Cuốn sách "Lịch sử Nhà Nguyễn - Một cách tiếp cận mới" do NXB Đại học Sư phạm và Trung tâm Văn hoá Tràng An phối hợp xuất bản, phát hành năm 2005. Qua 6 năm kể từ ngày ra mắt lần đầu tiên, cuốn sách đã nhận được sự quan tâm và đánh giá rất cao của bạn đọc nói chung, của giới nghiên cứu sử học nói riêng. Do nhu cầu của bạn đọc cả nước, quý I năm 2011, hai đơn vị trên (NXB Đại học Sư phạm và Trung tâm Văn hoá Tràng An) lại quyết định cho tái bản cuốn sách có giá trị lịch sử này.
"Lịch sử Nhà Nguyễn - Một cách tiếp cận mới" là kết quả chung của cuộc Hội thảo khoa học cấp quốc gia về “Nghiên cứu và giảng dạy lịch sử thời Nguyễn ở Đại học” do Khoa Lịch sử và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức tháng 10/2002. Vì vậy, nội dung sách gồm nhiều bài viết có chất lượng cao. Đó là những công trình nghiên cứu công phu, nghiêm túc của các nhà nghiên cứu khoa học Lịch sử học nói riêng, khoa học Xã hội - Nhân văn nói chung và của nhiều nhà giáo có uy tín về giảng dạy Lịch sử Việt Nam trong thời đại nhà Nguyễn.
Triều Nguyễn tồn tại trong vòng 143 năm (1802-1845) với 13 đời vua. Tuy thời gian trị vì không dài hơn so với các triều đại khác (triều Lý, 1010-1225; triều Trần, 1225-1400), nhưng triều Nguyễn lại có vị trí hết sức đặc biệt trong tiến trình lịch sử nước nhà. Nó được ví như chiếc cầu nối chuyển tiếp giữa thời kỳ trung đại đến hết thời cận đại.
143 năm tồn tại của triều đại nhà Nguyễn là một phần quan trọng của lịch sử nước nhà, là một lát cắt ngang phản ánh diện mạo của hơn một ngàn năm chế độ quân chủ phong kiến Việt Nam. Nó đã để lại nhiều dấu ấn, đan xen giữa những cái tiến bộ và hạn chế; thậm chí có những mảng đen trắng không rõ ràng. Điều này khiến các nhà nghiên cứu phải mất nhiều công tìm hiểu và cũng gây ra nhiều tranh cãi trong giới Sử học nói riêng và giới Khoa học xã hội Việt Nam nói chung. Từ cách tiếp cận khác nhau đã dẫn đến những nhận định khác nhau, thậm chí đối lập nhau về công và tội của vương triều này. Chẳng hạn, vấn đề chính sách đối nội và đối ngoại của nhà Nguyễn, một số nhà sử học cho rằng, đây là giai đoạn lịch sử đi xuống, nhà Nguyễn vẫn lấy tư tưởng Nho giáo, Khổng – Mạnh lỗi thời làm nền tảng. Đó là một chế độ quân chủ chuyên chế, hà khắc, tham nhũng, thần phục phong kiến Trung Hoa lạc hậu và “bế quan tỏa cảng” với thế giới phương Tây, đàn áp và cấm đạo. Vua quan thì bạc nhược, có tư tưởng đầu hàng dẫn tới mất nước. Ngược lại, một số ý kiến cho rằng: Dưới triều nhà Nguyễn, nền hành chính quốc gia được xây dựng chặt chẽ, thống nhất hơn các triều đại trước nhiều; dân trí được mở mang, thi cử tuyển chọn người tài đều đặn; khai khẩn đất hoang ở phía Nam và lấn biển ở phía Bắc, nền kinh tế nông nghiệp, thủ công nghiệp có những phát triển… Nhận định vai trò lịch sử của các vua nhà Nguyễn cũng là một vấn đề quan trọng và cần phải khách quan, vì tính lịch sử của họ đối với đất nước. Có vua nhà Nguyễn như Minh Mệnh đàn áp phong trào khởi nghĩa dữ dội, nhưng ông thực sự củng cố được đất nước, mở mang được bờ cõi. Tự Đức có chính sách bạc nhược. Nhà Nguyễn cũng có những vị vua quyết tâm chống giặc ngoại xâm giữ gìn đất nước như Hàm Nghi, Duy Tân… và có cả những ông vua sẵn sàng làm trâu ngựa cho thực dân Pháp như Đồng Khánh, Khải Định, Bảo Đại.
Những vấn đề cần được làm sáng tỏ xung quanh lịch sử thời Nguyễn đã được đưa ra bàn luận sôi nổi tại cuộc hội thảo khoa học lớn nói trên, đã đưa tới những nhận định tương đối thống nhất và thoả đáng hơn cả. Nhóm biên soạn (do GS. TS. Phan Ngọc Liên chủ biên) đã tuyển chọn những ý kiến được đông đảo giới nghiên cứu lịch sử nước ta chấp nhận, đưa vào cuốn sách này.
Cuốn sách gồm ba phần:
Phần I: Một số yêu cầu về phương pháp luận trong nghiên cứu và dạy học lịch sử thời Nguyễn.
Sách chỉ rõ: Việc nghiên cứu và dạy học Lịch sử nói chung, về thời nhà Nguyễn nói riêng của chúng ta phải xuất phát từ những cơ sở phương pháp luận sử học mácxít-lêninit, những quan điểm giáo dục của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước để làm sáng tỏ mọi vấn đề.
Phần II: Một số vấn đề lịch sử thời Nguyễn.
Phần này đề cập đến những vấn đề cơ bản trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự, văn hoá, xã hội, giáo dục và các nhân vật lịch sử thời Nguyễn có liên quan đến chương trình dạy và học ở cấp Phổ thông, Cao đẳng và Đại học.
Phần III: Về phương pháp dạy học lịch sử thời Nguyễn.
Phần này giới thiệu những kinh nghiệm thành công và bất cập (được rút ra qua tranh luận, trao đổi giữa các học giả, các nhà nghiên cứu, các nhà giáo có nhiều năm làm công tác giảng dạy lịch sử nói chung và lịch sử thời Nguyễn nói riêng) trước yêu cầu đổi mới nội dung, đổi mới về phương pháp theo hướng tích cực hoá việc dạy và học lịch sử phù hợp với chương trình cải cách giáo dục ở các trường phổ thông hiện nay.
Với những luận điểm đúng đắn, những phân tích kiến giải khoa học giàu tính thuyết phục và là một kho tư liệu lịch sử quý giá về thời nhà Nguyễn, hy vọng cuốn "Lịch sử Nhà Nguyễn - Một cách tiếp cận mới" sẽ là một công cụ hữu hiệu, đáp ứng cho nhu cầu học tập, nghiên cứu và tìm hiểu của đông đảo học sinh, sinh viên, thầy cô giáo, những người nghiên cứu lịch sử giai đoạn này và nói chung cho bất cứ ai quan tâm, yêu thích tìm hiểu lịch sử nước nhà.