Kể Chuyện Lịch Sử Việt Nam - Sóng Trào Non Bảng:
Vào năm 2000, giới sử học Việt Nam có tổ chức kỷ niệm về Phạm Thận Duật, một nhân vật lịch sử của nước ta hồi cuối thế kỷ XIX. Chính ông là người thay mặt triều đình ký hiệp ước Patenôtre, và cuối đời đã phải hy sinh sau mấy chục năm phong trần, phải ném mình xuống biển cả. Ông để lại những tiếc thương, và cũng không phải không có những băn khoăn này khác.
Thời buổi này, thân phận người phụ nữ Việt Nam ở đâu mà chẳng chịu những gian lao vất vả. Chẳng phải là bây giờ mới thế, chuyện xảy ra, lặp đi lặp lại có đến hàng ngàn năm. Suốt ngày đầu tắt mặt tối, dù sinh trưởng trong một gia đình khá giả hay nghèo nàn, thì cũng phải hai sương một nắng, sống cảnh lầm than. Khi trong nhà có cuộc vui, ngoài thôn xóm có hội hè, cô gái nông thôn được phút giây hồ hởi nào đó, cũng là hiếm có. Rồi đến lượt lấy chồng, sinh con, thành mẹ thành bà, gánh nặng trên vai lại càng nặng nề thêm nữa.
Bà Kép Tuyển vẫn nghĩ như thế, song liện hệ với số phận mình, bà vẫn có cảm tưởng rằng, hình như mình phải chịu những gay go hơn, nhất là có nhiều vận hạn hơn. Hàng chục năm trước, bà đã có lúc nghĩ rằng cuộc đời mình có thể hanh thông hơn chúng bạn, nhưng té ra lại không phải vậy.
Vốn là con một trong gia đình trung lưu, ông bố của bà là Nguyễn Noãn, làm lý trưởng dăm năm, nhà cũng có bát ăn bát để, không gây điều tiếng gì trong làng. Vì vậy mà bên nhà họ Phạm đã có cảm tình, đồng ý hỏi bà cho cậu đồ nho Phạm Thận Tuyển.
Gia đình cậu Tuyển là một gia đình có truyền thống học hành khoa cử. Ba đời liền nối tiếp nghiệp nho. Cụ tằng tổ Phạm Vực đỗ sinh đồ (1751), rồi đến cụ Phạm Đoài (cũng là sinh đồ năm 1771). Cậu Tuyển cũng vào loại học hành chăm chỉ, cẩn thận, có tiếng trong làng. Ông Nguyễn Noãn đồng ý kén cậu làm rễ, và sẵn sàng cho con rễ về ở nhà mình. Cậu Tuyển ở đó, dùi mài kinh sử, được ít năm mới cùng vợ ra ở riêng. Chỉ vùi đầu vào sách vở, đôi khi anh cũng đi các nơi - lên tận Thái Nguyên làm nghề thầy đồ, vừa kiếm sống, vừa để mở mang trí thức.
Cô Nguyễn Thị Dĩnh về làm dâu khi mới 16 tuổi. Bố chồng đã qua đời từ 9 năm trước. Bà mẹ chồng 64 tuổi, ở riêng, chỉ thỉnh thoảng đến thăm, và sau đó ít năm cũng mất (1820), lúc cô mới 19 tuổi, đã có đứa con trai đầu lòng. Cô sinh được hai con thì chồng đỗ Tú tài, khai khoa cho làng. Cô được bà con gọi bằng chị Tú. Cũng là bắt đầu một niềm vui, tuy chẳng có vai về hay quyền ưu tiên gì, song cũng là mát mặt với bà con...... |