Nội dung tóm tắt |
Viện Hàn lâm Pháp đã quyết định trao Giải thưởng lớn Moron của năm 2007 cho nhà vật lý thiên văn người Mỹ gốc Việt Nam Trịnh Xuân Thuận vì cuốn sách phổ biến khoa học mới nhất của ông Những con đường của ánh sáng: Vật lý và siêu hình học của ánh sáng và bóng tối được Nhà xuất bản Fayard (Pháp) cho ra mắt vào tháng 3/2007.
Giải thưởng lớn Moron được coi là tương đương với giải thưởng Pulitzer hay Giải thưởng sách quốc gia của Mỹ. Trong nhiều năm, giải thưởng này đã được trao cho các tác giả xuất sắc của nước Pháp, kể cả các chính khách và các học giả.
Trong tập sách này, tác giả đã thảo luận về ánh sáng, và liên quan tới nó là bóng tối, trên nhiều phương diện, bao gồm tầm quan trọng của nó đối với sự sống, đối với khoa học, sự diễn giải ánh sáng của bộ não, nghệ thuật của các họa sĩ thuộc trường phái ấn tượng, việc sử dụng ánh sáng trong kiến trúc và các khía cạnh tâm linh của ánh sáng... Cuốn sách này cũng là bản sử thi về cuộc hành trình của con người đi vào vương quốc ánh sáng và giải mã những bí mật của nó.
Tập 1 được chia làm 4 chương: Chương đầu tiên bắt đầu với khái niệm của người Hy Lạp về một "ngọn lửa bên trong", một con mắt chăm chú quan sát thế giới bằng cách phóng chiếu lên nó các tia sáng, trái ngược với quan niệm hiện nay về ánh sáng, theo đó, ánh sáng không phải đi từ mắt tới vật, mà từ vật tới mắt; Chương 2 phát triển các quan niệm mới về ánh sáng do cuộc đại cách mạng khoa học thế kỷ XVII mang lại; Chương 3 tập trung quanh cuộc tranh luận về bản chất của ánh sáng: ánh sáng là hạt, như Newton quả quyết, hay là sóng, như Huygens, Young và Fresnel khẳng định; Chương 4 khám phá các dạng ánh sáng thiên thể khác nhau xuất hiện trong suốt lịch sử dài dằng dặc của vũ trụ. |
Mục lục |
Lời tựa
Chương I- Con mắt cổ đại và ngọn lửa bên trong
Chương II- "Có Newton, tất cả sẽ bừng sáng" - Cuộc đại cách mạng khoa học
Chương III- Sự kỳ lạ của ánh sáng: Lưỡng tính sóng/hạt
Chương IV- Ánh sáng và bóng tối: Big Bang, vật chất tối và năng lượng tối
|