Mô tả sản phẩm: Bách khoa về biển
"Bách khoa về biển" (dưới dạng hỏi đáp) chủ yếu phục vụ cho các học sinh phổ thông, giáo viên dạy địa lý, ngư dân, bà con sỗng vùng ven biển và hải đảo. Sách sẽ cung cấp những kiến thức cơ bản thông dụng về biển như sóng, gió, dòng chảy, thủy triều, địa chất biển, luật biển, tương tác khí quyển và đại dương, hóa học biển, sinh vật biển, sinh thái học biển, ô nhiễm biển... Ngoài ra, còn giới thiệu các đại dương, các biển thế giới và Biển Đông, các đảo, quần đảo thế giới, các cảng biển Việt Nam và thế giới, các bãi tắm của nước ta....
Trích đoạn
Biển là gì?
Biển là phần đại dương bị giới hạn bởi mép lục địa, các đảo và vùng cao của đáy, có diện tích nhỏ hơn nhiều so với đại dương. Biển có một chế độ thuỷ văn riêng biệt, khác với chế độ thuỷ văn của phần đại dương tiếp cận với một mức nào đó. Biển cũng khác với đại dương về chế độ nhiệt, độ muối, tính chất triều, các điều kiện sinh thái, hệ thống dòng chảy (hải lưu).
Vì sao có tên “Bảy biển”
Tên “Bảy biển” bắt nguồn từ xa xưa. Đó là những biển được người Hồi giáo trước thế kỉ 15 biết đến, cụ thể là: Địa Trung Hải, Biển Đỏ, biển Đông Phi, biển Tây Phi, biển Đông, vịnh Persic và Ấn Độ Dương. Trong thời gian gần đây, tên “Bảy biển” lại được phổ biến nhờ Rudyard Kipling (nhà văn Anh; 1865 – 1936), ông đã lấy nó làm đầu đề cho một tập thơ của mình.
Biển Chết là gì?
Biển nội lục ở Cận Đông nằm giữa Joocđar và Ixraen, trên vết đứt gãy Xyri - Biển Đỏ, trong trũng kiến tạo Go (Ghor). Diện tích 1015km2, dài 76km, rộng 17km. Nằm ở vị trí thấp hơn mực nước biển 390m (ven bờ của biển là địa điểm thấp nhất trên bề mặt lục địa). Độ sâu đến 356m. Sông Joocđan (A.Jordan) đổ vào hồ. Độ muối của nước là 26 – 27‰ (có năm lên tới 31‰). Sinh vật hầu như không sống được do độ muối quá cao. Tại đây có thể khai thác muối kali và một số muối khác.
Biển Chết sẽ mất vào năm nào?
Các nhà bảo vệ môi trường Joocđan đã lên tiếng cảnh báo về sự biến mất của Biển Chết (Dead sea) vào năm 2050 nếu mực nước của Biển Chết tiếp tục giảm mạnh, đạt tới mức thấp nhất so với các biển khác. Trong khi đó, hàm lượng muối ngày lại càng cao. Ngoài ra, hệ sinh thái quanh Biển Chết bao gồm những loại thực vật, động vật quý hiếm cũng đang ở tình trạng báo động. Cách đây 40 năm, mực nước ở Biển Chết thấp hơn những khu vực biển khác tới 392m, mặc dù hiện nay đã tăng tới 412m nhưng vẫn tiếp tục chìm dần. Nếu không có những biện pháp khắc phục thích đáng, thì dự kiến trong vòng 10 năm nữa Biển Chết sẽ mất khoảng 1/3 diện tích, chỉ còn lại 650km2 so với 1.000km2 hồi đầu những năm thập niên 60 thế kỉ 20.
Giáo sư địa chất học, Elias Salameh cho biết, nguyên nhân làm cho Biển Chết đang bị cạn dần là do lượng nước cung cấp ở khu vực phía bắc giảm từ 1.700 triệu m3 cách đây 40 năm nay xuống còn 300 triệu m3. Theo đó, nước từ các sông Jorda và Yarmuk đã bị dân cư Xyri, Jorđani và Ixraen sử dụng cạn kiệt trước khi nó chảy vào biển này. Trong khi đó, lượng bốc hơi lại tăng rất nhanh, làm cho đầu ra ở phía nam luôn luôn bị khô cạn. Trước tình trạng khan hiếm nước như vậy, các công ty Joocđani và Ixraen lại không ngừng áp dụng và liên tục triển khai những dự án làm bốc hơi nước để chiết suất các loại muối khoáng quý hiếm nên làm cho nguồn nước ngày càng bị cạn kiệt.
Biển nội địa (Continental sea – Interior sea) là gì?
Biển nằm sâu trong lục địa và được nối với đại dương bởi một vài eo biển hẹp. Biển nội địa còn được chia thành biển trong lục địa (ví dụ: Biển Trắng, biển Ban Tích và Biển Đen) và biển giữa các lục địa (Địa Trung Hải, Caribê). Chế độ thuỷ văn các biển nội địa khác nhiều so với chế độ thuỷ văn các vùng đại dương lân cận.
Biển ven lục địa (Fringing sea, Border sea) là gì?
Biển nằm ở phần kéo dài dưới nước của lục địa, một số trường hợp ở đới chuyển tiếp, các biển ven lục địa thường không ăn sâu vào lục địa và phân cách với đại dương bởi các bán đảo lớn hay một dãy các đảo (ví dụ: biển Okhotsk, biển Coral, biển Tasman). Các biển Bêring, Nhật Bản nằm ở đới chuyển tiếp, phân cách với Thái Bình Dương bằng các chuỗi đảo. Chế độ thuỷ văn ở các đảo này gần với chế độ các phần đại dương kế cận hơn là chế độ biển nội địa.Tuỳ thuộc vào số eo biển nối liền với đại dương hay với các biển khác mà có thể chia thành: Biển một eo (Biển Trắng, biển Azôp, Biển Đỏ, biển Adriatic), biển hai eo (Biển Đen, biển Macmara, Địa Trung Hải) hay biển nhiều eo. Đa số các biển ven và biển giữa các đảo thuộc loại sau cùng.