức trở nên đau đớn, thành một vết thương sẵn sàng thức tỉnh.
Ai nào biết được khuôn mặt trong "Bức tranh" kia là khuôn mặt gì của thời đại, thế hệ, của cá nhân? Ai biết được người đàn bà tên Quỳ ấy mắc phải chứng bệnh của cá nhân hay của một thời đại?... Điều này không dễ dàng trả lời hay kết luận. Cũng như các nhân vật kia không dễ dàng dập tắt ngọn lửa tự nhận thức mình. Bởi dập tắt đồng nghĩa với thiêu rụi sự sống.
Với tuyển tập này, chúng ta sẽ có được một cái nhìn đầy đủ và sâu sắc hơn về diện mạo văn học mà Nguyễn Minh Châu đã tự phác hoạ qua từng chặng đường sáng tác của mình.
Mời bạn đón đọc!